Nhiều giải pháp hỗ trợ đã được triển khai kịp thời, hiệu quả

Trước những tác động từ đại dịch Covid-19 và những biến động chính trị quốc tế đến kinh tế - xã hội trong nước, thực hiện chỉ đạo của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát hệ thống pháp luật và đề xuất triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân.

Cụ thể, ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn đối với một số sắc thuế, khoản thu nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của DN, người dân. Bước sang năm 2022, khi dịch bệnh đã dần được kiểm soát nhưng vẫn có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền ban hành và tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ước tính các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí đã ban hành hỗ trợ DN và người dân trong năm 2022 có quy mô lên đến khoảng 233 nghìn tỷ đồng – là con số cao nhất từ trước đến nay.

Chia sẻ tại Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2022, với chủ đề: “Chính sách Thuế - Hải quan: Hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức ngày 19/10, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, những đóng góp tích cực trong điều hành chính sách tài khóa của Bộ Tài chính đã góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng kinh tế của đất nước trong năm 2022. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP quý III/2022 của Việt Nam đạt 13,67% so với cùng kỳ - là mức cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây.

Chính sách tài khóa hỗ trợ kịp thời, giúp kinh tế phục hồi, phát triển
Các chuyên gia tham gia phiên thảo luận tại Diễn đàn Thuế - Hải quan. Ảnh: Tuấn Nguyễn

"Nền kinh tế Việt Nam hồi phục tích cực sau đại dịch, tăng trưởng kinh tế năm 2022 dự kiến vượt mục tiêu và nằm trong top hàng đầu thế giới nhờ kết quả thực hiện các biện pháp chính sách linh hoạt, đồng bộ và phù hợp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…" - GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm này, tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, để phục hồi tăng trưởng kinh tế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và các cấp có thẩm quyền nhiều chương trình, cơ chế chính sách như: miễn, giảm, gia hạn một số khoản thuế, phí tương đối nhanh. Các tổ chức, dư luận quốc tế đánh giá rất cao các chính sách này của Việt Nam và ghi nhận Việt Nam là điểm sáng trong phục hồi, phát triển kinh tế.

Ông Lực thống kê, riêng giãn, hoãn thuế dự kiến khoảng 135 nghìn tỷ đồng, đến nay chúng ta đã thực hiện được 91 nghìn tỷ đồng, đạt 71%, đây là con số khá lớn. Bên cạnh đó, gói chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, phí khác làm tổng ngân sách giảm 63.500 tỷ đồng, đến nay, đã thực hiện được 40 nghìn tỷ đồng, tương đương 63%, hy vọng tiếp tục triển khai hoàn thành cấu phần này. “Việc thực hiện giảm thuế là vô cùng quan trọng, sẽ giúp kích thích tiêu dùng và là động lực hỗ trợ DN phục hồi” – TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Lực cũng đặt vấn đề liệu có tiếp tục giảm thuế, phí nữa hay không cần phải bàn tính từ bây giờ, vì nếu để đầu năm mới bàn tính, tháng 5 Quốc hội họp mới phê duyệt sẽ quá muộn. Theo ông Lực, nên tiếp tục đề xuất giãn, hoãn một số khoản thuế, phí. Bởi số lượng DN tạm thời đóng cửa từ đầu năm đến nay vẫn tăng 38%. Điều này cho thấy một bộ phận DN của chúng ta vẫn đang rất khó khăn.

Chuyển đổi số, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho hay, ngoài việc tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn, ngành Thuế luôn nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.

Ngành Thuế, ngành Hải quan đẩy mạnh chuyển đổi số

Trong 9 tháng 2022, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành 3 quyết định công bố bãi bỏ 114 thủ tục hành chính (TTHC) và công bố mới 47 TTHC. Trên cơ sở quyết định công bố TTHC, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai 103/234 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 và tích hợp 97 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tổng cục Hải quan cũng đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 cho 221/244 TTHC, chiếm 91% tổng số TTHC do cơ quan hải quan thực hiện. Trong đó, có 215 TTHC đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%), cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến thông qua mạng Internet.

Một trong những kết quả nổi bật trong công tác chuyển đổi số ngành Thuế đạt được là đã hoàn thành triển khai và vận hành thông suốt hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) cho 100% DN, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai theo hiệu lực của Luật Quản lý thuế. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, việc triển khai HĐĐT không những góp phần đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội (như tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường,…) tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho DN, mà còn thúc đẩy chuyển đổi số trong các DN và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế.

