Chứng khoán Mỹ tiếp tục thăng hoa, thị trường châu Á diễn biến trái chiều
Ảnh minh họa.

Kết phiên này, tại phố Wall, chỉ số Dow Jones tăng 320,33 điểm (tương đương 0,83%) lên 39.110,76 điểm. Chỉ số này ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 22/02/2024. Chỉ số S&P 500 tiến 0,56% lên 5.178,51 điểm, đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,39% lên 16.166,79 điểm.

Tại Nhật Bản, phiên này, chỉ số Nikkei 225 cũng tăng tới 0,7% lên 40.003,60 điểm – chứng kiến phiên giao dịch tích cực sau khi Ngân hàng trung ương nước này (BoJ) tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm, đặt dấu chấm hết cho thời kỳ thực hiện chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo.

Trong khi chỉ số Shanghai của Thượng Hải (Trung Quốc ) giảm 0,7% xuống còn 3.062,76 điểm.

Với lạm phát liên tục được duy trì trên mức mục tiêu 2% và các cuộc đàm phán tiền lương gần đây kết thúc với mức tăng lương cao, BoJ cuối cùng cũng đã quyết tâm chuyển hướng từ một chính sách tiền tệ cực lỏng, vốn được coi là ngoại lệ trong kinh tế toàn cầu. Các quan chức đánh giá rằng mục tiêu ổn định giá cả ở mức 2% sẽ đạt được một cách bền vững và ổn định", BoJ cho biết.

Mặc dù vậy, đã xuất hiện những quan ngại rằng việc Nhật Bản tăng lãi suất sẽ khiến các thị trường tài chính bị xáo động, khi giới đầu tư chuyển tiền sang “xứ hoa anh đào” để tìm kiếm nguồn lợi nhuận lớn hơn, giữa bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn khác đang chuẩn bị giảm lãi suất.

Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi quyết định chính sách mới nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Fed được dự báo sẽ duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong hai thập kỷ và sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Tuy nhiên, với những dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát vẫn ở mức cao, có ý kiến cho rằng số lần cắt giảm lãi suất sẽ giảm xuống chỉ còn 2 lần.

Các thị trường chứng khoán châu Á khác biến động trái chiều, với chứng khoán Sydney, Singapore, Jakarta, Bangkok và Wellington đồng loạt tăng, trong khi chứng khoán Seoul, Mumbai, Taipei và Manila đồng loạt giảm./.