Vai trò của chính sách tài chính trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2021

Các chuyên gia tại hội thảo tập trung đánh giá, phân tích các giải pháp cũng như kiến nghị chính sách tài chính, kế toán - kiểm toán để khu vực kinh tế tư nhân tận dụng cơ hội nhằm nâng cao năng lực quản trị, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển trong bối cảnh mới.

Chính sách tài chính - kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển
PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân.

Nghị quyết đề ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”. Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển; vừa phát huy vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trong tình hình mới.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ, thực tiễn hơn 35 năm đổi mới đất nước, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39 - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Chính sách tài chính - kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển
Toàn cảnh điểm cầu tại Học viện Tài chính. Ảnh: Đức Việt.

Tuy nhiên, năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế, phần lớn các doanh nghiệp khu vực này ở quy mô siêu nhỏ và nhỏ (chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp), năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp có nơi còn lạc hậu; doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong… Trên thực tế, dù số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập nhiều nhưng khả năng trụ vững và phát triển hiệu quả còn thấp, sự gia tăng số lượng của doanh nghiệp tư nhân chưa gắn với sự đột phá về chất lượng phát triển.

PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ cho rằng, để phát triển kinh tế tư nhân, trong giai đoạn 2021 - 2030 cần tiếp tục tạo không gian phát triển, tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân. Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh./.

Hội thảo đã thu hút đựợc sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học của các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu ở trong và ngoài nước. Ban tổ chức đã nhận được hơn gần 150 bài viết và lựa chọn, biên tập được 97 bài viết có chất lượng để đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế lần này.

Các bài viết gửi về hội thảo đã tập trung phân tích đánh giá, nhận định về kinh tế, tài chính, quản trị, nhân lực, kế toán và kiểm toán… với phát triển kinh tế tư nhân. Các bài nghiên cứu mang hàm lượng khoa học cao, thể hiện tính đa dạng trong cách tiếp cận phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.