bay

Ảnh minh họa

Các hãng đề nghị hành khách nên mua vé trên website, đại lý, phòng vé chính thức và yêu cầu xuất hóa đơn theo quy định...

Đối với khách mua vé trên website, cần đặc biệt lưu ý truy cập đúng địa chỉ chính thức của các hãng.

Hiện nay, xuất hiện một số website không phải kênh bán vé chính thức, nhưng được thiết kế gần giống website chính thức của các hãng. Giao diện, màu sắc, logo những trang web này cũng được thiết kế tương tự. Không chỉ vậy, các trang web này còn được tính toán để có thể hiển thị ngay ở trang nhất bộ máy tìm kiếm khi khách hàng tìm kiếm từ khóa về mua vé máy bay.

Do các website này không phải kênh bán hay đối tác chính thức của các hãng, hành khách mua vé từ đây sẽ không được đảm bảo quyền lợi, có thể mua phải vé giả, vé bị nâng giá...

Trong thời gian qua, các hãng hàng không cùng các cơ quan chức năng đã tích cực kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp website như trên. Tuy nhiên, hành khách vẫn cần rất chú ý cảnh giác để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Bên cạnh lưu ý về kênh mua vé, các hãng tiếp tục mong muốn hành khách làm thủ tục trực tuyến trước chuyến bay. Theo đó, hành khách có thể làm thủ tục trước qua điện thoại (telephone check-in), website, ứng dụng di động hoặc tại các quầy tự làm thủ tục (kiosk check-in), giúp tiết kiệm thời gian hơn nhiều so với làm thủ tục tại quầy truyền thống ở sân bay.

Đồng thời, hành khách lưu ý tự chuẩn bị khẩu trang vải kháng khuẩn trước khi lên tàu và sử dụng khẩu trang trong suốt hành trình bay. Trong giai đoạn cao điểm Tết năm nay là từ ngày 27/1 đến 26/2/2021 (tức ngày 15 tháng Chạp – 15 tháng Giêng), Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco sẽ tăng thêm hơn 414.000 ghế (tương đương hơn 2.100 chuyến bay) để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu 2021. Đợt tăng tải này nâng tổng số ghế toàn mạng nội địa của các hãng vào dịp Tết lên 2,4 triệu chỗ, tương đương gần 12.000 chuyến bay.

Trước đó, một số trường hợp hành khách bị ảnh hưởng bởi website có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu của Vietnam Airlines đã được phản ánh. Cụ thể, một nữ hành khách có nhu cầu bay Hà Nội – Đà Lạt vào cuối tháng 11, đã lên mạng tìm kiếm website đặt vé của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, sau khi hiện kết quả tìm kiếm, do không kiểm tra kỹ lưỡng nên khách hàng đã nhấp chuột truy cập website www.vietnamairslines.com. So với website chính thức www.vietnamairlines.com của Vietnam Airlines, tên miền của website này có thêm chữ “s”, được chèn vào giữa từ “Airlines” khiến khách hàng khó phân biệt. Website này còn có giao diện, màu sắc và các thao tác đặt vé tương tự với website chính thức Vietnam Airlines.

Nữ khách hàng tiến hành chuyển khoản 4 triệu tiền vé và vẫn nhận được thông tin kèm mã vé máy bay qua email. Sau đó, khi nhận ra điểm bất thường trên website đặt vé, khách hàng kiểm tra lại mã đặt chỗ trên website chính thức của Vietnam Airlines, nhưng không tìm ra kết quả. Liên hệ với các số điện thoại trên trang web đã mua vé, nữ khách hàng đều không thể liên lạc được và lúc này mới phát hiện mình đã đặt vé nhầm qua website lừa đảo.

Ngoài ra, trên MXH từng xuất hiện đường link dẫn đến trang web có nội dung hứa hẹn tặng 2 vé máy bay Vietnam Airlines cho khách hàng tham gia điều tra trực tuyến và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Đây đều không phải những trang web hay hoạt động do Vietnam Airlines quản lý, tổ chức. Khách hàng có thể bị kẻ xấu lợi dụng lấy cắp thông tin cá nhân hoặc vô tình tiếp tay cho hành vi lừa đảo những người dùng khác trên không gian mạng.

Vietnam Airlines đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng xử lý các website có dấu hiệu vi phạm về: Sử dụng logo, nhãn hiệu, hình ảnh của Vietnam Airlines, bản quyền thiết kế giao diện website, công bố thông tin, đăng ký, sử dụng tên miền có dấu hiệu trùng/tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại của Vietnam Airlines...

Các hãng hàng không và cơ quan chức năng đang tiếp tục phối hợp để xác minh tên, địa chỉ, chủ sở hữu hai tên miền này để giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật./.

Theo TTXVN