Vai trò cốt lõi của Bộ Tài chính

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đoan Hùng - Phó Chủ tịch VBA (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) chia sẻ, ngày 23/2/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 194/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Kế hoạch này nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).

Cấp bách xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý tài sản ảo
Ông Nguyễn Đoan Hùng - Phó Chủ tịch VBA, chia sẻ và trao đổi thêm nhiều nội dung liên quan đến quản lý tài sản ảo tại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Vân
Các ý kiến trực tiếp và gián tiếp sẽ được VBA tổng hợp, phân tích và gửi tới các cơ quan chức năng để kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý trên tinh thần phù hợp tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế trước thời hạn tháng 5/2025, theo Quyết định 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024.

Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với VA và VASP (tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo) và chứng minh việc thực thi khung pháp lý đó, bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ và biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; thời hạn cụ thể là tháng 5/2025.

Có thể thấy, đây là một hành động rất quyết liệt và tích cực của Chính phủ nhằm khôi phục uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, sau khi chúng ta bị đưa vào danh sách theo dõi tăng cường của FATF vì không có đủ các cơ chế phòng chống rửa tiền, bao gồm phòng chống rửa tiền qua giao dịch tiền ảo, tài sản ảo.

Giải pháp cụ thể hoá

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài, các nhà hoạch định chính sách đến từ các bộ, ngành đều có chung đánh giá, VA là xu thế chung không thể đạo ngược của thế giới.

Theo ước tính, tổng giá trị VA dự kiến sẽ chiếm tới 10% GDP toàn cầu, lên tới 16.000 tỷ USD vào năm 2030. Với xu thế phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, Việt Nam cần phải nhanh chóng ban hành các quy định quản lý VA và VASP phù hợp với tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền của FATF, nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám.

Cấp bách xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý tài sản ảo
Cấp bách xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý tài sản ảo. Ảnh: minh hoạ

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đoan Hùng cũng cho rằng, từ kế hoạch tới thực tiễn là một quãng đường dài và cũng có rất nhiều thách thức, bởi việc thừa nhận hay không thừa nhận, cấm hay điều chỉnh tài sản ảo cũng đều sẽ đặt ra những xung đột lợi ích giữa nhóm đối tượng đầu tư, kinh doanh truyền thống như: bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và những người theo đuổi lĩnh vực kinh tế số như blockchain, AI, IoT,...

Chính vì vậy, VBA kêu gọi cộng đồng và VASPs tích cực đề xuất các giải pháp và phối hợp với các cơ quan quản lý, hiệp hội nghề nghiệp trong các vấn đề hoạt thiện cơ sở pháp lý VA và VASP.

Đồng thời, VBA cũng hỗ trợ các hoạt động phổ biến nhận thức cộng đồng ở khối tư nhân, như thông qua việc chuẩn bị các chương trình đào tạo cho khách hàng của mình, chứng minh các quy trình tuân thủ, cũng như phối hợp với các đơn vị triển khai các hoạt động bảo vệ lợi ích cộng đồng chống lừa đảo. Đặc biệt là cùng hội nghề nghiệp chủ động sẵn sàng đóng thuế và đề xuất các giải pháp được đóng thuế để khẳng định vai trò của VA và VASP đóng góp vào nền kinh tế quốc dân và sự phát triển của đất nước.

Bên lề hội thảo, ông Joe Tu - Giám đốc Phát triển kinh doanh toàn cầu, đồng thời là đơn vị sản xuất bitcoin sạch lớn nhất thế giới - VASP CoinEx cho biết, đơn vị này cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định pháp lý và đạo đức tại Việt Nam, đặc biệt là các quy định về phòng chống rửa tiền.

CoinEx cũng bày tỏ sự tuân thủ thông qua việc cam kết hỗ trợ chương trình truy vết các dự án có dấu hiệu lừa đảo ChainTracer do VBA khởi xướng, nhằm bảo vệ người dùng và giảm thiểu hậu quả từ việc lợi dụng công nghệ blockchain cho mục đích xấu, làm xói mòn lòng tin của xã hội.