PV: Theo ông, lạm phát đã thực sự “hạ nhiệt” hay chưa, hay vẫn còn có những yếu tố cảnh báo trong thời gian tới?

Chính sách tài khóa là chủ đạo trong kiềm chế lạm phát
TS. Châu Đình Linh

TS. Châu Đình Linh: Tôi cho rằng với bối cảnh hiện nay, áp lực lạm phát vẫn còn rất lớn vì nó không hoàn toàn phụ thuộc yếu tố nội tại của nền kinh tế, mà lệ thuộc nhiều yếu tố bên ngoài.

Cụ thể, nền kinh tế có độ mở lớn nên hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu bên ngoài, do đó, khi chi phí nguyên vật liệu trên thế giới tăng sẽ dẫn đến hệ quả là thành phẩm sẽ tăng lên theo gây ra lạm phát. Giá nguyên liệu cấu thành lớn và có tính lan tỏa là xăng dầu, cùng với chi phí logistics khá cao cũng là những yếu tố đáng quan tâm đối với vấn đề kiểm soát lạm phát.

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do xung đột Nga - Ukraine, chính sách kiểm soát Covid-19 của Trung Quốc… cũng là những yếu tố vẫn còn có thể tác động đến lạm phát trong nước, do giá nhiều nguyên vật liệu bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột hay sự đứt gãy nguồn cung ứng từ Trung Quốc.

Một yếu tố đáng quan tâm nữa là nền kinh tế Việt Nam sau chu kỳ chững lại do dịch Covid-19 trong 2 năm 2020 và 2021, đang bước vào giai đoạn phục hồi làm tăng tổng cầu. Đây cũng là yếu tố dễ tác động làm tăng lạm phát. Ngoài ra, các yếu tố như lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục, lộ trình tăng lương… cũng đều có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra lạm phát ở các mức độ khác nhau.

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

PV: Tuy đối diện với thực tế lạm phát, nhưng lạm phát của Việt Nam cũng ở mức vừa phải so với các nước khác trên thế giới. Trong việc này, đâu là những yếu tố khách quan và đâu là những tác động của các chính sách tài khóa, tiền tệ đã được thực thi thời gian qua?

TS. Châu Đình Linh: Như phân tích ở trên, áp lực lạm phát là rất lớn, nhưng đây là tình trạng chung của cả thế giới, trong khi chỉ số lạm phát của Việt Nam thực chất vẫn trong vòng kiểm soát, giúp cho nền kinh tế Việt Nam giữ ổn định hơn rất nhiều so với nhiều nước khác.

Về yếu tố khách quan, giá xăng dầu thế giới giảm cũng phần nào giúp cho nguy cơ lạm phát bớt “căng thẳng” hơn trong thời gian gần đây, bởi xăng dầu chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá cả hàng hóa, chưa kể nó còn có tính lan tỏa cao.

Ngoài ra, xăng dầu giảm giá cũng đã cho thấy một số chính sách về thuế, phí đối với xăng dầu đã được thực hiện bước đầu có hiệu quả. Tôi cho rằng, việc thực hiện các giải pháp về thuế phí đối với xăng dầu cần tiếp tục thực hiện để phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, bởi các khoản thuế, phí cũng chiếm tỷ trọng lớn cấu thành nên giá xăng dầu.

Ngoài ra trong thực thi chính sách, chúng ta nên điều phối giá xăng và giá dầu ở mức độ khác nhau. Ví dụ, phí vận chuyển logistics tăng chủ yếu do tác động của giá dầu diezel, theo đó, chính sách nên hướng tới việc điều tiết tập trung hơn đối với dầu. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cũng cần nghiên cứu sâu hơn để thực hiện có hiệu quả các nghiệp vụ phòng hộ giá thông qua các nghiệp vụ phái sinh trên thị trường hàng hóa.

PV: Theo ông, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã được thực hiện hợp lý như thế nào?

TS. Châu Đình Linh: Theo quan sát của tôi, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã được các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn so với trước đây rất nhiều và theo đó, đã phát huy hiệu quả nhất định.

Cụ thể trong vấn đề kiểm soát lạm phát, các cơ quan chức năng đã phân tích, đánh giá được đúng bản chất lạm phát giai đoạn hiện nay không phải từ yếu tố tiền tệ mà đến từ chi phí đẩy. Với tính chất này, chính sách tài khóa đã và sẽ nên được thực thi với vai trò chủ đạo trong kiểm soát lạm phát, chính sách tiền tệ sẽ thực hiện vai trò hỗ trợ.

Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức lạm phát vừa phải so với mặt bằng chung

Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới mới đây cũng nhận định, lạm phát năm 2022 của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị. Kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao trong khi nguồn cung bị đứt gãy khiến giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng mạnh. Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Một trong những chính sách đang được thực hiện thể hiện rõ vai trò kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là giải pháp thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng. Gói hỗ trợ lãi suất cũng không còn nằm trên lý thuyết mà đang được triển khai thực tế và kéo dài từ nay đến hết năm sau, điều này sẽ góp phần giảm áp lực chi phí tài chính cho nhiều doanh nghiệp khác nhau.

PV: Vậy theo ông, việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất cần thực hiện như thế nào để đảm bảo hiệu quả lâu dài?

TS. Châu Đình Linh: Gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng cần đẩy nhanh để giảm áp lực chi phí tài chính cho doanh nghiệp và đó cũng là công cụ để điều tiết hợp lý trên cơ sở sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, các ngân hàng khi triển khai cũng không cần phải nôn nóng hạ chuẩn vay, mà vẫn thực hiện cấp tín dụng theo đúng các nguyên tắc thẩm định tín dụng và về lâu dài, chính sách cũng sẽ dần dần ngấm vào nền kinh tế, phát huy tác dụng của nó.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xăng dầu “hạ nhiệt” một phần do tác động tích cực từ chính sách thuế

Sau những động thái điều hành thuế, phí hợp lý cùng với biến động giảm giá chung trên thị trường quốc tế, giá xăng dầu thời gian qua đã liên tục giảm. Điều này đã giúp giải tỏa đáng kể đối với áp lực lạm phát do xăng dầu là mặt hàng có tác động lớn lên giá cả các mặt hàng khác.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã có 8 lần giảm. Hiện nay, giá xăng E5 RON 92 đã giảm về 23.720 đồng, xăng RON 95-III là 24.660 đồng một lít. Mặt bằng giá các sản phẩm này đã về mức giá tương đương hồi cuối tháng 1/2022.

Tương tự với các mặt hàng dầu, dầu diesel hiện có giá chỉ là 22.900 đồng một lít, dầu hỏa có mức giá mới là 23.320 đồng, dầu mazut có giá 16.540 đồng/kg.

Trong đó, xăng dầu giảm giá một phần tác động của những chính sách thuế phí hợp lý được đưa ra thời gian qua. Chính sách liên quan đến xăng dầu gần đây nhất là việc Chính phủ đồng ý giảm một nửa thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng, về còn 10% từ ngày 8/8.

Theo đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng động cơ, không pha chì được giảm một nửa, từ 20% xuống còn 10%. Thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) là thuế được áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ với Việt Nam.

Trước đó, thuế bảo vệ môi trường cũng đã 2 lần giảm vào tháng 4 và 7, hiện thuế trong giá xăng chiếm khoảng 19,4-22% (với xăng E5 RON 92 hoặc RON 95-III) và 11,05% (với dầu diesel).