Cùng với triển khai thành công HĐĐT, Tổng cục Thuế đã chính thức công bố ứng dụng thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile) và Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN). Với việc vận hành thành công Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN, Việt Nam khẳng định quyền thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh dựa trên nền tảng số. Tính đến ngày 30/9/2022 đã có 36 NCCNN đăng ký, kê khai thuế thành công và thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam, với tổng số thuế đã nộp hàng chục triệu USD, EUR, tương đương hàng trăm tỷ đồng.

Ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho hay hiện nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 cho 221/244 thủ tục hành chính, chiếm 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan hải quan thực hiện. Cập nhật từ đầu năm đến ngày 15/9/2022, tổng số hồ sơ trực tuyến do cơ quan hải quan tiếp nhận và xử lý là 10,8 triệu hồ sơ, trong đó nhiều nhất liên quan đến tờ khai hải quan điện tử.

Ông Lưu Mạnh Tưởng cho biết thêm, yêu cầu và quan điểm phát triển của ngành Hải quan trong Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030 là: “Lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành Hải quan làm nền tảng cho phát triển Hải quan trong thời kỳ mới”; đồng thời, xác định mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành hải quan số.

* Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội:

Số hóa giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp

Chính sách tài khóa hỗ trợ kịp thời, giúp kinh tế phục hồi, phát triển
Ông Mạc Quốc Anh

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành Thuế và Hải quan vừa qua đã giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) tiết kiệm rất nhiều chi phí chính thức mà DN phải thực hiện cho việc triển khai thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan. Hiện nay, số lượng nhân sự của DN dành cho công việc này chỉ tối đa khoảng 2 - 3 người, giảm đến 3/4 lực lượng trong DN.

Việc ngành Thuế cho phép gửi hồ sơ gia hạn thuế, miễn giảm thuế, tiền thuê đất qua mạng đã giảm được các bước trong giải quyết các thủ tục hành chính. Ngành Hải quan đã phân định rõ luồng xanh, luồng đỏ và các thủ tục hồ sơ đã cắt giảm một cách tối đa. Có thể nói, các thủ tục thông quan, thủ tục hành chính thuế, hải quan đã áp dụng gần 100% thông qua phương thức điện tử.

Hiện nay ngành Thuế đã áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc. Điều này giúp minh bạch trong thực hiện của cả DN và cơ quan thuế. Hóa đơn điện tử cũng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong hoạt động logistics, vận chuyển hàng hóa cho đối tác. Năng lực cạnh tranh của DN đã được tối đa hóa bằng công nghệ; đồng thời, giảm chi phí ở các khâu vận hành; khi áp dụng công nghệ số vào các thủ tục hành chính, quản trị kinh doanh, bỏ được rất nhiều khâu trung gian, tiết kiệm nguồn lực.

* Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:

Các chính sách hỗ trợ kịp thời đã giúp 100% doanh nghiệp vận tải hàng hóa phục hồi hoạt động

Chính sách tài khóa hỗ trợ kịp thời, giúp kinh tế phục hồi, phát triển
Ông Nguyễn Văn Quyền

Trong thời gian bị tác động bởi dịch Covid-19, các giải pháp quản lý, hỗ trợ của ngành Thuế và Hải quan thực hiện triển khai các nghị quyết, nghị định của Quốc hội và Chính phủ đã giúp các DN sớm phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh.

Trong đó, các chính sách hỗ trợ kịp thời đã giúp 100% các DN vận tải hàng hóa phục hồi hoạt động sản xuất và có mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Với các đơn vị vận tải hành khách, có khoảng 80% DN đã hoạt động trở lại. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng về cơ bản các DN đã duy trì lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, các DN vận tải xuất, nhập khẩu cũng mong muốn ngành Hải quan đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số trong việc làm thủ tục thông quan hàng hóa qua cửa khẩu, tránh trường hợp chờ đợi quá dài.

Trong quản lý thuế đối với DN vận tải hợp tác xã có hạch toán tập trung, việc quản lý chống thất thu thuế đã tiện lợi cho các đơn vị. Song, đặc thù ngành vận tải ô tô còn tỷ lệ khá lớn hộ kinh doanh, vận tải khách còn một số lượng khá lớn hợp tác xã theo hình thức dịch vụ hỗ trợ không có hạch toán, kinh doanh theo quy mô hộ kinh doanh, chủ động hạch toán doanh thu. Do đó, DN vận tải mong muốn có sự kết hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan quản lý hoạt động vận tải các tỉnh, thành phố để quản lý được doanh thu phát sinh, nắm dữ liệu đầu xe kinh doanh, cấp phù hiệu kinh doanh vận tải, đảm bảo thu thuế được công bằng giữa các đơn vị có hạch toán kinh doanh tập trung với các hộ kinh doanh hiện nay.