Hỗ trợ nguồn vốn kinh doanh cho doanh nghiệp

Đánh giá về chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh (HKD), PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, chính sách thuế đã có những tác động rất tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể trong nền kinh tế. Cụ thể, chính sách gia hạn nộp thuế đã hỗ trợ nguồn tài chính, tăng khả năng thanh khoản khi DN, HKD gặp khó khăn bởi sự suy giảm của thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đồng thời, chính sách thuế đã hỗ trợ về nguồn vốn kinh doanh cho DN, tạo cú hích giúp DN vượt qua khó khăn. Thực tế gói miễn thuế và giảm thuế năm 2020 đã hỗ trợ DN và HKD 20.000 tỷ đồng, năm 2021 là 24.000 tỷ đồng. Gói giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2022 dự kiến hỗ trợ khoảng 51.400 tỷ đồng. Có thể thấy, tuy số tiền hỗ trợ DN và HKD thông qua chính sách miễn, giảm thuế không quá lớn nhưng dành cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất nên có tác động quan trọng hỗ trợ DN và HKD, tạo đà cho tăng trưởng. Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, ngay từ đầu năm 2022, chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đã góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, do xăng dầu thế giới tăng cao trong năm 2022, chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) trong thời gian qua đã góp phần hỗ trợ giảm giá xăng dầu trong nước, giảm chi phí đầu vào của sản xuất, kinh doanh và giảm áp lực lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể, ở lần giảm thuế BVMT thứ nhất, đã có tác động giảm chỉ số giá tiêu dùng ở mức khoảng 0,7%. Ở lần giảm thuế BVMT thứ hai, sẽ tác động giảm chỉ số giá tiêu dùng cao hơn, ở mức 0,16%.

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

Còn theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, có được những thành tựu như hiện nay thì vai trò của các chính sách tài khóa là rất quan trọng, nhờ các chính sách kiểm soát dịch bệnh linh hoạt, chính sách tài khóa với giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, ổn định chi phí đầu vào cho DN đã giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi tích cực. Tiêu dùng trong nước phục hồi nhờ môi trường vĩ mô được duy trì ổn định và các chính sách giảm thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế BVMT đối với xăng dầu, đã góp phần kiểm soát giá cả, lạm phát.

Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao, chỉ số phục hồi Covid-19 do Nikkei công bố tháng 7/2022 đánh giá Việt Nam xếp thứ 2/121 quốc gia, tăng 88 bậc so với tháng 1/2022. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P, Moody’s và Fitch đều nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức “tích cực”.

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi thuế

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, mong mỏi của cộng đồng DN là thực thi chính sách tốt hơn nữa. Bởi lẽ năm 2023 sẽ khó khăn hơn, các nước rơi vào suy thoái do lãi suất và khủng hoảng năng lượng. Do vậy, chính sách tài khóa tiếp tục là chủ lực, cần phải tính toán xem liệu có tiếp tục giảm thuế, phí nữa hay không? TS. Cấn Văn Lực đề xuất, nên tiếp tục giãn, hoãn, giảm một số khoản thuế, phí, để hỗ trợ DN vì hiện DN vẫn đang rất khó khăn. Đồng thời, cần tiếp tục phát huy phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách giá cả, qua đó góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá, lãi suất trong tầm kiểm soát.

Hàng trăm nghìn tỷ đồng hỗ trợ về thuế như nguồn vốn vay không lãi suất

Theo Tổng cục Thuế, các chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất thực tế đã hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh tương đương với việc được cấp nguồn tín dụng lãi suất 0%. Cụ thể, năm 2020 là 87.246,6 tỷ đồng, trong đó, gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và tiền thuê đất là 67.234,6 tỷ đồng, gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là 20.012 tỷ đồng và năm 2021 là 96.909 tỷ đồng, trong đó thuế GTGT và tiền thuê đất là 92.909 tỷ đồng, thuế TTĐB là 4.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2022, số thuế và tiền thuê đất gia hạn cho người nộp thuế là 125.300 tỷ đồng.

Còn theo PGS.TS Lê Xuân Trường, Covid-19 sẽ dần dần được kiểm soát và kết thúc trong thời gian tới, trừ trường hợp rất đặc biệt mới có thể bùng phát như cuối năm 2021. Trong bối cảnh hiện nay, điều lo ngại nhất chính là nhu cầu cao về năng lượng khi nền kinh tế phục hồi và cuộc xung đột Nga - Ukraina chưa rõ hồi kết có thể khiến giá xăng dầu thế giới tiếp tục neo ở mức cao. Như vậy, chính sách tài khóa hậu Covid-19, trước mắt cần tiếp tục thực hiện thật tốt các chính sách ưu đãi thuế đã ban hành, tổng kết thực tiễn và có sự điều chỉnh khi cần thiết.

PGS.TS Lê Xuân Trường cũng cho rằng, tùy theo diễn biến giá xăng dầu trên thế giới mà có thể tính tiếp đến các giải pháp giảm thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt của xăng dầu để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật thuế và quản lý thuế theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã được ban hành theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi hơn, thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, tạo động lực cho nền kinh tế tăng trưởng chất lượng, hiệu quả và bền vững.

* Sử dụng chính sách thuế cân đối trong tổng thể chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

Chính sách tài khóa giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi tích cực
PGS.TS Lê Xuân Trường

PGS.TS Lê Xuân Trường cho biết, chính sách thuế hỗ trợ DN và HKD trong giai đoạn vừa qua được sử dụng trong cân đối tổng thể chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Theo đó, đối với các ưu đãi thuế không làm ảnh hưởng đến tổng thu NSNN trong năm (chính sách gia hạn nộp thuế) thì quyết định sớm, kịp thời.

Đối với chính sách ưu đãi thuế có tác động đến thu NSNN trong năm (giảm thuế, miễn thuế) thì tính toán cụ thể mức độ tác động đến thu NSNN, khả năng bù đắp bằng nguồn thu khác trong ngắn hạn và tác động tăng thu trong trung hạn và dài hạn. Đồng thời, khi xác định chính

sách hỗ trợ thì Quốc hội và Chính phủ cân nhắc lựa chọn chính sách ưu đãi thuế, chính sách chi ngân sách hoặc hỗ trợ tín dụng cho phù hợp với đối tượng thụ hưởng chính sách.

* Cộng đồng doanh nghiệp mong chính sách có độ phủ rộng hơn

Chính sách tài khóa giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi tích cực
Ông Mạc Quốc Anh

Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, hiện nay, chính sách tài khóa đã ban hành rất thiết thực cho cộng đồng DN, nhưng để hiệu quả và có độ rộng hơn nữa, trong đó là DN nhỏ và vừa, nên phủ rộng hơn các đối tượng. Khi hỗ trợ một chính sách, đặc biệt là chính sách giãn, hoãn, giảm thuế thì nên cắt giảm tối đa nhất, ít điều kiện đưa ra thì khả năng thụ hưởng chính sách sẽ hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường khâu kiểm tra, giám sát đánh giá, sơ kết, tổng kết để tăng cường đối thoại DN. Khi hỗ trợ cần tìm đối tượng, mục tiêu cụ thể để hỗ trợ vào chuỗi giá trị cung ứng của các DN khi tham gia vào khu vực toàn cầu, khi chính sách thuế hỗ trợ vào chuỗi giá trị cung ứng, đặc biệt DN nhỏ và vừa, DN phụ trợ, thì khả năng phục hồi của DN này hết sức mạnh mẽ.