Trong khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%.
Trong khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%.

* Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):

Thực hiện đồng bộ các chính sách để kinh tế phục hồi và phát triển

Chính sách tài khóa: Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Trong năm 2022, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, nền kinh tế đã bắt đầu hồi phục khởi sắc, hầu hết các lĩnh vực đã dần được ổn định và hoạt động có hiệu quả. Có được kết quả trên, tôi cho rằng chính sách tài khóa đóng vai trò hết sức quan trọng. Gói hỗ trợ về thuế, phí, tiền thuê đất lên tới 233 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp (DN), người dân là rất lớn và rất nhân văn. Vì trong điều kiện nước ta vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19, các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh làm ăn thua lỗ, thậm chí đóng cửa, giải thể, thiếu nợ do hoạt động không hiệu quả; nếu Nhà nước không hỗ trợ thì DN sẽ rất khó khăn.

Trong năm 2023, tôi đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục rà soát và kiểm tra tiến độ, trách nhiệm thực hiện chương trình của các bộ, ngành, địa phương. Cần phải quyết liệt hơn nữa, đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Về lâu dài, các gói hỗ trợ tài khóa cũng cần phải tính toán, các chính sách phải xây dựng trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu, không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà. Chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để bảo đảm tính linh hoạt, nghĩa là có lộ trình cụ thể. Giống như vừa qua Chính phủ đã đưa ra một loạt các giải pháp về thuế, phí, lệ phí với thời gian áp dụng rất cụ thể, rõ ràng. Chính sách này đã đi vào cuộc sống, DN cũng như người dân được thụ hưởng, qua đó giảm bớt các khó khăn, đẩy mạnh hồi phục sản xuất, kinh doanh cho DN.

Để phát huy hiệu quả chính sách tài khóa, tôi cho rằng, trong thời gian tới cần đặc biệt chú trọng vào khâu triển khai và phối hợp chính sách. Ngoài ra, cùng với việc triển khai hiệu quả chương trình, trong bối cảnh giá nguyên nhiên vật liệu thế giới gia tăng tác động lên lạm phát, cần tiếp tục phát huy, phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách giá cả, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội như mục tiêu đề ra.

* TS.Nguyễn Văn Hiến - Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing:

Hỗ trợ từ ngân sách lớn nhất từ trước đến nay

Chính sách tài khóa: Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng
TS.Nguyễn Văn Hiến

Nhiệm vụ trọng tâm của chính sách tài khóa năm 2022 đã tập trung vào phục hồi kinh tế, hỗ trợ an sinh xã hội sau đại dịch Covid-19 và ứng phó với những tác động xấu của kinh tế thế giới ảnh hưởng đến kinh tế trong nước.

Các chính sách tài khóa mà Bộ Tài chính đề xuất và triển khai thực hiện trong thời gian qua đã phát huy tác dụng hết sức tích cực, đã cơ bản hoàn thành được các mục tiêu chính. Đó là: Ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, thực hiện tốt mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Có thể nói, trong các chính sách tài khóa triển khai năm 2022, chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là chính sách phát huy hiệu quả tích cực nhất.

Trong đó, chương trình hỗ trợ lớn từ ngân sách nhà nước chưa từng có, lớn nhất từ trước đến nay đã được triển khai với tổng mức hỗ trợ DN và người dân trong năm 2022 lên đến hơn 230 nghìn tỷ đồng, chủ yếu từ chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Đây là chương trình hỗ trợ toàn diện, giúp DN, hộ kinh doanh tiết giảm chi phí, có thêm nguồn lực để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo cú hích cho phát triển kinh tế. Nhờ đó, kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chính sách hỗ trợ tài khóa này không chỉ phát huy tác dụng trong năm 2022, mà còn ở cả các năm tiếp theo.

Tôi cho rằng, để chính sách tài khóa tiếp tục phát huy hiệu quả, cần phối hợp đồng bộ và nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa với các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tiền tệ. Cùng với đó là tích cực tháo gỡ những khó khăn, gỡ những điểm nghẽn nhằm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

* PGS.TS. Nguyễn Anh Phong - Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh):

Tiếp tục chính sách hỗ trợ về thuế tiếp sức cho doanh nghiệp

Chính sách tài khóa: Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng
PGS.TS. Nguyễn Anh Phong

Xuyên suốt gần 3 năm qua, Chính phủ đã nỗ lực giải quyết hậu quả của dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau dịch khá hiệu quả, trong đó phải kể đến các gói miễn, giảm, giãn thuế thuộc chính sách tài khóa. Chúng ta hay nghe nói nhiều về ảnh hưởng của dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng, làm gián đoạn sản xuất, suy giảm tiêu dùng và từ đó ảnh hưởng đến suy thoái kinh tế. Để làm giảm các tổn thất mà dịch bệnh gây ra, phục hồi lại sản xuất và tiêu dùng, Chính phủ các nước thường áp dụng cả chính sách tài khóa, trong đó gồm cả chính sách tài khóa trực tiếp và gián tiếp và chính sách tiền tệ.

Về chính sách tài khóa, các quốc gia đã gia tăng chi tiêu ngân sách cho chăm sóc sức khỏe, chuyển giao cho các công ty và hộ gia đình, trợ cấp tiền lương và thất nghiệp, cắt giảm hoặc hoãn thuế. Chính phủ cũng có thể sử dụng các biện pháp phi ngân sách (không có tác động ngay lập tức đến cân đối tài chính) như bảo lãnh tài trợ hay bảo lãnh tín dụng.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam liên tục sử dụng các gói chính sách tài khóa trực tiếp, bao gồm chi chuyển giao cho các công ty và hộ gia đình, trợ cấp tiền lương và thất nghiệp và cắt giảm, hoặc hoãn thuế. Tôi cho rằng, các kết quả phục hồi kinh tế ấn tượng trong năm qua đã nói lên những tác động tích cực từ chính sách tài khóa, trong đó có chính sách thuế mà Chính phủ, Bộ Tài chính đã liên tục, kịp thời triển khai trong thời gian qua.

Với tình hình giao thương gần như bình thường lại so với trước kia, do vậy bước sang năm 2023, Chính phủ cần đánh giá lại các gói nào cần duy trì để tiếp tục phục hồi kinh tế, gói nào cần cắt bỏ vì không còn phù hợp với bối cảnh mới.

Cá nhân tôi vẫn ủng hộ Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách gia hạn, giảm thuế như thực hiện trong năm 2022. Vì việc phong tỏa, cách ly kéo dài phục vụ cho công tác phòng, chống dịch trong năm 2021 đã ảnh hưởng lớn đến DN và người dân. Năm 2022 chính là năm bản lề để các DN bắt đầu phục hồi sản xuất, tạo công ăn việc làm, các hoạt động dần hồi phục như cũ chứ chưa hoàn toàn phục hồi như trước đại dịch. Do vậy, việc duy trì chính sách gia hạn, giảm thuế là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục ổn định và phục hồi tổng cung, tổng cầu, góp phần tăng trưởng kinh tế tốt hơn, gia tăng phúc lợi cho các tầng lớp dân cư.