Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2021 được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, chiến lược kinh tế xã hội 10 năm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội trong bối cảnh thế giới và trong nước đang trải qua những tác động nặng nề của dịch Covid-19. Là diễn đàn thường niên do Bộ Tài chính tổ chức từ năm 2017, Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm nay không chỉ là sự tiếp nối của các diễn đàn tài chính trước đây mà còn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2020. Sau gần 10 năm thực hiện, kết quả đạt được từ việc triển khai các nội dung của chiến lược là khá toàn diện, góp phần quan trọng vào việc củng cố các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phân bổ các nguồn lực tài chính, củng cố tiềm lực tài chính quốc gia, cải thiện dư địa tài chính. Vì vậy, trong 2 năm qua về mặt chính sách tài khóa, chúng ta đã chủ động đưa ra các giải pháp về tài chính, ngân sách ứng phó có hiệu quả trước tác động của dịch Covid-19.

Thứ trưởng Võ Thành Hưng
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu khai mạc Diễn đàn

“Thời gian qua nổi bật là thể chế tài chính đã được hoàn thiện cơ bản đồng bộ với cải cách thể chế các lĩnh vực có liên quan, góp phần huy động phân bổ và sử dụng các nguồn lực có hiệu quả thúc đẩy các yếu tố thị trường, các loại thị trường phát triển, đảm bảo quyền tự do kinh doanh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế các loại hình doanh nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế đã huy động tổng hợp các nguồn lực trong và ngoài nước, đảm bảo đầu tư phát triển kinh tế xã hội” - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Vừa qua, dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế và đời sống của nhân dân, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lưu thông, đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống y tế, giáo dục. Về khía cạnh tài khóa, do tác động nghiêm trọng của dịch, chúng ta phải tăng chi với quy mô lớn, trong khi thu ngân sách bị ảnh hưởng. Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội nhiều giải pháp tài chính ngân sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân thực hiện miễn, giảm giãn thời hạn nộp thuế và các khoản thu ngân sách để các doanh nghiệp người dân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân.

Tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về chủ trương xây dựng chương trình phục hồi phát triển kinh tế để thực hiện từ năm 2022 trở đi, dự kiến Chính phủ sẽ báo cáo cụ thể chương trình này vào kỳ họp chuyên đề cuối năm 2021.

Với yêu cầu đó, Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2021 với chủ đề chiến lược tài chính giai đoạn 2021 - 2030 và các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam nhằm trao đổi, thảo luận, đề xuất các sáng kiến, giải pháp triển khai thực hiện những định hướng lớn về tài chính ngân sách trong chiến lược tài chính giai đoạn 2021 - 2030 và các giải pháp tài chính ngân sách nhà nước cho phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam.

Diễn đàn sẽ tập trung đánh giá về việc thực hiện chiến lược tài chính đến năm 2020, làm rõ các kết quả đạt được những hạn chế nguyên nhân cùng với đó là xem xét bối cảnh dự báo tình hình trong nước quốc tế giai đoạn 2021 – 2030, từ đó đưa ra các giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính 2021 – 2030, các giải pháp cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Mặc dù Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu trong công tác phòng, chống dịch và các giải pháp tài chính trong thời gian qua cũng được đánh giá là tương đối kịp thời, hiệu quả, song dịch còn diễn biến phức tạp. Theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, hệ quả tác động còn có thể kéo dài trong khi tăng trưởng GDP của Việt Nam đang chậm lại, áp lực lạm phát gia tăng, việc phục hồi các chuỗi sản xuất, cung ứng là khó khăn và cần có thời gian. Việc nghiên cứu xây dựng các giải pháp, trong đó các giải pháp về tài chính, ngân sách nhà nước cho phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh hiện nay là hết sức cấp thiết.

“Tôi tin rằng kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia, các nhà quản lý, các diễn giả quốc tế và Việt Nam sẽ góp phần quan trọng vào thành công của diễn đàn và đóng góp nhiều giải pháp mang tính đột phá thực hiện chiến lược tài chính giai đoạn 2021 - 2030 và các giải pháp tài chính ngân sách phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới” - Thứ trưởng Võ Thành Hưng phát biểu.

Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021 gồm 2 phiên tham luận. Phiên 1 là Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 - 2030. Phiên 2 có chủ đề là Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam. Được tổ chức dưới hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; một số cơ quan địa phương; các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính; trường đại hội khối kinh tế tài chính; các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước; tổ chức quốc tế (IMF, WB, GIZ, ADB, UNICEF…); tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp; các cơ quan thông tấn báo chí…