Ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt Đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt gỡ khó cho sản xuất ô tô trong nước 10 dòng xe ô tô bán chạy nhất thị trường Việt Nam Các bộ, ngành đồng thuận đề xuất của Bộ Tài chính không thu lệ phí trước bạ ô tô điện chạy pin trong 3 năm

Một luật sửa 8 luật để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc

Theo tờ trình Chính phủ, việc xây dựng, ban hành luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Về Luật Đầu tư công, với mục tiêu đẩy mạnh việc phân quyền, tinh giản quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Điều 1 dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung 3 điều của Luật Đầu tư công.

Luật thuế TTĐB
Phiên họp sáng 6/12 của UBTVQH.

Theo đó, sửa đổi theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.

Về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), với mục tiêu tiếp tục phân quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án PPP sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương do bộ, cơ quan trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; HĐND cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Với mục tiêu tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương, dự thảo luật đã quy định sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật Đầu tư.

Cụ thể, dự thảo thực hiện phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Ngoài ra, tờ trình cũng đề xuất sửa đổi một số nội dung khác về Luật Đầu tư, Luật Đầu thấu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô điện chạy pin

Liên quan đến Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), với mục tiêu khuyến khích đầu tư sản xuất, kịp thời nắm bắt cơ hội để phát triển xe ô tô điện chạy pin, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dự thảo luật sửa đổi theo hướng giảm từ 5% đến 12% thuế suất thuế TTĐB so với mức hiện hành trong 5 năm đầu khi luật có hiệu lực. Từ năm thứ 6 trở đi, điều chỉnh tăng mức thuế suất đối với xe ô tô điện chạy pin (áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước).

Cho ý kiến về nội dung này Chủ tịch Quốc hội lưu ý xe ô tô điện chia ra làm nhiều loại, như: loại sử dụng nhiên liệu khí hydro, chạy pin và năng lượng mặt trời. Như vậy, phải xem xét mối tương quan hợp lý giữa 3 loại xe chạy thuần điện. Xe dùng khí hydro và năng lượng mặt trời thì khi chạy không gây ảnh hưởng gì tới môi trường. Xe dùng pin thì có nhược điểm là sau này phải xử lý pin. Liên quan tới việc xử lý pin, Chính phủ cũng cần giải trình, báo cáo rõ hơn về hướng xử lý.

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, trong dự thảo luật, Chính phủ đề xuất áp dụng với xe điện chạy pin. Còn với xe chạy bằng khí hydro và năng lượng mặt trời, thì thế giới mới đang nghiên cứu thử nghiệm. Do vậy, 2 loại xe này cũng sẽ được nghiên cứu để có chính sách phù hợp trong thời gian tới.

Về vấn đề môi trường, với phương án hiện nay xe điện chạy pin có phương án thuê pin. Pin được quản lý tập trung, tái chế, nếu không thể sử dụng thì phải xử lý theo quy định quản lý môi trường. Vấn đề này cần được các bộ liên quan có hướng dẫn cụ thể, kết hợp với xử lý về thuế suất.

Đối với mức thuế suất, dự thảo giải trình đã nêu rõ 2 hướng tiếp cận. Cách thứ nhất là một số nước quy định mức thuế khoảng 2 – 3%, ở hướng thứ hai thì một số nước quy định là bằng 20% thuế suất với xe chạy xăng dầu. Phương án trình trong dự thảo đề xuất tiếp cận theo cách bằng 20% thuế của xe chạy xăng dầu. Theo thống kê sơ bộ về số lượng xe và giá, mức tác động tới ngân sách khi áp dụng quy định là khoảng gần 800 tỷ đồng/năm. Các tác động ngân sách sẽ được Bộ Tài chính tiếp tục đánh giá kỹ hơn, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết.

Về thời gian áp dụng, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, mặc dù một số ý kiến nêu đề nghị áp dụng trong khoảng 2 -3 năm. Song để thử nghiệm đưa xe điện chạy pin vào hoạt động cũng phải cần đến 5 năm, do đó Bộ Tài chính đề xuất cho áp dụng 5 năm, tiếp sau đó đề nghị cho áp dụng 75% mức thuế suất với xe xăng dầu.

Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng cho biết Luật Thuế TTĐB có phạm vi khá rộng, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội. Do đó, trước mắt dự thảo chỉ sửa nội dung này, sau đó sẽ tiếp tục đánh giá tổng thể để sửa đổi Luật thuế TTĐB, trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.