PV: Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT), cũng như những đặc trưng của nền kinh tế số đã đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý thuế (QLT), để chống thất thu thuế đối với hoạt động này, theo ông cần có những giải pháp gì?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Hành lang pháp lý cho QLT đối với TMĐT đã được hoàn thiện về cơ bản, tạo nền tảng vững chắc cho công tác QLT đối với lĩnh vực này. Tuy vậy, vẫn còn một số khía cạnh pháp lý cần tiếp tục hoàn thiện để nâng cao hiệu quả QLT đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới.

Chống thất thu thuế thương mại điện tử: Cần có giải pháp pháp lý chặt chẽ và quyết liệt hơn
PGS.TS Lê Xuân Trường

Thứ nhất, theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của Việt Nam, cơ sở thường trú được xác định là một cơ sở sản xuất - kinh doanh mà qua đó doanh nghiệp nước ngoài thực hiện toàn bộ, hay một phần hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Ý tưởng tương tự như vậy cũng được quy định trong các hiệp định thuế song phương giữa Việt Nam và các nước. Cụm từ “cơ sở sản xuất - kinh doanh” được giải thích cụ thể gắn với một không gian cố định như chi nhánh, văn phòng đại diện, kho hàng, công trình xây dựng… Điều này dẫn đến khả năng các công ty đa quốc gia hoạt động TMĐT và kinh doanh nội dung số sử dụng không gian mạng như một phương thức tránh hình thành cơ sở thường trú để tránh thuế ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Do vậy, trong thời gian tới đây, cần sửa đổi định nghĩa về cơ sở thường trú trong Luật Thuế TNDN. Đồng thời, cần khẩn trương ký kết hiệp định thuế đa phương để sửa đổi một số điều khoản của các hiệp định thuế song phương, trong đó có điều khoản về cơ sở thường trú.

Hai là, cũng như thông lệ các nước, thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở Việt Nam được đánh theo nguyên tắc điểm đến. Theo đó, đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam. Trong thực tiễn đã nảy sinh vướng mắc khi xác định đối tượng chịu thuế đối với một số sản phẩm vô hình và dịch vụ kỹ thuật số cung cấp trên mạng internet (trừ quảng cáo trên internet và đào tạo trực tuyến đã được quy định riêng).

Điều này đặt ra yêu cầu trong thời gian tới phải sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng chịu thuế GTGT cho bao quát hết những sản phẩm, dịch vụ này. Thêm vào đó, về lâu dài, cần nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật về thủ tục kê khai, nộp thuế GTGT và các sắc thuế tiêu dùng theo hướng có thể tính thuế và thu thuế tự động gắn với thời gian thực phát sinh nghĩa vụ thuế cho phù hợp với đặc thù của hoạt động kinh tế số. Hệ thống tự tính thuế hiện hành với kỳ khai thuế theo tháng/quý nên tiếp tục duy trì hệ thống bổ trợ song hành với hệ thống tính thuế tự động.

Ba là, cần bổ sung những trường hợp mà sàn giao dịch TMĐT phải có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho cá nhân. Theo đó, đối với những trường hợp sau đây sàn giao dịch TMĐT phải thực hiện kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho cá nhân: sàn giao dịch TMĐT thực hiện dịch vụ trung gian thanh toán; sàn giao dịch TMĐT thỏa thuận với cá nhân về việc đặt hàng trực tuyến; sàn giao dịch TMĐT tham gia điều hành, kiểm soát hoạt động giao hàng và thanh toán của người mua cho cá nhân.

Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

Ở trường hợp thứ nhất, sàn giao dịch TMĐT, với tư cách là tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán, phải thực hiện nghĩa vụ khấu trừ thuế. Trách nhiệm này tương tự như trách nhiệm của ngân hàng thương mại và các trung gian thanh toán khác và sàn hoàn toàn có điều kiện thực tiễn để thực hiện trách nhiệm này.

Ở trường hợp thứ hai, điều kiện thực tiễn cũng cho phép các sàn giao dịch TMĐT thực hiện trách nhiệm này do sàn giao dịch TMĐT kiểm soát được dòng tiền thanh toán từ người mua sang người bán.

Bốn là, cần bổ sung cụ thể vào nghị định quy định chi tiết Luật QLT loại thông tin cung cấp, cách thức và thời hạn cung cấp thông tin của cá nhân trong trường hợp sàn giao dịch TMĐT không kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân. Đồng thời, xác định rõ giới hạn trách nhiệm bảo mật thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan để vừa đảm bảo chống thất thu thuế, vừa đảm bảo lợi ích hợp pháp của các cá nhân kinh doanh TMĐT.

Năm là, cần bổ sung vào quy định pháp luật về thông tin truyền thông về trách nhiệm của các mạng xã hội trong việc cung cấp thông tin về các hoạt động quảng cáo nhằm mục đích kinh doanh của cá nhân trên các mạng xã hội. Đây chính là cơ sở để cơ quan thuế và cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng công nghệ thông tin và các công nghệ hiện đại khác để thực hiện QLT theo quy định của pháp luật.

4 khó khăn trong quản lý thuế thương mại điện tử

"Khó khăn thứ nhất là việc xác định danh tính người nộp thuế; thứ hai là xác định giao dịch làm căn cứ tính thuế; thứ ba là khả năng xói mòn cơ sở thuế; thứ tư là việc xác định được căn cứ đánh thuế; thứ năm là không phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế". - PGS.TS Lê Xuân Trường.

PV: Ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý, theo ông cần có thêm giải pháp gì để chống thất thu thuế hoạt động kinh doanh này?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Cần sử dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả công tác QLT đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới. Như đã phân tích ở trên, những khó khăn, thách thức trong QLT đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới xuất phát từ các đặc điểm của mô hình kinh doanh này gắn với công nghệ hiện đại; đồng thời, kết quả chống thất thu thuế từ hoạt động TMĐT thời gian qua cũng gắn với việc hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo nền tảng cho cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng công nghệ để kiểm soát giao dịch TMĐT. Điều này cho thấy, để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới thì nhất thiết phải áp dụng công nghệ ở một trình độ ngày càng cao trong QLT.

PV: Xin cảm ơn ông!