Tỏa sáng tinh thần gương mẫu

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư có tính chất phức tạp nhất từ trước đến nay, nhưng với ý thức sâu sắc vị trí, vai trò và trách nhiệm gương mẫu, đi đầu của Thủ đô trong phòng, chống dịch bệnh, Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp, lấy hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 làm cơ sở, tiền đề để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, quốc phòng.

Còn nhớ, vào 6 giờ ngày 24/7/2021, TP. Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” và phương châm “bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu”, Hà Nội không chỉ thực hiện kịp thời, đúng quy định chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 mà còn chủ động mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ. Điển hình, ngay giữa tháng 8, Hà Nội đã ban hành nghị quyết đặc thù hỗ trợ 10 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch Covid-19 chưa được quy định Nghị quyết 68/NQ-CP.

Càng trong gian khó càng tỏa sáng

Tính đến ngày 31/12/2021, Hà Nội đã thực hiện hỗ trợ (Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND….) cho trên 5,31 triệu lượt đối tượng với kinh phí hơn 6.525,7 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, cấp ủy đảng, chính quyền thành phố đã phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm theo đúng Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII. Nhờ sự thống nhất trên dưới như một, lãnh đạo, chỉ đạo luôn gắn với kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội đang đi từng bước vững chắc trong cuộc chiến với “giặc” dịch.

Cùng với cả nước, nhân dân Thủ đô luôn thể hiện rõ tinh thần gương mẫu, đi đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Sự gương mẫu đó còn được thể hiện đặc biệt ấn tượng qua việc thực thi chiến lược vắc-xin. Thành phố đã thực hiện tiêm phủ vắc-xin mũi 1 cho trên 94%, mũi 2 cho khoảng 85% người dân từ 18 tuổi trở lên và đang tổ chức tiêm cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, từng bước cho các em học sinh trở lại trường học…

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, kết quả đó là nhờ thành phố đã huy động tổng lực sự tham gia của hệ thống y tế công lập, tư nhân, cùng sự hỗ trợ của các bệnh viện trung ương, bệnh viện ngành công an, quân đội và các địa phương khác.

Đặc biệt, với chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 "thần tốc" trong đợt bùng dịch lần thứ 4, người đứng đầu TP. Hà Nội khẳng định thành quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của trung ương; là biểu hiện của sức mạnh đoàn kết và chung ý chí quyết tâm của Hà Nội cùng các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố.

“Ngành y tế luôn nhận thức tiêm nhanh nhất, sớm nhất nhưng phải an toàn nhất. Chỉ trong mấy ngày, tính đến 18 giờ 30 ngày 13/9, toàn thành phố đã tiêm được hơn 4,7 triệu mũi tiêm, đã sử dụng hơn 4,3 triệu liều vắc-xin, đạt 80,6% trong tổng số hơn 5,3 triệu liều vắc-xin được cấp. Đến ngày 15/9, Hà Nội hoàn thành mục tiêu 100% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Hà Nội đã tận dụng từng phút, từng giờ để về đích mục tiêu tiêm chủng bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao” - Bí thư Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Tỏa sáng tình đoàn kết, nghĩa đồng bào

Nêu cao tinh thần “Tình đoàn kết, nghĩa đồng bào”, Hà Nội còn tích cực chi viện cho các tỉnh, thành khác để phần nào vơi bớt khó khăn, tạo sức mạnh trong cuộc chiến chống Covid-19.

“Những kết quả ấn tượng của Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của các cấp, các ngành; truyền thống đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng bộ; sự quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của Thủ đô; sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp; sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành; sự liên kết chặt chẽ, tinh thần Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước. Đây chính là bài học mà Hà Nội trân quý, giữ gìn để tiếp tục phát huy trong những năm tiếp theo”. - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân Thủ đô là chuyến xe trong đêm và sáng ngày 17/5 do Hà Nội cử 20 chuyên gia lên đường đến hỗ trợ tỉnh Bắc Giang và hỗ trợ xét nghiệm 10.000 mẫu; hỗ trợ Bắc Ninh 5.000 mẫu xét nghiệm Covid-19… Đó còn là nghĩa cử cao đẹp của 350 cán bộ, giảng viên và sinh viên y khoa của Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với 100% thành viên xung phong, tình nguyện lên đường vào Bình Dương để tham gia chống dịch Covid-19 trong những ngày đầu tháng 7.

Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì TP. Hồ Chí Minh”, trong tháng 7, Hà Nội đã trao tặng TP. Hồ Chí Minh hệ thống xét nghiệm PCR tự động, máy tách chiết và test chẩn đoán Covid-19; tháng 8 Hà Nội tiếp tục hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh 5.000 tấn gạo, tỉnh Bình Dương 1.000 tấn gạo, hỗ trợ 18 tỉnh, thành phố phía Nam mỗi địa phương 3 tỷ đồng.

Sự sẻ chia đó rất đáng trân quý và đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm Thủ đô đang gồng mình chống dịch, thể hiện rõ tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết của Hà Nội, thể hiện một “Hà Nội vì cả nước”. Tình đoàn kết, nghĩa đồng bào đã và sẽ mãi là sức mạnh giúp Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung luôn giành chiến thắng - kể cả với “giặc tàng hình” mang tên Covid-19.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh: “Nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 muốn thành công phải cộng đồng trách nhiệm, phối hợp hiệu quả; việc hỗ trợ các tỉnh, thành phố khác không chỉ là trách nhiệm với tinh thần “Hà Nội vì cả nước” mà còn giúp “phòng thủ” cho Thủ đô về các điểm nóng dịch Covid-19 để hỗ trợ chuyên môn”.

Tỏa sáng lòng dũng cảm

Năm 2021 cũng là tròn 75 năm Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lời kêu gọi đó đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm này, khi Thủ đô cũng như cả nước đang gồng mình vượt qua khó khăn, vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Hà Nội, một lần nữa thêm tỏa sáng về tinh thần quả cảm như khi xưa chống giặc ngoại xâm và giờ đây chống “giặc” dịch.

Quả cảm trong phản ứng rất mau lẹ trước cuộc chiến là điều mà mọi người dân Thủ đô cũng như cả nước cảm nhận được, dù diễn biến cuộc chiến thế nào cũng chưa từng nao núng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã liên tục trả lời truyền thông để phát đi thông điệp điều hành minh bạch, trấn an dư luận. Từ đó, các tầng lớp nhân dân không những chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, mà còn tích cực tham gia ủng hộ, quyên góp cho công tác phòng, chống dịch, mua vắc-xin; cống hiến sức người, sức của siết chặt phong tỏa “vùng đỏ”, “vùng da cam”; thiết lập và bảo vệ “vùng xanh”; tham gia các tổ Covid-19 cộng đồng, bảo đảm an toàn tại các địa bàn dân cư, tạo thành lá chắn vững chắc cho thành phố…

Hà Nội kiên cường, người dân sống ở mảnh đất ngàn năm văn hiến này cũng vậy. Tin tưởng rằng, khó khăn rồi sẽ qua đi, Hà Nội sẽ nhanh chóng chiến thắng dịch bệnh. Cuộc sống sớm trở lại bình thường, trẻ nhỏ lại xúng xính trong manh áo mới, tung tăng cắp sách đến trường, niềm vui lại rộn vang ở mỗi ngôi nhà, góc phố…

Kiên trì, quyết liệt, nhất quán thực hiện “mục tiêu kép”

Hà Nội đã và đang nỗ lực trong chống dịch để cùng Chính phủ theo đuổi đến cùng mục tiêu tính mạng và sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết. Trong hành trình đó, nhận thức sâu sắc vị thế là Thủ đô, trái tim của cả nước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội đã và đang kiên trì, quyết liệt và nhất quán thực hiện “mục tiêu kép” và đạt nhiều thành quả ấn tượng. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 108,3% dự toán trung ương giao, đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán, nhất là các nhiệm vụ chi phòng chống dịch bệnh, chi cho công tác an sinh xã hội…; GRDP cả năm 2021 ước tăng khoảng 2,92%, mặc dù không đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7,5%), nhưng vẫn duy trì ổn định. Thành phố đã tổ chức thành công 2 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

Mục tiêu của TP.Hà Nội trong năm 2022 là phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.