CT

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp.

>> Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong kinh doanh bảo hiểm

Rà soát, xử lý hài hòa các chồng chéo với luật khác

Trình bày tại phiên họp sáng 13/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

Các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, Luật này sau khi được thông qua, một số quy định có liên quan tới nhiều luật khác. Do đó, đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng nêu rõ quan điểm về một số nội dung cụ thể tại dự thảo luật liên quan đến: phạm vi điều chỉnh và áp dụng pháp luật; hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường bảo hiểm; cung cấp dịch vụ qua biên giới; bảo hiểm bắt buộc; hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp; hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; ứng dụng công nghệ thông tin; …

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cơ bản tán thành và đánh giá cao hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, chu đáo. Các nội dung sửa đổi đã phần nào khắc phục được những bất cập của quy định hiện hành, bổ sung nhiều vấn đề mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trọng tâm trong dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cơ quan soạn thảo đã tiến hành tổng kết, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài đối chiếu yêu cầu phát triển trong tình hình mới, đề xuất bổ sung nhiều nội dung đáp ứng yêu cầu điều chỉnh toàn diện, tổng thể quan hệ xã hội trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu thêm một số vấn đề cụ thể như hệ thống cơ sở dữ liệu, hợp đồng bảo hiểm, áp dụng pháp luật. Chẳng hạn, trong trường hợp cùng nội dung nhưng quy định khác nhau ở các luật thì ưu tiên luật chuyên ngành, song cần phải rà soát xem cụ thể ưu tiên nội dung nào, tránh để phạm vi quá rộng.

Ngoài ra, một số ý kiến khác cũng đề nghị tiếp tục rà soát để có thể thể chế hóa một cách tối đa các chủ trương của Đảng trong ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục rà soát xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo bất cập với các luật khác; nội luật hóa các cam kết quốc tế một cách phù hợp và lường trước các vấn đề phát sinh; cân nhắc về thời gian có hiệu lực của luật vào tháng 7/2023 theo hướng rút ngắn thời gian để luật sớm có hiệu lực thi hành;…

Tạo bước đột phá để thị trường phát triển mạnh hơn

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết dự án Luật đã được Bộ Tài chính và các cơ quan của Quốc hội vào cuộc từ sớm, đến nay hồ sơ đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ, công phu. Nhìn chung, các dự án luật Bộ Tài chính thực hiện thường có chất lượng cao, Chủ tịch Quốc hội đánh giá. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý vẫn cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các báo cáo trước khi trình Quốc hội.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội cho biết một trong những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII là phải hoàn thiện thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, phải tập trung đầu tư, phát triển các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm là một thành tố rất quan trọng của thị trường vốn và là dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Hiện nay, thị trường bảo hiểm của chúng ta phát triển nhanh nhưng còn khá thấp so với tiềm năng và so với mặt bằng chung thế giới. Do đó, điều quan trọng là sau khi ban hành luật sửa đổi phải tạo được bước đột phá, cú huých quan trọng cho thị trường bảo hiểm phát triển mạnh hơn.

Liên quan đến các nội dung cụ thể, một trong những vấn đề Chủ tịch Quốc hội lưu ý là rà soát lại về hợp đồng bảo hiểm, tránh để nội dung hợp đồng nặng về bảo vệ cho doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm, còn người thụ hưởng chưa được chú trọng đúng mức, phải làm sao cân bằng giữa lợi ích người cung cấp và người sử dụng dịch vụ. "Các quy định của Luật phải thống nhất nguyên tắc xuyên suốt là bảo vệ quyền lợi cho bên được cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhưng không tạo ra các rào cản, thủ tục hay phát sinh các chi phí không cần thiết gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến, rà soát lại toàn bộ các vấn đề đã được cơ quan thẩm tra, UBTVQH nêu để đảm bảo tiếp thu tối đa, hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội.

Đối với ý kiến về cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm và các chứng chỉ liên quan, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên các ngành nghề này đều do các cơ quan nhà nước cấp chứng chỉ. Ví dụ như chứng chỉ kiểm toán do Kiểm toán Nhà nước cấp, chứng chỉ chứng khoán thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp,… như vậy mới đảm bảo quản lý thống nhất, chất lượng. Nếu giao cho các hiệp hội cấp chứng chỉ như ý kiến kiến nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính lo ngại sẽ khó kiểm soát, khó đảm bảo chất lượng.

Về bảo hiểm vi mô, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đưa ra 4 sản phẩm, trong 6 tháng đầu năm 2021 đã thực hiện doanh thu bảo hiểm được 8,6 tỷ đồng, chi trả 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi hoạt động này phát triển ở quy mô lớn hơn sẽ tiềm ẩn những rủi ro, đòi hỏi phải có doanh nghiệp chuyên nghiệp quản lý, tránh khi đổ vỡ ra ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đến người dân. Do đó, tại dự thảo Luật thiết kế đưa vào nguyên tắc, quy định để thực hiện. Sau đó, cần giao cho Chính phủ ban hành nghị định để thực hiện bảo hiểm vi mô bởi hiện nay hoạt động này vẫn thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Chính phủ và của Bộ Tài chính./.

Dương An