Hoàn thành 70% kế hoạch cải cách hành chính

Triển khai cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo Kế hoạch năm 2022 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Kế hoạch thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực thuộc thẩm quyền của Bộ NN&PTNT; Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2022 và Kế hoạch kiểm soát TTHC năm 2022. Theo đó, trong quý III/2022, cải cách hành chính của bộ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến... tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động doanh nghiệp.

Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2022, bộ đã hoàn thành 70% kế hoạch cải cách hành chính. Về kiểm soát quy định TTHC, đã đánh giá, góp ý, cho ý kiến đối với 68 thủ tục tại 4 dự thảo nghị định; 7 dự thảo thông tư; kiểm soát chất lượng công bố đối với 38 TTHC (9 quyết định công bố) thuộc lĩnh vực bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thủy lợi, thủy sản, lâm nghiệp, trồng trọt, khoa học công nghệ và môi trường, trong đó có 6 TTHC mới, 19 TTHC sửa đổi, bổ sung, 1 TTHC bị bãi bỏ. Đến nay, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của bộ là 364 thủ tục. Trong đó, số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ NN&PTNT là 229 thủ tục; thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh là 106 thủ tục; cấp huyện là 16 thủ tục; cấp xã là 11 thủ tục; cơ quan khác 4 thủ tục.

Cải cách hành chính của các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch. Ảnh: Khánh Linh
Cải cách hành chính của các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch. Ảnh: Khánh Linh

Về thực hiện chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, bộ đã thực hiện đơn giản hóa 20/149 quy định tại 7/12 văn bản quy phạm pháp luật; còn 129/149 quy định đang làm thủ tục bãi bỏ theo quy định; cập nhật 170 quy định theo Quyết định 2177/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ NN&PTNT vào cơ sở dữ liệu và cổng tham vấn quy định kinh doanh…

Về triển khai dịch vụ công trực tuyến, hiện tại đang có 224 TTHC thuộc phạm vi quản lý của bộ, trong đó thực hiện trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử là 181; thủ tục thực hiện mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công của bộ là 26 và 29 thủ tục thực hiện trên Hệ thống một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Các hệ thống đều đảm bảo tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục rà soát các TTHC có đủ điều kiện quy định của pháp luật để cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công; nâng cao chất lượng giải quyết dịch vụ công của bộ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Tạo môi trường công khai minh bạch từ cải cách hành chính

Bộ NN&PTNT đánh giá, bên cạnh mặt tích cực, công tác cải cách hành chính lĩnh vực nông nghiệp còn một số hạn chế. Đơn cử, còn nhiều đơn vị để xảy ra tình trạng chậm trễ trong cải cách hành chính. Bộ phận một cửa chưa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC và trả kết quả tại bộ phận một cửa chưa thực hiện đầy đủ theo quy định. Nhiều hồ sơ đã tiếp nhận nhưng chưa được số hóa, cập nhật vào phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ để theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả và đánh giá chất lượng giải quyết TTHC. Cổng dịch vụ công của bộ chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông...

Nguyên nhân được bộ nêu rõ là do thủ trưởng các đơn vị chưa quyết tâm thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin chưa được đồng bộ, cài đặt riêng rẽ, thiếu kết nối trên diện rộng, chia sẻ thông tin qua mạng còn hạn chế giữa các đơn vị trong bộ; mức độ bảo mật an toàn, an ninh thông tin chưa cao. Bộ quản lý nhiều ngành, lĩnh vực lớn, số lượng TTHC và số lượng hồ sơ giải quyết nhiều.

Cắt giảm, đơn giản hóa được 182 quy định trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, Chính phủ đặt ra mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025, các bộ, ngành phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa được 182/677 quy định (quy định về thủ tục hành chính, chế độ báo cáo, yêu cầu điều kiện, tiêu chuẩn quy chuẩn và kiểm tra chuyên ngành), đạt tỷ lệ 26,88% trên tổng số quy định, 29,36% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoat động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nhận định tại cuộc họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính quý III/2022 của Bộ NN&PTNT mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, các mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tích tốt, nhưng cải cách hành chính vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết. Hiện số lượng TTHC cần phải cắt giảm còn nhiều, các quy chuẩn, tiêu chuẩn còn tồn tại với số lượng lớn. Vì vậy, các đơn vị cần tập trung thực hiện, đặc biệt là chuyển đổi số một cửa quốc gia cần tập trung hết thời lượng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị cần tập trung tạo môi trường thực sự công khai minh bạch, việc rà soát các thủ tục từ vụ tổ chức cho đến các nghị định cần làm sớm, làm nhanh, tích cực chủ động phối hợp giữa các đơn vị trong bộ, loại bỏ tư tưởng ỷ lại.

Theo thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đây là thời điểm khó khăn, thách thức đối với thế giới và Việt Nam, nhưng đồng thời cũng chính là thời cơ. Do đó, 4 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp không những trụ vững mà còn tăng trưởng tốt, xuất khẩu tăng 15%, thặng dư thương mại nông nghiệp tiếp tục tăng. Cải cách hành chính là vấn đề rất quan trọng, tạo dư địa cho tăng trưởng hơn nữa. Do đó, trước mắt, các đơn vị cần phải thống nhất nhận thức và hành động.

“Các kết quả tăng trưởng, xuất khẩu dù ấn tượng nhưng không phải tiêu chí chấm điểm cải cách hành chính mà là mức độ hài lòng của người dân, của doanh nghiệp, hợp tác xã. Nếu cải cách hành chính tốt nữa kết quả tăng trưởng sẽ còn lớn hơn nhiều ý nghĩa hơn” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.