ptt

Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh Đỗ Doãn.

Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại hội thảo về “Phát triển thị trường vốn cho DN khởi nghiệp” vừa diễn ra vào sáng nay (7/6) tại TP. Hồ Chí Minh.

Sự kiện do Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC) phối hợp với Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh tổ chức, thu hút hơn 250 đại biểu là lãnh đạo của các cơ quan, các ban, ngành và các DN khởi nghiệp (DNKN) tiêu biểu, các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế và trong nước tham dự.

Tìm hệ sinh thái và nguồn vốn cho DN khởi nghiệp

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch NFSC cho biết, DNKN với những sáng tạo đột phá về công nghệ là một trong những nhân tố then chốt đã giúp nhiều quốc gia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ dựa chủ yếu vào lượng sang phát triển về chất, để đạt tới sự thịnh vượng và vị thế toàn cầu.

vvn
Chủ tịch UBGSTC Quốc gia Vũ Viết Ngoạn khai mạc hội nghị. Ảnh Đỗ Doãn

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt cần hội đủ 4 yếu tố: Khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp, tính năng động sáng tạo của DNKN, sự tham gia tích cực của các định chế tài chính (quỹ đầu tư, nhà đầu tư) và các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNKN.

“Việt Nam đang trong giai đoạn đầu hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp như vậy. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối với các DNKN là việc huy động vốn, đặc biệt cho giai đoạn ươm mầm và tăng tốc”, ông Ngoạn đặt vấn đề.

Vấn đề vốn cho DNKN cũng được ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội nghị. Theo đó, để hỗ trợ vốn cho DNKN, UBND TP. Hồ Chí Minh đã thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp và Sáng tạo (HSIF) với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng, dự tính tăng lên 100 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, các khoản đầu tư của quỹ này hiện chỉ có ý nghĩa như vốn “mồi” để giúp DN dễ kêu gọi thêm các khoản đầu tư từ những quỹ khác.

“Do đó, chính quyền TP. Hồ Chí Minh sẽ cùng các ngành, các cấp, cộng đồng DN tiếp tục phát triển một thị trường vốn cho DKKN, để các DNKN có thể dễ dàng gặp và được các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro”, ông Tuyến nói.

tvt
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ vốn cho khởi nghiệp. Ảnh Đỗ Doãn

Chính phủ sẽ là vườn ươm cho hoạt động khởi nghiệp

Đánh giá cao hội thảo không đặt vấn đề chung chung mà đi ngay vào một vấn đề vốn cho DN hoạt động, hiện đang được Chính phủ rất quan tâm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ . cho rằng, nguồn vốn này có thể từ rất nhiều nguồn, như từ bản thân DN, từ chính phủ, từ các quỹ đầu tư của chính phủ và của tư nhân. Mới hơn nữa là sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt cho các hoạt động khởi nghiệp.

Theo Phó Thủ tướng, khởi nghiệp là một hoạt động đầu tư mạo hiểm, cho nên phần lớn tài trợ vốn cho hoạt động này là các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tại Israel, Chính phủ nước này cách đây 20 năm đã có các quỹ đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp và hiện tại quỹ đầu tư mạo hiểm được xem là loại hình kinh doanh mới nổi, đem lại GDP và doanh thu rất lớn cho nước này.

Còn tại Hàn Quốc, Chính phủ cũng đã có một quỹ đầu tư gọi là quỹ đầu tư khởi nghiệp để tài trợ cho các hoạt động khởi nghiệp. Nếu cán bộ công chức thuộc định chế tài chính nhà nước và được chỉ định để tài trợ vốn cho các ý tưởng sáng tạo, các hoạt động khởi nghiệp… nếu dự án đó thất bại thì luật của Hàn Quốc cho phép miễn trách nhiệm cả hình sự lẫn kinh tế cho tổ chức và cá nhân đó.

“Lý do là vì Chính phủ của họ sẵn sàng chấp nhận thất bại đối với hoạt động khởi nghiệp”, Phó Thủ tướng lý giải.

Từ kinh nghiệm của các nước đi trước, Phó Thủ tướng cũng nêu ra một loạt vấn đề như Việt Nam có cần phải có những quy định như vậy hay không, kể cả Chính phủ Trung ương; do vốn đầu tư thường vượt khỏi khả năng của bản thân những người khởi nghiệp, nên chăng cần phải có những quỹ từ Chính phủ để đầu tư giai đoạn ban đầu và thể chế cho những quỹ này như thế nào, hoạt động ra làm sao… để tránh hiện tượng thành lập ra cho có tính chất phong trào, không hiệu quả; rồi thể chế nào để có thể kêu gọi, thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam...

toan canh
Toàn cảnh hội thảo "Phát triển thị trường vốn cho DN khởi nghiệp. Ảnh Đỗ Doãn.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Việt Nam hiện đang có hơn 900 nghìn DN đăng ký hoạt động, nhưng số được cấp mã số thuế mới chỉ hơn 500 nghìn. Mục tiêu của Chính phủ đặt ra là đến năm 2020 số DN sẽ tăng gấp đôi so hiện nay.

“Khởi nghiệp chính là một cứu cánh để chúng ta có thể đạt được mục tiêu này, để có thể phát triển kinh tế. Theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển khối DN, chính phủ sẽ hỗ trợ hết lòng, đồng hành cùng DN. Chính phủ sẽ coi mình là một nhà ươm tạo ban đầu, có vai trò rất quan trọng trong hoạt động khởi nghiệp của DN”, Phó Thủ tướng nói.

“Nhưng chính phủ cũng cần được biết DN cần gì, muốn gì, Chính phủ cần nắm được kinh nghiệm quốc tế… thì mới có thể tạo được những khuôn khổ về mặt pháp luật, khuôn khổ về thể chế để có thể huy động được nguồn vốn lớn cho DNKN; để có thể đưa khởi nghiệp trở thành một hoạt động thực chất, tạo nên phong trào không chỉ ở một địa phương mà là tinh thần khởi nghiệp của cả quốc gia”, Phó Thủ tướng khẳng định./.

Đỗ Doãn