Thị trường chứng khoán hôm nay có thêm một phiên tăng nhẹ, sau VN-Index khi đã lội ngược dòng thành công trong phiên chiều. Diễn biến thị trường trong nước cũng ngược chiều so với nhiều thị trường khu vực và thế giới, đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ. Áp lực từ lượng cổ phiếu bắt đáy về tài khoản đã khiến thị trường đỏ điểm trong phiên sáng, nhưng kết quả là VN-Index có phiên tăng thứ 3 liên tiếp - chuỗi tăng dài nhất hơn 1 tháng qua.

Theo số liệu từ MBS, dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng +0,88 điểm (+0,07%) lên 1.241,64 điểm. Độ rộng thị trường cho thấy một phiên “xanh vỏ đỏ lòng”, toàn thị trường có 151 mã tăng/292 mã giảm. Dòng tiền không dồn vào nhóm VN30 khiến chỉ số VN30 giảm -2,86 điểm (-0,22%) còn 1.283,55 điểm. Ở rổ VN30 có 8 cổ phiếu tăng và 18 cổ phiếu giảm. Trong khi nhóm midcap đi cùng thị trường với mức tăng +0,41% thì nhóm smallcap đi ngược thị trường và giảm -0,39%.

Chứng khoán hôm nay (19/5): Dù “xanh vỏ đỏ lòng”, VN-Index đã nối dài đà tăng điểm
Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN-Index. Nguồn: MBS.

Các cổ phiếu lớn đã hỗ trợ VN-Index tăng nhẹ phiên này là: MSN (+6,98%), VCB (+0,8%), DGC (+5,91%), OCB (+6,6%), GAS (+0,76%),… đã bù đắp áp lực giảm giá ở các cổ phiếu khác như: VNM (-1,85%), CTG (-1,88%), VPB (-1,62%), TPB (-3,26%), GVR (-1,71%),…

Trên sàn Hà Nội, nỗ lực phục hồi không thành công khiến các chỉ số có phiên giảm điểm. Theo đó, HNX-Index giảm -1,82 điểm (-0,59%) xuống 308,02 điểm; UPCoM-Index giảm -0,15 điểm (-0,16%) xuống 94,58 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục giảm, riêng thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE còn 10.627 tỷ đồng so với mức 12.967 tỷ đồng ở phiên hôm qua và mức bình quân 15.168 tỷ đồng ở tuần trước. Tổng cộng có 460 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công trên HOSE trong phiên so với mức bình quân 575 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.

Khối ngoại giao dịch không còn tích cực như ở phiên trước khi mua vào 44,7 triệu cổ phiếu, trị giá 1.657 tỷ đồng, trong khi bán ra 49,3 triệu cổ phiếu, trị giá 1.746 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 4,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 89 tỷ đồng. Riêng sàn HOSE, khối ngoại bán ròng trở lại 126 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 6,5 triệu cổ phiếu.

Lực bán của khối ngoại tập trung tại các cổ phiếu như HPG, SSI, VIC, CTG, TPB, … Ở chiều ngược lại, MSN, DCM, DPM, VNM, KBC, … là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong phiên này.

Theo các chuyên gia của MBS, thị trường tuy chỉ có phiên tăng nhẹ ở trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng” nhưng đặt trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu giảm mạnh và lượng hàng bắt đáy về tài khoản thì đây là phiên tăng tích cực của chỉ số VN-Index. Chuỗi tăng cũng đã sang phiên thứ 3 liên tiếp, dài nhất kể từ đầu tháng 4 tới nay, ở 2 nhịp nảy kỹ thuật trước đó, thị trường chỉ có 2 phiên tăng rồi lại giảm, do vậy việc thị trường ngược dòng tăng nhẹ trong phiên hôm nay để nối dài số phiên phục hồi sang 3 phiên liền mạch sẽ giải tỏa thêm tâm lý cho nhà đầu tư.

Nhìn chung, “thị trường đang có dấu hiệu phục hồi tốt nhất kể từ phiên 25/4, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ thử thách ngưỡng 1.260 điểm trong các phiên sắp tới. Nhà đầu tư có thể bắt đáy với tỷ trọng nhỏ, không dùng margin và không nên mua đuổi trong các nhịp tăng” – Chuyên gia của MBS cho hay.

Đối với thị trường thế giới, thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương chao đảo sau khi chứng khoán Mỹ có phiên giảm mạnh nhất trong gần 2 năm. Các nhà đầu tư ngày càng lo lắng về lạm phát giá tăng, mùa báo cáo kết quả kinh doanh kém khả quan và sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu do chính sách zero Covid của Trung Quốc gây ra.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,89%, bên cạnh đó chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng sụt 1,28%. Xuất khẩu của Nhật Bản tăng 12,5% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn dự báo 13,8% của Reuters, theo dữ liệu mới được công bố bởi Bộ Tài chính quốc gia này.

Còn ở Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite chốt phiên tăng 0,36%, bên cạnh đó chỉ số Shenzhen Component cũng tăng 0,38%. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng ở thị trường Hong Kong giảm 2,5%.

Đêm qua, thị trường chứng khoán Mỹ “đỏ lửa” với hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 cùng giảm mạnh nhất kể từ năm 2020, sau khi một hãng bán lẻ lớn lên tiếng cảnh báo về áp lực chi phí gia tăng. Lời cảnh báo này củng cố nỗi lo lớn nhất của nhà đầu tư về lạm phát gia tăng, dẫn tới lặp lại đà bán tháo dữ dội từ đầu năm tưởng như đã ngớt trong ba phiên trước. Gần đây, chứng khoán và các tài sản rủi ro khác chịu áp lực bán tháo mạnh từ nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhằm kiềm chế lạm phát. Việc FED mạnh tay nâng lãi suất đã dẫn tới nỗi lo kinh tế Mỹ suy thoái./.