Đây là chia sẻ của ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với phóng viên TBTCVN.
* Luật Sửa đổi bổ sung một số điều tại các luật về thuế vừa được Quốc hội thông qua, được kỳ vọng là bước "đột phá" tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Quan điểm của ông thế nào?
- Theo tôi, Luật sửa đổi bổ sung một số điều tại các luật về thuế vừa được thông qua là một nỗ lực tiếp theo cải thiện thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các DN phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu cho Ngân sách nhà nước.
![]() |
Chúng ta đơn giản hóa thủ tục để tạo điều kiện cho DN, nhưng một số DN lại không tuân thủ các quy định chúng ta đưa ra, có những thủ tục hẹn đến 3 - 4 lần DN vẫn không tập trung thực hiện theo quy định, vậy là lỡ thời gian, cái này là lỗi của DN chứ không phải lỗi của ngành thuế. Điều này có thể ảnh hưởng đến quyết tâm và nỗ lực của rất nhiều các cơ quan, đơn vị. Ông Cao Sỹ Kiêm |
Luật được sửa theo hướng tốt hơn, cả về nội dung và tư tưởng (khuyến khích DN), tháo gỡ khó khăn cho DN; quy trình đơn giản không phức tạp như trước đây và gián tiếp thúc đẩy nông nghiệp phát triển; mức điều chỉnh thấp xuống sát với thế giới, thủ tục gọn hơn và DN dễ tiếp cận hơn.
* Xung quanh ý kiến cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 là "hơi gấp". Ông đánh giá thế nào? Liệu có gặp khó khăn trong triển khai?
- Tôi cho là không, “gần” là tốt chứ, quy định mới tháo gỡ khó khăn cho DN, thì càng triển khai sớm, rút ngắn thời gian được bao nhiêu càng tốt cho DN bấy nhiêu.
Tôi được biết, Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương đưa Luật vào cuộc sống bằng việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; hướng dẫn thực hiện một số nội dung nhiệm vụ cần được triển khai để thực hiện từ ngày 1/1/2015...
* Luật có đề cập tới vấn đề minh bạch thuế. Vậy làm thế nào để tăng được tính minh bạch, thưa ông?
- Các quy định xây dựng pháp luật về thuế phải thực hiện theo đúng văn bản quy phạm pháp luật và phải được đưa ra lấy ý kiến của đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật, có như vậy mới đảm bảo tính thống nhất.
Bên cạnh đó, các thủ tục, giấy tờ, số liệu phải công khai để người tính thuế, người nộp thu và những người chấp hành luật cùng giám sát lẫn nhau, đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính minh bạch.
* Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế được kỳ vọng sẽ nuôi dưỡng nguồn thu tốt. Vậy thực hiện như thế nào để có thể nuôi dưỡng nguồn thu tốt, thưa ông?
- Vấn đề ở đây là công bằng, công khai, công bằng từ cách tính thuế, cách thu và thu là phải thu triệt để không để thất thu. Nếu có người trốn được, từ đấy người ta sẽ nhìn nhau, người này làm được người kia cũng sẽ tìm cách để trốn thuế theo. Nếu chúng ta làm đúng thì mọi người nhìn nhau cùng làm tốt
Bên cạnh đó, cần phải có chế tài mạnh mẽ với DN, DN thực hiện tốt thì phải khen, không thực hiện phải phạt và phạt sao đủ sức răn đe chứ còn phạt cho có lệ như hiện nay thì nhiều DN sẵn sàng bị phạt, bởi nộp phạt xong vẫn còn kiếm được lợi.
* Ông đánh giá thế nào về hàng loạt giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn cho DN được Bộ Tài chính đề xuất cùng những cải cách mạnh mẽ về thuế nhằm hiện thực hoá mục tiêu tạo thuận lợi cho người nộp thuế, giảm số giờ làm thủ tục về thuế thời gian gần đây?
- Bộ Tài chính đã có nhiều thay đổi và những chuyển biến tích cực, thay đổi phương pháp làm việc và cũng bắt đầu áp dụng công nghệ mới trong thuế và hải quan.
Năm 2014, có thể khẳng định Bộ Tài chính đã làm rất quyết liệt vấn đề này, nhất là vấn đề giảm số giờ làm thủ tục về thuế, đây cũng là cái khó khăn nhất của đất nước chúng ta và cũng là điểm yếu của chúng ta so với thế giới; giờ của chúng ta cao gấp 3 lần thế giới, cao gấp 2 lần khu vực.
Việc làm này được DN đánh giá rất cao, DN đã có niềm tin hơn, tuy nhiên đây mới là bước đầu, muốn rút ngắn thời gian hơn nữa thì bản thân ngành thuế, bản thân cán bộ thuế phải thay đổi tư duy , phương pháp làm việc...
Cái này không phải “hô khẩu hiệu” là được, mà cần có quá trình, có lộ trình và đảm bảo tuân thủ lộ trình thực hiện.
* Vậy để đạt mục tiêu đến năm 2015, thời gian hoàn thành thủ tục thuế chỉ còn 171 giờ/năm, thì cần những giải pháp gì, thưa ông ?
- Đây là mục tiêu khó nhưng không phải không làm được nếu chúng ta quyết tâm làm. Để đạt được mục tiêu này cần có sự vào cuộc không chỉ của riêng ngành tài chính mà còn nhiều lĩnh vực khác.
Dù chúng ta có cố gắng đến mấy nhưng nếu chúng ta không “giáo dục” đối tượng nộp thuế thì cũng khó đạt mục tiêu.
Cụ thể, chúng ta đơn giản hóa thủ tục để tạo điều kiện cho DN, nhưng một số DN lại không tuân thủ các quy định chúng ta đưa ra, có những thủ tục hẹn đến 3 - 4 lần DN vẫn không tập trung thực hiện theo quy định, vậy là lỡ thời gian, cái này là lỗi của DN chứ không phải lỗi của ngành thuế. Điều này có thể ảnh hưởng đến quyết tâm và nỗ lực của rất nhiều các cơ quan, đơn vị.
Vì vậy, phải cải tiến đồng bộ, quyết tâm là tất cả cùng quyết tâm, từ ngành đến cán bộ và cả đối tượng nộp thuế, có như vậy, mục tiêu rút ngắn thời gian mới thực hiện được.
* Xin cảm ơn ông!
Hồng Chi ( thực hiện)