Khép lại một tuần giảm điểm

Thị trường chứng khoán hôm nay tiếp tục đóng cửa trong sắc đỏ. Mức giảm hôm nay lớn hơn nhiều so với hôm qua và khép lại tuần giảm thứ 2 liên tiếp với mức thanh khoản thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2020. Dòng tiền nội bắt đáy tỏ ra khá thận trọng, trong khi khối ngoại vẫn duy trì mạch bán ròng sang tuần thứ 3 liên tiếp. Lần lượt các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ được dòng tiền nhỏ luân chuyển, nhưng không quá 1 phiên như: đầu tư công, sản xuất điện, dầu khí, thép…

Theo dữ liệu từ MBS, dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm -12,84 điểm (-1,24%), còn 1.024,77 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, khi toàn sàn HOSE mã tăng rất ít chỉ với 82 mã tăng, trong khi có tới 317 mã giảm và 53 mã đứng giá.

Chứng khoán hôm nay (3/3): Dòng tiền “đuối hơi”, VN-Index chốt tuần với phiên giảm
Các cổ phiếu lớn gây áp lực lên VN-Index phiên này là: VCB (-2,47%), MSN (-3,8%), BID (-1,08%), VPB (-1,73%), ACB (-2,2%)… đã lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu lớn khác như: STG (+5%), PLX (+0,39%), VSC (+3,79%), HRC (+5,55%), CAV (+2,8%)…

Chỉ số VN30 còn sụt giảm nhiều hơn với -15,38 điểm (-1,5%), xuống 1.013,35 điểm. Ở rổ VN30 chỉ có 1 mã tăng, trong khi chỉ có tới 26 mã giảm và 3 mã đứng giá. Nhóm midcap và smallcap cũng giảm lần lượt -1,57% và -0,73%.

Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE dù tăng so với phiên trước, nhưng chỉ đạt 5.987 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch trên HOSE đạt mức 7.211 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng 120 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán của khối ngoại tập trung tại các cổ phiếu như: HPG, SSI, VCB, KBC, VND… Ở chiều ngược lại: HSG, NKG, VNM, STB, BID… là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong phiên này.

Lực hồi “đuối”

Thị trường chứng khoán hôm nay chỉ duy trì được đà tăng nhẹ vào đầu phiên và sau đó ngày càng đuối dần. Đến phiên chiều, lực cầu bắt đáy có xuất hiện, khiến chỉ số có đảo chiều đi lên, tuy nhiên, lực này khá yếu và nhanh chóng nhường chỗ cho bên bán. Chỉ số VN-Index vì thế đóng cửa gần như ở mức thấp nhất trong phiên. Lực hồi của những phiên tăng trước đang cho thấy dấu hiệu hụt hơi khi tiền vào rất eo hẹp.

Giá trị khớp lệnh sàn HOSE có tăng, nhưng rõ ràng tiền chưa tới 6.000 tỷ đồng thì khó làm nên chuyện. Điểm số hụt hơi vì dòng tiền có dấu hiệu đuối dần. Tính chung cả tuần, thanh khoản trên toàn thị trường bình quân tuần này chỉ đạt 8.723 tỷ đồng/phiên, giảm 32,4% so với tuần trước - đây cũng là mức thanh khoản thấp nhất (theo tuần) kể từ tháng 11/2020.

Chứng khoán hôm nay (3/3): Dòng tiền “đuối hơi”, VN-Index chốt tuần với phiên giảm
Dòng tiền “đuối hơi” khiến tâm lý nhà đầu tư càng thận trọng hơn. Ảnh: Minh họa.

Chỉ số VN-Index hôm nay giảm khá mạnh khi các mã bluechips vẫn bị bán ra mạnh. Điểm số suy giảm nhanh càng khiến tâm lý nhà đầu tư vốn đã thận trọng càng trở nên yếu hơn. Cả rổ VN30 chỉ có đúng 1 mã tăng, còn lại là giảm và đứng yên. Hàng loạt mã trụ giảm sâu tác động lớn lên điểm số chung: MSN -3,8%, POW -2,76%, VCB - 2,47%, STB - 2,34%, MWG - 2,23%, ACB - 2,2%…

Thị trường vẫn đang dò đáy và việc mua bắt đáy sớm có thể lại rủi ro T+. Quan trọng nhất là quản trị rủi ro danh mục, khi kiếm lời trong giai đoạn này thực sự rất khó. Thậm chí như trong phiên hôm nay, nếu nóng vội thì dễ vào tình thế “sáng mua, chiều lỗ”. Xu hướng điều chỉnh vẫn cần có thêm các tín hiệu rõ hơn cho thấy sự kết thúc. Nhưng rõ ràng, giai đoạn này thì tiền là tất cả. Tiền mạnh thì thị trường sẽ lên và ngược lại.

Theo các chuyên gia MBS, trong 9 phiên trở lại đây, thị trường chỉ hồi vẻn vẹn 2 phiên, lực cầu rất kiên trì không đuổi giá trong các nhịp hồi trong phiên. Với diễn biến như vậy khả năng nhịp điều chỉnh của thị trường còn tiếp diễn. Thanh khoản ngày càng giảm, cho thấy sau các vòng bắt đáy không thành công, nhà đầu tư sẽ thận trọng và các lần giải ngân tiếp theo chỉ là mua thăm dò. Bối cảnh trong nước hiện không có thông tin hỗ trợ, trong khi dòng tiền ngoại nhiều khả năng vẫn còn tiếp tục bán ròng, xu hướng bán ròng đang diễn ra không chỉ ở thị trường Việt Nam, mà ở cả nhiều thị trường Đông Nam Á và Bắc Á.

Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index có thể kiểm tra ngưỡng tâm lý 1.000 điểm khi thanh khoản tiếp tục xuống thấp hơn và người bán phải hạ giá để tìm kiếm lực cầu mua dài hạn.

Thị trường chứng khoán khu vực châu Á phục hồi tuần đầu tiên sau 4 tuần giảm liên tiếp, các thị trường dẫn đầu đà tăng gồm: Hong Kong, Trung Quốc đại lục, Nhật Bản… ở chiều ngược lại, chứng khoán khu vực Đông Nam Á đồng loạt giảm điểm. Đêm qua, thị trường chứng khoán Mỹ cũng tăng điểm khi lợi suất trái phiếu chính phủ giảm xuống và một quan chức FED đưa ra quan điểm bớt cứng rắn về lãi suất.