PV: Năm 2022, các chính sách tài khóa được cho là đã phát huy rất tốt trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế phát triển, ông đánh giá thế nào về vai trò của chính sách này đối với doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi trong năm 2022?

Chính sách tài khóa nhắm vào các đối tượng thực sự cần thiết
GS.TS Tô Trung Thành

GS.TS Tô Trung Thành: Trong năm 2022, có thể thấy Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được đưa ra từ đầu năm bao gồm một tổ hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, chính sách tài khóa là chủ yếu trong các nhóm nhiệm vụ trọng tâm của chương trình, bao gồm: Thúc đẩy đầu tư công, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; miễn giảm thuế, phí, lệ phí.

Tổng quy mô của chương trình lên đến 347 nghìn tỷ đồng, thực hiện trong hai năm 2022 - 2023. Năm 2022, kết quả giải ngân đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt hơn 75% kế hoạch được giao; ước thực chi gói miễn giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí thực hiện được 78,4% giá trị. Gói gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất mới triển khai được khoảng 78,5%...

Kết quả trên cho thấy các chính sách tài khóa hỗ trợ DN và nền kinh tế phục hồi còn chưa đạt được quy mô giải ngân của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số tuyệt đối, nguồn lực tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế đã gia tăng cao so với năm 2021. Trong năm 2022, ước chi ngân sách bằng 87,5% dự toán và tăng 8,1% so với năm trước. Chi thường xuyên vẫn tiếp tục là khoản chi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi ngân sách, song tỷ trọng này đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Cùng với đó là chi đầu tư phát triển đạt 82,28%... tăng mạnh so với năm trước, nâng tỷ trọng từ mức 27,81% trong năm 2021 lên 32,59% trong năm 2022. Những kết quả trên cũng đã góp phần quan trọng trong quá trình hồi phục của nền kinh tế trong năm 2022.

Chính sách tài khóa thời gian qua đã góp phần hỗ trợ giảm chi phí cho các doanh nghiệp thông qua miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí.
Chính sách tài khóa thời gian qua đã góp phần hỗ trợ giảm chi phí cho các doanh nghiệp thông qua miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian qua Bộ Tài chính đã chủ động trong xây dựng và đề xuất những chính sách tài khóa, đồng thời phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế sớm phục hồi, ông nhận định thế nào về ý kiến trên?

GS.TS Tô Trung Thành: Việc phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là rất quan trọng để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế sớm phục hồi, đồng thời đảm bảo ổn định về kinh tế vĩ mô. Trong năm 2022, một số động thái chính sách đã phản ánh sự phối hợp có hiệu quả hơn so với các năm trước. Cụ thể, chính sách tài khóa hỗ trợ giảm chi phí cho các DN thông qua miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và các khoản thu NSNN khác; đồng thời với chính sách tiền tệ tăng cường tín dụng và giảm lãi suất đến các khu vực sản xuất ưu tiên của nền kinh tế. Chính sách tài khóa đảm bảo an sinh xã hội có gói hỗ trợ gián tiếp cho DN thông qua chính sách cho vay để trả lương... Các mặt hàng quản lý giá của Nhà nước như giá điện, nước, dịch vụ y tế.... đã có những điều chỉnh giảm phù hợp với sức ép tăng lạm phát do nới lỏng tiền tệ, nhằm đảm bảo ổn định giá cả.

Ngoài ra, thị trường trái phiếu Chính phủ phát triển một phần cũng nhờ vào những chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất phù hợp. Trong thời gian sắp tới, việc phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ cần chặt chẽ hơn, đúng đủ liều lượng và thời điểm, với mục tiêu nền kinh tế phục hồi hoàn toàn, thị trường tài chính tiền tệ lành mạnh, ngân sách và nợ công bền vững, kinh tế vĩ mô ổn định.

PV: Nhiều tổ chức quốc tế nhận định, năm 2023 nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ kinh tế toàn cầu. Để chính sách tài khóa tiếp tục phát huy hiệu quả, cần chú trọng những gì, thưa ông?

GS.TS Tô Trung Thành: Theo tôi, các chính sách nên được thiết kế hướng chủ yếu vào hỗ trợ chi phí thay vì lợi nhuận. Các chính sách hỗ trợ thông qua giảm mức thu các loại phí, lệ phí có thể thu hẹp đối tượng thụ hưởng dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch. Các chính sách liên quan đến an sinh xã hội phải được xếp thứ tự ưu tiên hàng đầu. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ, Chính phủ cần có những đánh giá kịp thời việc thực hiện chính sách để phát hiện những bất cập, từ đó kịp thời điều chỉnh về điều kiện hỗ trợ, cũng như cách thức thực hiện các chính sách hỗ trợ này.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công

Theo GS.TS Tô Trung Thành, để chính sách tài khóa phát huy hiệu quả tích cực, trong ngắn hạn, cần có những giải pháp như nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc giải ngân vốn đầu tư công; tổng hợp phương án cắt giảm vốn của các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp so với kế hoạch để điều chuyển cho các dự án quan trọng,

Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương và các dự án khẩn cấp như ứng phó với biến đổi khí hậu, hay chương trình phục hồi kinh tế; xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng; cải cách thủ tục hành chính...

Đặc biệt, đối tượng thụ hưởng nên được mở rộng và chú trọng tới nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động thuộc khu vực phi chính thức. Trong quá trình thực thi chính sách, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về thủ tục, cũng như đối tượng được hưởng các gói chính sách. Ngoài ra, cần có những giải pháp cả về ngắn hạn và dài hạn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Về thể chế, đây là vấn đề lâu dài và luôn phải cải thiện, không chỉ hoàn thiện thể chế của Luật Đầu tư công để tháo gỡ vướng mắc, mà còn các luật khác có liên quan như Luật Quy hoạch, Luật NSNN, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và các luật chuyên ngành khác. Hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.

PV: Xin cảm ơn ông!