Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam xung quanh vấn đề này.

* PV: Thưa ông, thị trường chứng khoán kết thúc tuần giao dịch với mức giảm khá sâu. Theo ông đâu là nguyên nhân của đợt giảm mạnh này?

Ông Nguyễn Thế Minh: Thị trường giảm trong thời gian qua đến từ ảnh hưởng quán tính từ tuần giao dịch trước đó khi câu chuyện Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và những nhận định của FED cũng tiêu cực hơn.

Thời điểm trước đó FED nhận định lạc quan về thị trường và còn kỳ vọng thị trường Mỹ năm 2022 sẽ tăng trưởng.

Tuy nhiên báo cáo cuộc họp gần đây nhất FED lo ngại hơn về tình hình tăng trưởng và đặc biệt đánh giá suy thoái có thể xảy ra. Khả năng quý III cũng sẽ là quý tăng trưởng âm của Mỹ do đó kinh tế Mỹ bắt đầu có dấu hiệu suy thoái khiến tâm lý nhà đầu tư lo ngại.

Bên cạnh đó, chính những chỉ số chứng khoán Mỹ trong thời gian qua S&P500, Dow Jones, Nasdat cũng có những nhịp giảm mạnh và đã quay trở lại vùng đáy cũ, điều đó cũng là một số yếu tố bên ngoài đã ảnh hưởng thị trường.

Chiến lược nào cho nhà đầu tư trong lúc thị trường chứng khoán biến động mạnh?
Chiến lược nào cho nhà đầu tư trong giai đoạn thị trường biến động mạnh. Ảnh: T.L

Hiện nay P/E thị trường rơi về mốc dưới 12 lần, gần với mức đáy của đợt xảy ra Covid tháng 3/2020. Trong lịch sử đây là lần thứ 4 P/E ở mức thấp như vậy kể từ năm 2013.

Chiến lược nào cho nhà đầu tư trong lúc thị trường chứng khoán biến động mạnh?
Ông Nguyễn Thế Minh

Trong nước, mặc dù con số vĩ mô của chúng ta tăng trưởng tốt, lạm phát kiểm soát được, GDP tăng cao so với cùng kỳ tuy nhiên so với quý I, quý II thì tốc độ tăng trưởng đang tăng trưởng chậm lại.

Bên cạnh đó việc tăng lãi suất của FED cũng ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam, lạm phát trong nước được kiểm soát cho nên sức mua nội địa tốt nhưng sức mua từ hoạt động xuất khẩu đang kém đi, khiến cho xuất khẩu bị ảnh hưởng và tăng trưởng chậm hơn.

Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh trong bối cảnh đồng USD tăng cao, tỷ giá tăng nhà đầu tư nước ngoài sẽ có khuynh hướng bán ròng cũng góp phần khiến tâm lý nhà đầu tư trong nước bị ảnh hưởng.

* PV: Thời gian tới trường chứng khoán sẽ chịu tác động bởi những yếu tố nào và dự báo diễn biến của thị trường giai đoạn tới sẽ ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Minh: Sẽ có một số yếu tố tác động đến thị trường, thứ nhất là đồng USD, đồng USD đã tăng rất mạnh từ đầu năm 2022 đến nay và đang tiến về cùng đỉnh của năm 2002. Điều này đồng nghĩa dư địa tăng giá của đồng USD đang ít dần, đà tăng có khả năng chững lại trong thời gian tới do đó khi yếu tố này xảy ra sẽ là điểm tích cực cho thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, tháng 10 là tháng công bố kết quả kinh doanh quý III, mặc dù quý III so với quý II tăng trưởng thấp nhưng một số nhóm ngành như thủy sản, dệt may sẽ là những nhóm ngành có kết quả đột biến. Đây là những thông tin tích cực để hỗ trợ thị trường trong giai đoạn tháng 10.

Yếu tố tiếp theo đó là tình hình lạm phát và từ tháng 6 đến nay chỉ số hàng hóa có khuynh hướng giảm, điều này thể hiện lạm phát bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. FED sẽ có hành động tăng lãi suất nhẹ nhàng hơn trong những tháng còn lại của năm 2022. Đó cũng là một điểm tích cực hỗ trợ thị trường.

Yếu tố tiếp theo đó là định giá của thị trường, hiện nay P/E thị trường rơi về mốc dưới 12 lần gần với mức đáy của đợt xảy ra dịch Covid-19 tháng 3/2020. Trong lịch sử đây là lần thứ 4 P/E ở mức thấp như vậy kể từ năm 2013. Bên cạnh đó, thống kê nhiều cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá bán trên mô hình định lượng, sắc xuất chỉ số VN-Index tăng trong hai tháng tới khoảng 72% với mức tăng trung bình 10%. Nhiều khả năng trong hai tháng tới kịch bản tích cực sẽ nhiều hơn.

* PV: Trong bối cảnh thị trường hiện tại, nhà đầu tư nên làm gì để có thể quản trị được rủi ro một cách tốt nhất?

Ông Nguyễn Thế Minh: Chiến lược quan trọng là không nên sử dụng đòn bẩy trong năm 2022 hoặc nếu dùng chỉ dùng lượng ít và không sử dụng đòn bẩy cao trong thời điểm thị trường không thuận lợi.

Trong ngắn hạn khả năng hồi của thị trường khá cao do đó không nên có hành động bán tháo vào thời điển này, nếu nắm giữ cổ phiếu bằng giá vốn thì tiếp tục nắm giữ chờ đợi xu hướng của thị trường cải thiện tốt hơn kèm thanh khoản thì tăng tỷ trọng để đón sóng hồi, lướt sóng giảm khoản lỗ xuống.

Đối với chiến lược dài hạn, chúng ta có thể tích lũy cổ phiếu trong vùng giá thấp, nhưng với tỷ trọng nhỏ vì rủi ro của thị trường còn nhiều trong ngắn hạn và trung hạn còn lớn.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Chỉ số VN-Index đã lùi gần hơn về mốc 1.000 điểm và nối dài chuỗi giảm 6 tuần liên tiếp, chuỗi giảm tương đương hồi tháng 5 vừa qua. Chỉ số này đã mất gần 31% kể từ đầu năm và xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật.