chứng khoánSSI dẫn dắt

Hầu hết các cổ phiếu lớn ở cả hai sàn hôm nay không có được mức tăng trưởng đáng chú ý, thậm chí nhiều mã giảm. Giao dịch chung rất đuối khiến thị trường vận động chậm chạp, uể oải kết hợp với lợi nhuận sụt giảm.

Trong bối cảnh đó, những cổ phiếu có đột biến được quan tâm hơn cả, do nhà đầu tư nhìn vào đó để kiểm chứng sức mạnh của người mua. Đi ngược thị trường chung không hề dễ dàng ở các cổ phiếu lớn, khi cần một lượng tiền thực sự lớn để xoay chuyển tình thế.

Cuối tuần trước, SSI đã rơi về mức 30.500 đồng sau 4 phiên giảm liên tục. Biên độ mất giá khoảng 4,1% trong thời gian này. Ảnh hưởng chính đến giá SSI là mối lo ngại về hoạt động thoái vốn của ANZ, khi mà thông tin trấn an từ vị Chủ tịch không khiến nhà đầu tư an tâm.

ANZ thoái vốn trên 61 triệu SSI và thông tin công khai cho biết nhóm nhà đầu tư trong nước sẽ mua lại. Tuy nhiên mức vốn cần có lên tới cả ngàn tỷ đồng. Thêm nữa, khối lượng công bố sẽ mua của Chủ tịch SSI và một tổ chức khác được đăng ký gần đây là khoảng 22,33 triệu cổ phiếu. Vậy khối lượng còn lại ai mua? Phải chăng vẫn chưa tìm được người chung sức gánh khối lượng khổng lồ của ANZ?

Cuối tuần qua, thông tin 3 cá nhân và 2 tổ chức trong nước đã nhận chuyển nhượng 39,6 triệu cổ phần SSI. Nếu cộng thêm cả khối lượng đăng ký mua trong tháng 11 nói trên thì đúng bằng khối lượng muốn chuyển nhượng của ANZ.

Tóm lại, kết hoạch thu xếp vốn để mua lại cổ phần của ANZ đã hoàn thành và SSI cất được gánh nặng về câu hỏi ai sẽ mua.

SSI phiên đầu tuần đã bùng nổ giao dịch tăng giá. Trong khi toàn thị trường điều chỉnh khá mạnh, SSI là blue-chips duy nhất trong rổ HSX30 tăng ổn định từ đầu đến cuối phiên. Thậm chí có lúc cả rổ HSX30 chỉ còn SSI và MBB tăng giá, số còn lại giảm.

Sức mua mạnh mẽ đẩy SSI tăng giá 1,64%. Thanh khoản tăng mạnh với quy mô khớp lệnh xấp xỉ 171,2 tỷ đồng, đứng đầu thị trường. SSI đã đóng góp khoảng 8,5% giá trị giao dịch của HSX.

Blue-chips chống đỡ tốt

Phiên sụt giảm mạnh thứ hai liên tiếp đã thể hiện sức nâng đỡ hiệu quả của các cổ phiếu blue-chips hai sàn. Tác động của đà giảm từ các mã vốn hóa cực lớn đã phần nào được trung hòa. Nếu không có nhiều mã lớn khác tăng, GAS, VNM, MSN có thể dìm VN-Index xuống tận 600 điểm.

Quả thực lúc kém nhất, chỉ số này chỉ còn 608,27 điểm, thấp nhất 7 phiên. Đó là thời điểm mà GAS giảm 4,42%, VNM giảm 1,92%, MSN giảm 0,6% còn VIC bị đánh tụt xuống tham chiếu.

Đặc biệt là GAS hôm nay gây sức ép rất mạnh lên tâm lý. Nhà đầu tư chán nản nhìn VN-Index lao dốc, có lúc giảm 1,53% so với tham chiếu. Phiên cuối tuần trước GAS cũng đã đánh mạnh lên chỉ số.

SSI bùng nổ sau tin chuyển nhượng của ANZ
Nhà đầu tư không hoảng loan lúc giảm, nhưng hạn chế mua.

Sức ép lớn ở GAS đến từ nhà đầu tư nước ngoài, lượng xả tới 513.860 cổ phiếu, chiếm tới 73% khối lượng khớp lệnh trong phiên. Để chạy được lượng lớn cổ phiếu này, chắc chắn lệnh phải bán ở các mức giá thấp mới đủ cầu. GAS sau 2 phiên cuối tuần trước “êm êm” trở lại, bất ngờ tiếp tục bị xả lớn. Khoảng 53 tỷ đồng đã bị rút khỏi GAS hôm nay.

Điều khá bất ngờ là cuối phiên, GAS chỉ còn giảm 1,77%. Phần lớn là nhà đầu tư trong nước nhảy vào mua đỡ GAS vì khối ngoại chỉ mua lượng rất nhỏ. Từ chỗ giảm 4,42%, GAS đã lấy lại khá nhiều điểm. Đó cũng là một thành công nhất định.

VNM đóng cửa giảm 0,91%, MSN giảm 0,61% nhưng VIC tăng trở lại 0,41%. Tuy vậy sức ép ở VNM, MSN và GAS vẫn đủ lấy mất 0,57% ở VN-Index, dù HSX30 chỉ giảm 0,1%. Sức mạnh của GAS thật sự đáng ngại.

Một cổ phiếu lớn khác cũng hứng lực xả mạnh từ khối ngoại và lao dốc nặng là PVD, mất 2,97%. Khối ngoại rút chừng 61,8 tỷ đồng ròng ở PVD, mức lớn chưa từng có trong một phiên.

Phần còn lại của thị trường được chứng kiến lực mua đỡ tốt của nhà đầu tư trong nước và mức giảm giá không lớn. HAG chẳng hạn, chỉ mất 0,4%, DRC vẫn trụ được tham chiếu, BVH chỉ giảm 0,5%...

Tại HSX, chỉ số giá của nhóm blue-chips giảm rất nhẹ đã thể hiện sức mạnh nhất định của các cổ phiếu này trong bối cảnh VN-Index mất điểm lớn. Ngoài SSI và VIC, MBB, FPT, HCM, KDC, OGC, PPC cũng tăng khá.

Tại HNX, các blue-chips cũng tăng tốt hơn mặt bằng chung và giúp HNX-Index chỉ giảm 0,03%, gần như không đáng kể. Không có nhóm cổ phiếu nào nổi bật, nhưng dầu khí và chứng khoán nhìn chung là tốt. PVS tăng 0,23%, PGS tăng 0,27%, SCR tăng 1,94%, VND tăng 0,6%, SHS tăng 2,4%...

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

Thanh khoản giảm

Trong khi nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ quay lại bán nhiều thì nhà đầu tư trong nước lại tỏ vẻ thận trọng. Mặc dù lúc giảm sâu, thị trường vẫn không bị hoảng loạn do số đông nhận thấy tác động của GAS, VNM, MSN, nhưng lực mua vẫn chưa đủ tốt.

Khối lượng khớp lệnh đã giảm 27%, chỉ còn 163,2 triệu cổ phiếu. Đây là mức giao dịch kém nhất kể từ cuối tháng 8. Giá trị khớp lệnh cũng giảm khoảng 20%, đạt 2.815,3 tỷ đồng. Khối ngoại lại bán ròng 223,1 tỷ đồng khớp lệnh một con số rất cao.

Khánh Nhi