Lũy kế 9 tháng năm 2017 có 34 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH.

Lũy kế 9 tháng năm 2017 có 34 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH.

Một trong những mục tiêu rõ nét nhất là hạn chế tình trạng thất thoát vốn và tài sản nhà nước khi cổ phần hóa (CPH).

Duy trì ngành nghề kinh doanh chính, thương hiệu DN

Một trong những vấn đề quan tâm hiện nay là làm thế nào để hạn chế tình trạng thất thoát vốn và tài sản nhà nước khi CPH? Trả lời câu hỏi này, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, vấn đề này được chú trọng khi xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về CPH DNNN.

Theo đó, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung quy định về CPH DNNN theo hướng quy định về nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị vốn, tài sản nhà nước tại DN để CPH, thoái vốn nhà nước. Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định các DN thuộc diện CPH có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập và hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan trước thời điểm quyết định CPH; thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất theo Luật Đất đai năm 2013.

Đặc biệt, nhằm hạn chế tình trạng các ông chủ bỏ tiền chỉ vì đất, dự thảo đã bổ sung tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược. Theo đó, nhà đầu tư chiến lược phải có các điều kiện như: Có đủ tư cách pháp nhân; có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất phải có lãi, không có lỗ lũy kế; có cam kết bằng văn bản khi đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược trong việc: tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của DN CPH trong thời gian ít nhất 3 năm. Nhà đầu tư chiến lược không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn 3 năm và phải có phương án hỗ trợ DN sau CPH trong việc chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực...; các nghĩa vụ bồi thường khi vi phạm cam kết đã ký.

Dự thảo cũng quy định rõ quy trình bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện sau cuộc bán đấu giá công khai với giá bán không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá công khai.

Tập trung xử lý khâu tài chính

Cũng theo ông Đặng Quyết Tiến, việc xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình CPH cũng được tăng cường đảm bảo ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước. Cụ thể như: Bổ sung hướng dẫn xử lý tài sản được bàn giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam sau khi công ty liên doanh kết thúc thời hạn hoạt động trong trường hợp hợp đồng (Giấy phép đầu tư) góp vốn liên doanh có điều khoản “kết thúc thời hạn hoạt động của công ty liên doanh, toàn bộ tài sản được bàn giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam” khi liên doanh kết thúc. Giá trị tài sản chuyển giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam quản lý theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. DN CPH phải công bố công khai cho các nhà đầu tư biết.

Về xác định giá trị vốn góp của DN CPH vào công ty cổ phần đã đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCom) mà không có giao dịch trong vòng 30 ngày trước thời điểm xác định giá trị DN thì được xác định theo phương pháp vốn chủ như các DN chưa niêm yết.

Trường hợp giá trị vốn đầu tư của DN CPH tại DN khác khi đánh giá, xác định lại có giá trị thực tế thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán thì được xác định theo giá trị thực tế xác định lại, nhưng mức giảm tối đa bằng số vốn góp thực tế đang hạch toán trên sổ kế toán của DN.

Bên cạnh đó, theo quy định từ trước đến nay, kết quả công bố giá trị DN và giá trị vốn nhà nước của cơ quan có thẩm quyền là cơ sở để xác định quy mô vốn điều lệ, cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu và giá khởi điểm để thực hiện đấu giá bán cổ phần; đồng thời DN CPH phải điều chỉnh sổ sách kế toán theo kết quả xác định giá trị DN đã công bố.

Việc DN CPH phải điều chỉnh lại sổ sách theo kết quả định giá lại ngay sẽ tạo ra sức ép lớn cho DN cổ phần do phải trích khấu hao dẫn tới tăng chi phí, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, mặc dù toàn bộ khối tài sản này DN vẫn đang sử dụng như trước khi cổ phần. Vấn đề bất cập này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép không phải điều chỉnh lại giá trị khi thực hiện CPH tại Công ty TNHH 1 TV Cao su Tân Biên, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã có chỉ đạo tại Công văn số 10486/VPCP-ĐMDN ngày 16/12/2015 của Văn phòng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu thực tế việc xây dựng vốn điều lệ và xác định giá khởi điểm để bán đấu giá cổ phần tại các đơn vị trên để đề xuất với Chính phủ khi trình Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 189/2013/NĐ-CP.

Để khắc phục bất cập trên, dự thảo nghị định điều chỉnh lại theo hướng DN không phải điều chỉnh số liệu sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu công bố giá trị DN. Tuy nhiên, đến thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu, DN có trách nhiệm điều chỉnh số liệu trong sổ kế toán làm căn cứ để bàn giao giữa DN CPH và công ty cổ phần.

9 tháng, 34 DN được phê duyệt CPH


Theo báo cáo của Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, lũy kế 9 tháng năm 2017 có 34 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Trong đó có 11/44 DN thuộc Danh mục DNNN hoàn thành CPH năm 2017, theo quyết định của Thủ tướng và 23 đơn vị tiếp tục triển khai công tác CPH theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011 - 2016.

Tổng giá trị thực tế của 34 DN đã được phê duyệt phương án CPH là 80.636 tỷ đồng. Trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 20.881 tỷ đồng. Theo phương án CPH được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vốn điều lệ của 34 đơn vị là 25.873 tỷ đồng, trong đó: Nhà nước nắm giữ 12.646 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.941 tỷ đồng; bán cho người lao động 205 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 20 tỷ đồng; số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 5.060 tỷ đồng.

Hà Minh