VN-Index lội ngược dòng thành công

Thị trường chứng khoán hôm nay lội ngược dòng thành công ở những phút cuối. Đây cũng là phiên tăng thứ 3 liên tiếp giúp chỉ số VN-Index bứt phá khỏi vùng đi ngang 5 phiên trước đó. Dòng tiền bắt đáy mạnh mẽ, giúp thanh khoản tăng lên mức cao nhất trong 7 phiên vừa qua. Bên cạnh đó, yếu tố hỗ trợ tích cực từ khối ngoại quay trở lại mua ròng ở phiên hôm qua tiếp tục được củng cố ở phiên hôm nay cũng giúp tâm lý nhà đầu tư tự tin hơn.

Theo dữ liệu từ MBS, dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng +11,34 điểm (+1,09%) lên 1.049,18 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, khi trên sàn HOSE có tới 256 mã tăng, trong khi chỉ có 123 mã giảm và 80 mã đứng giá.

Chứng khoán hôm nay (8/3): VN-Index lội ngược dòng thành công vào cuối phiên
Các cổ phiếu lớn hỗ trợ VN-Index phiên này là: BID (+2,35%), VPB (+4,31%), MSN (+2,68%), GAS (+1,34%), CTG (+1,38%), … đã bù đắp áp lực giảm ở các cổ phiếu lớn khác như: MWG (-0,76%), SAB (-0,21%), PDN (-6,88%), KDC (-1,1%), AST (-6,18%), …

Bên cạnh đó, chỉ số VN30 tăng tốt hơn với +13,43 điểm (+1,31%) đạt 1.040,59 điểm. Ở rổ VN30 có tới 27 mã tăng trong khi chỉ còn 3 mã giảm. Nhóm midcap và smallcap cũng tăng lần lượt 1,53% và 1,06%.

Thanh khoản trên toàn thị trường đạt 10.230 tỷ đồng, tăng 11,6% so với phiên hôm qua, đây cũng là phiên có mức thanh khoản cao nhất trong 7 phiên vừa qua. Bình quân 3 phiên đầu tuần này, thanh khoản cao hơn 4% so với mức bình quân của tuần trước.

Khối ngoại mua ròng 261 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực mua tập trung tại các cổ phiếu như: HPG, VND, SSI, FRT, HSG,… Ở chiều ngược lại: NT2, FUESSVFL, DXG, DGW, VCB, … là những cổ phiếu/chứng chỉ quỹ bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong phiên này.

Tâm lý tốt, thị trường phớt lờ tin xấu từ thế giới

Thị trường chứng khoán hôm nay cho thấy nỗ lực phục hồi khá ngoạn mục. Chỉ số VN-Index giao dịch ở sắc đỏ trong phần lớn thời gian, nhưng lại quật khởi tăng điểm tích cực cuối phiên. Hơn 11 điểm rõ ràng là con số không hề nhỏ, trong bối cảnh thị trường thế giới giảm mạnh.

Thị trường thế giới hôm nay chịu tác động lớn từ quan điểm “diều hâu” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Vì thế, nếu thị trường chứng khoán trong nước có giảm hôm nay có giảm thì cũng không có gì bất ngờ. Trên thực tế, không ít người đã “an phận” về việc hôm nay sẽ có một phiên giảm vào hôm nay.

Chứng khoán hôm nay (8/3): VN-Index lội ngược dòng thành công vào cuối phiên
Tâm lý tích cực hỗ trợ thị trường lội ngược dòng thành công. Ảnh: Minh họa.

Thanh khoản tăng khá là động lực chính cho phiên hôm nay. Tâm lý thị trường càng được hỗ trợ khi khối ngoại mua ròng và trước đó là việc có thêm ETF bơm vốn vào thị trường trong nước.

Trên thực tế, hưng phấn xuất hiện cuối phiên có thể để lại kỳ vọng tăng điểm theo quán tính vào sáng mai. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ sức thuyết phục để nói lên xu hướng ngắn hạn. Thị trường vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh vì chưa có cơ sở đủ chắc chắn để xác định xu hướng. Do vậy, thận trọng có thể vẫn còn duy trì và khuyến nghị quan sát thêm vẫn được nhiều chuyên gia đưa ra.

Theo các chuyên gia của MBS, đà phục hồi của thị trường có khả năng còn tiếp diễn đến ngưỡng 1.053 điểm, dòng tiền bắt đáy đang mạnh dần nhờ tín hiệu mua ròng trở lại từ khối ngoại đang là yếu tố dẫn dắt thị trường bất chấp chứng khoán thế giới đang chịu ảnh hưởng từ FED. Thị trường đã có thời gian tích lũy và bật tăng nên ở nhiều nhóm cổ phiếu đang có mức lợi suất tốt hơn so với chỉ số chung, tạo vùng đệm giảm áp lực từ lượng cung đi trong các nhịp rung lắc sắp tới. Các nhóm cổ phiếu được dòng tiền chú ý gồm: thép, đầu tư công, dầu khí, ngân hàng, chứng khoán…/.

Thị trường chứng khoán thế giới giảm điểm sau phát biểu “diều hâu” về lãi suất của Chủ tịch FED. Ở khu vực châu Á, ngoại trừ thị trường Nhật Bản ngược dòng với mức tăng 0,48% thì phần lớn giảm điểm trong phiên này, trong đó Hong Kong có mức giảm mạnh nhất 2,59%. Đêm qua, thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh với chỉ số Dow Jones “bốc hơi” gần 600 điểm, sau khi Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố lãi suất có thể phải tăng lên mức cao hơn trong thời gian lâu hơn so với dự kiến ban đầu. Phát biểu của ông Powell nâng tầm quan trọng của báo cáo việc làm tháng 2 mà Bộ Lao động Mỹ dự kiến công bố vào sáng ngày thứ Sáu tuần này. Nếu dữ liệu đó cho thấy thị trường việc làm tiếp tục thắt chặt, khả năng FED nâng lãi suất lên cao hơn và lâu hơn sẽ càng lớn hơn.