jestar pacific

Thị trường hàng không Việt Nam hiện đang tăng trưởng khá nhanh và có dấu hiệu "nóng" hơn lên. Ảnh minh họa

Thời gian qua, khá nhiều cơ quan báo chí đề cập đến việc cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) và Công ty CP Hàng không SkyViet.

Một số báo còn trích dẫn phát biểu của một số “chuyên gia kinh tế” để cho rằng việc Bộ Tài chính không đồng ý với phương án vốn của doanh nghiệp là cứng nhắc.

Tuy nhiên các chuyên gia pháp lý đã khẳng định quan điểm của Bộ Tài chính là hoàn toàn đúng, vì kinh doanh hàng không có liên quan mật thiết đến an ninh quốc phòng và sinh mạng của khách hàng.

Liên tiếp 2 hãng hàng không xin gia nhập thị trường

Bộ Giao thông Vận tải vừa qua đã liên tiếp đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) và Công ty CP Hàng không SkyViet.

Để có căn cứ pháp lý cấp phép, Chính phủ đã lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Tài chính. Sau khi xem xét điều kiện về tài chính của Vietstar Airlines, Bộ Tài chính đã có công văn số 14032/BTC- TCDN ngày 7/10/2015 khẳng định Vietstar Airlines đã không đảm bảo quy định về vốn góp và xác nhận về vốn theo Nghị định số 30/2013/NĐ-CP.

Cụ thể, theo Nghị định này, vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không có khai thác đến 10 máy bay là 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chưa xuất trình văn bản xác nhận vốn theo điều 9 của Nghị định.

Dù đã trả lời rất rõ ràng như vậy nhưng phía doanh nghiệp và Bộ GTVT vẫn tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ xin cấp phép hoạt động. Điều này khiến Chính phủ một lần nữa lấy ý kiến Bộ Tài chính và mới đây nhất, tại văn bản số 5747 ngày 28/4/2016, Bộ Tài chính tiếp tục khẳng định văn bản xác nhận vốn của Vietstar Airlines không hợp lệ theo quy định của pháp luật, đề nghị Bộ Giao thộng Vận tải tổ chức thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 30/2013. Bộ Tài chính cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Còn với Skyviet, ngày 4/5/2016 vừa qua, Văn phòng Chính phủ cũng đã ra văn bản yêu cầu 4 Bộ: Tài chính, Tư pháp, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến với đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, giấy phép kinh doanh hàng không chung cho Công ty cổ phần Hàng không SkyViet trong tháng 5 để Văn phòng Chính phủ có cơ sở trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Không thể có ngoại lệ

Trước sự kiên quyết của Bộ Tài chính, đã có một số thông tin trích lời phát biểu của một số người được cho là “chuyên gia kinh tế” rằng quyết định của Bộ Tài chính là “cứng nhắc”, “không tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”… nhằm ủng hộ cho doanh nghiệp. Chưa dừng lại đó, đã có một số phóng viên liên hệ với lãnh đạo Bộ Tài chính để đặt vấn đề về việc tại sao không tạo điều kiện cho doanh nghiệp?

Trước vấn đề này, chiều 20/5 Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đã có cuộc trả lời các phóng viên báo chí quan tâm đến vụ việc. Thứ trưởng Trần Văn Hiếu đã khẳng định: “Bộ Tài chính luôn luôn tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tuy nhiên trên nguyên tắc là phải đúng pháp luật. Nghị định 30/2013/NĐ-CP quy định vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp như thế nào thì phải thực hiện như thế và chúng tôi đã trả lời rất rõ ràng. Chúng tôi không thể làm trái các quy định của pháp luật được”.

Trao đổi về điều kiện cấp phép kinh doanh trong lĩnh vực hàng không, dưới góc độ pháp lý, một số chuyên gia cho rằng không nên có ngoại lệ như đề nghị của một số ý kiến vừa qua. Theo đó, tất cả các hãng hàng không khi được cấp phép thành lập đều phải đáp ứng đầy đủ các quy định của Nhà nước, từ hãng nhỏ cho đến hãng lớn.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, kinh doanh hàng không dân dụng là hoạt động kinh tế có nhiều đặc thù, cần kiểm soát chặt chẽ vì liên quan tới an toàn của hành khách. “Tôi cho rằng, không thể có ngoại lệ, không thể khuyến khích phát triển ồ ạt dẫn tới buông lỏng quản lý trong lĩnh vực này. Linh hoạt cũng không thể linh hoạt trái quy định. Linh hoạt cho một vài trường hợp chính là lợi ích nhóm và chúng ta đã có bài học từ một số hãng hàng không rồi”, luật sư Đức khẳng định.

Đồng quan điểm này, TS. Trần Đình Bá cũng cảnh báo: "Phát triển các hãng hàng không để khai thác tiềm năng hạ tầng hàng không là cần thiết, song không thể ồ ạt được".

TS. Trần Đình Bá cho rằng việc siết chặt các quy định về cấp phép kinh doanh hàng không là đúng. "Đây là một ngành đặc thù, rất quan trọng đến quốc phòng, an ninh và vấn đề ngoại giao, kinh tế, khoa học công nghệ". Ông Bá cũng lưu ý về khả năng có lợi ích nhóm trong việc liên tiếp ồ ạt thành lập nhiều hãng hàng không theo kiểu “nấp bóng”, gây lãng phí, kìm hãm hàng không và làm ảnh hưởng sự nghiệp phát triển bền vững của ngành hàng không.

Về phía cơ quan quản lý, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ cũng khẳng định quan điểm của Chính phủ rất rõ ràng: “Việc xem xét, quyết định cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cần được kiểm soát chặt chẽ và phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP, bảo đảm an ninh, an toàn, tránh nhượng quyền vận chuyển hàng không nội địa”.

Một số chuyên gia khác cũng cho rằng, việc xem xét thủ tục cấp phép cho 2 hãng hàng không mới vừa qua có nhiều điều bất cập, lúng túng. Vì vậy, chính các bộ, ngành là các cơ quan xây dựng chính sách nên có những hướng dẫn đầy đủ, chi tiết để lựa chọn được các doanh nghiệp có tiềm lực, khả năng phát triển hãng hàng không mới, để các chủ đầu tư, doanh nghiệp thực hiện đúng, đủ các qui định đó, tránh gây ra những việc làm không đúng về sau, gây ra những hậu quả, khó giải quyết./.

S.Đà