Nhân tố tạo nên kết quả xếp hạng
Theo Báo cáo Nhận định thị trường ngành ngân hàng của Công ty Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), trong nửa đầu năm 2024, kết quả xếp hạng tổ chức phát hành dài hạn lần đầu đã được công bố cho 3 ngân hàng tư nhân quy mô vừa, với triển vọng ổn định.
Theo đó, sự chênh lệch trong việc đánh giá, xếp hạng các ngân hàng này xuất phát từ các yếu tố nổi bật như: cấu trúc vốn vững chắc và khả năng sinh lời mạnh mẽ cùng với thành công trong việc chuyển đổi số để mở rộng tập khách hàng; quản lý chi phí tốt nhờ vào quy mô vốn lớn và sự hỗ trợ từ cổ đông chiến lược; chất lượng tài sản cao và khả năng kiểm soát rủi ro tối ưu hoá toàn diện.
Luật Các tổ chức tín dụng mới làm tăng kỳ vọng về sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các ngân hàng, bao gồm các tiêu chí về khả năng thanh toán và thanh khoản để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) can thiệp sớm. Đồng thời, luật cũng làm rõ quyền hạn của NHNN trong việc xử lý các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt. |
Ngoài các yếu tố hỗ trợ như trên, các chuyên gia từ VIS Rating kỳ vọng vào sự hỗ trợ từ Chính phủ trong các tình huống cần thiết và được củng cố thêm bởi Luật Các tổ chức tín dụng mới.
Vẫn đối diện với các rủi ro đáng lo ngại
Bên cạnh những yếu tố tích cực đã thúc đẩy xếp hạng của các ngân hàng trong nửa đầu năm 2024, theo các chuyên gia từ VIS Rating, các ngân hàng vẫn đang đối diện với những rủi ro đáng lo ngại. Cụ thể, rủi ro quản trị và thanh khoản được coi là những thách thức hiện hữu lớn nhất đối với ngành Ngân hàng, minh chứng rõ nét qua các đợt rút tiền hàng loạt và áp lực thanh khoản do quản trị rủi ro gây ra.
Báo cáo của VIS Rating chỉ ra rằng, rủi ro quản trị xuất hiện khi các cá nhân nắm giữ vị trí quan trọng trong ngân hàng có thể có những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ngân hàng để phục vụ lợi ích cá nhân. Những mối liên kết này không chỉ tạo ra rủi ro vận hành mà còn khiến ngân hàng dễ bị tổn thương, đặc biệt khi các tập đoàn lớn gặp khó khăn sẽ dẫn đến sự hoảng loạn trên thị trường và các đợt rút tiền ồ ạt từ các khách hàng.
Đơn cử như sự kiện xảy ra vào thời điểm tháng 10/2022, khi một lãnh đạo cấp cao của một tập đoàn lớn ở TP. Hồ Chí Minh bị bắt giữ vì vi phạm quy định cho vay, đã dẫn đến làn sóng rút tiền ồ ạt tại một ngân hàng có liên kết chặt chẽ với tập đoàn này, gây ra tình trạng thiếu hụt thanh khoản nghiêm trọng.
Cuộc điều tra sau đó cho thấy, lãnh đạo tập đoàn kiểm soát phần lớn vốn cổ phần của ngân hàng và đã chiếm dụng vốn thông qua các giao dịch cho vay lớn, làm tăng nợ xấu.
Ngân hàng Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn thị trường dễ bị tổn thương hơn trước các rủi ro thanh khoản. |
Tương tự, vào năm 2015, một loạt sự cố tại một số ngân hàng khác cho thấy sự chi phối của cổ đông lớn đã dẫn đến việc gia tăng tín dụng cho các dự án liên quan, gây nợ xấu kéo dài và cuối cùng dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán.
Cũng theo VIS Rating, thực tế cho thấy, các ngân hàng tại Việt Nam đối mặt với rủi ro thanh khoản cao hơn do phụ thuộc vào nguồn vốn không ổn định từ thị trường liên ngân hàng. Sự kiện rút tiền gửi năm 2022 đã làm tăng lãi suất và gây căng thẳng thanh khoản, đặc biệt cho các ngân hàng nhỏ. Bộ đệm tài sản thanh khoản của các ngân hàng Việt Nam chỉ đạt 27% tổng tài sản, thấp hơn mức trung bình 31% của khu vực, gây khó khăn trong việc đáp ứng nghĩa vụ về nguồn vốn thị trường.
Vai trò của xếp hạng tổ chức phát hành
"Quy định về thị trường trái phiếu trong nước yêu cầu các giao dịch phải được xếp hạng bởi tổ chức tín nhiệm nội địa, với thang xếp hạng có 21 bậc, chi tiết hơn so với thang xếp hạng quốc tế. Hiện nay, các ngân hàng có thể sử dụng xếp hạng tín nhiệm nội địa để xác định hệ số rủi ro tín dụng cho các khoản phải đòi và đầu tư chứng khoán nợ" - theo VIS Rating. |
Về xếp hạng tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, theo VIS Raing, việc xếp hạng tổ chức phát hành giúp đánh giá khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, trong khi xếp hạng trái phiếu cung cấp thông tin chi tiết hơn về rủi ro cụ thể của từng khoản trái phiếu.
Tuy nhiên, dữ liệu từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cho thấy rủi ro tín dụng không luôn được phản ánh đầy đủ trong giá trái phiếu. Một số ngân hàng có tín nhiệm cao lại phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn các ngân hàng có tín nhiệm thấp, và sự khác biệt về lãi suất giữa các ngân hàng có chất lượng tín nhiệm tương đương cũng khá lớn.
“Khi các thành viên thị trường ngày càng quen thuộc với xếp hạng tín nhiệm và bắt đầu áp dụng xếp hạng tín nhiệm trong việc phát hành và đầu tư trái phiếu, chúng tôi kỳ vọng các điểm bất thường trong việc định giá nêu trên sẽ giảm dần theo thời gian và giúp tăng tính hiệu quả của thị trường” – Các chuyên gia cho biết./.