Trung tâm Thiết kế, Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm của PPJ Group. Ảnh PPJ |
PV: Ông đánh giá thế nào về yêu cầu của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đối với các doanh nghiệp hiện nay?
Ông Đặng Vũ Hùng |
Ông Đặng Vũ Hùng: Sau khi đại dịch Covid-19 xáo trộn toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại, giúp nâng cao hiệu quả vận hành và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Cùng với đó, “chuyển đổi xanh” trở thành giấy thông hành để các doanh nghiệp bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chuyển đổi kép mang lại tăng trưởng bền vững vượt trội"Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số khi đi cùng nhau sẽ tác động và tăng thêm động lực cho nhau như vậy, khi công nghệ số có thể khiến sản xuất xanh hơn và sự tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp mang lại sự bền vững vượt trội hơn" - ông Đặng Vũ Hùng chia sẻ. |
Như vậy, các doanh nghiệp phải giải quyết cả hai bài toán chuyển đổi cùng lúc, hay có thể nói là “chuyển đổi kép” và chúng tôi coi đó là bài toán cấp bách của thời đại. Xu thế, yêu cầu về phát triển bền vững buộc các doanh nghiệp phải thích ứng, đặc biệt là những doanh nghiệp trong ngành dệt may như chúng tôi, vốn được gắn với đặc thù sử dụng nhiều lao động thủ công và tiêu thụ lượng lớn tài nguyên.
PV: Được biết, nhiều doanh nghiệp, trong đó có PPJ đã bắt tay vào quá trình chuyển đổi từ rất sớm. Xin ông cho biết những khó khăn cũng như thuận lợi khi triển khai sự chuyển đổi kép này?
Ông Đặng Vũ Hùng: Có một số yếu tố khách quan mở đường cho công cuộc chuyển đổi của doanh nghiệp, như sự tạo điều kiện từ các chủ trương, chính sách của Nhà nước, sự phát triển của khoa học – công nghệ thế giới, sự thay đổi tư duy về phát triển bền vững… Những yếu tố này đã được phân tích nhiều trên báo chí, nên chúng tôi sẽ chia sẻ về các yếu tố chủ quan, liên quan đến câu chuyện riêng của mình.
Đầu tiên, thuận lợi là ở sự “chủ động”. Chúng tôi đã chủ động chuyển đổi số từ trước khi Covid-19 xuất hiện và làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Chúng tôi cũng đã chủ động chuyển đổi xanh ngay từ những ngày đầu, do hướng đến thị trường toàn cầu nên những tiêu chuẩn xanh là điều kiện tiên quyết để có thể tiếp cận được các chuẩn mực của quốc tế và đáp ứng tốt các yêu cầu của khách hàng. Sự chủ động khiến chúng tôi có thời gian để chuyển đổi tỉ mỉ và khoa học từ cốt lõi và không rơi vào thế “trở tay không kịp” khi biến cố xảy ra.
Sự thuận lợi tiếp đến là chúng tôi có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, từ thiết kế và phát triển sản phẩm - sợi - vải - may mặc - vận chuyển quốc tế - kho khách hàng. Ngoại trừ việc không chủ động được trong sản xuất bông, xơ và chúng tôi phải tìm kiếm và chọn lọc các nguồn bông “sạch”, bông có tiêu chuẩn BCI, bông hữu cơ, bông tái chế… tất cả các khâu còn lại trong chuỗi cung ứng đều được chủ động kiểm soát hàm lượng “xanh và số”.
Hệ thống quản trị toàn diện ERP cùng các phần mềm giúp giám sát mọi quy trình, kiểm soát định mức tiêu hao nguyên vật liệu và các nguồn lực một cách khoa học, kín kẽ nhất và đánh giá được hiệu quả tổng thể chỉ trong vài cú click chuột.
Nhờ vậy, doanh nghiệp chúng tôi hiện là một trong số ít doanh nghiệp dệt may Việt Nam xây dựng, hoàn thiện và vận hành được hệ thống quản trị số toàn diện ERP. Doanh nghiệp hiện đã đạt được gần 30 chứng nhận theo tiêu chuẩn thế giới về trách nhiệm xã hội, môi trường và nguyên vật liệu, cùng hàng chục giấy chứng nhận theo các yêu cầu riêng của nhãn hàng quốc tế.
PV: Vậy còn những khó khăn là gì, thưa ông?
Ông Đặng Vũ Hùng: Đối với các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi ngành nghề, chuyển đổi kép đều là thử thách và thử thách này có thể bị khuếch đại nhiều lần đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiềm lực hạn chế.
Thứ nhất, thế giới đang xoay quanh các yếu tố ESG và coi đây là thước đo mới để đánh giá toàn diện việc thực hành sản xuất - kinh doanh bền vững của doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đang đi theo lộ trình điều chỉnh các chỉ số phát triển bền vững theo yêu cầu của các nhãn hàng cho giai đoạn từ 2023 - 2030.
Việc theo đuổi các chỉ tiêu này không những yêu cầu đầu tư về công nghệ vô cùng mạnh tay, mà còn đòi hỏi các thiết bị đo lường đặc thù đánh giá tác động môi trường (EIM). Thách thức về lộ trình phát triển bền vững này càng gay gắt hơn đối với các doanh nghiệp “chậm chân” trong chuyển đổi hoặc có tiềm lực tài chính không quá mạnh.
Thứ hai, chi phí cho chuyển đổi kép không hề nhỏ. Chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây, với quy mô toàn cầu của mình, chúng tôi đã đầu tư cho hệ thống vận hành số về phần cứng và phần mềm hơn 5 triệu USD; đầu tư công nghệ và chế tạo các thiết bị chuyển đổi xanh hàng chục triệu USD, và con số này chắc chắn chưa dừng lại ở đó.
Mặt khác, trong hành trình chuyển đổi kép, doanh nghiệp không chỉ phải đối mặt với khó khăn về tài chính, mà việc thiếu nguồn nhân lực giàu kỹ năng và bản lĩnh để nắm bắt, làm chủ công nghệ cũng là một rào cản lớn. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp phải thuê các chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý chủ chốt từ cấp trung tới cấp cao với chi phí khá lớn, để vận hành tốt các công nghệ mới của thế giới, phục vụ cho chuyển đổi nhanh và hiệu quả hơn.
Khó khăn thứ ba là bài toán tiêu thụ. Sản xuất xanh đã khó, tiêu thụ được sản phẩm xanh càng khó hơn. Chi phí đầu tư cho công nghệ, chi phí đầu vào của sản xuất khiến giá thành sản phẩm tăng cao so với truyền thống, không phải thương hiệu nào cũng sẵn sàng chi trả cho khoản chênh lệch này.
Cuối cùng, là khía cạnh chính sách tài chính. Trên thực tế, việc triển khai tín dụng xanh vẫn còn nhiều rào cản do khung pháp lý chưa được hoàn thiện và cụ thể hóa, quy trình thẩm định vẫn còn khá phức tạp…
PV: Từ những khó khăn, thuận lợi cũng như thành quả trong hành trình chuyển đổi của mình, ông có chia sẻ gì với các doanh nghiệp đang và sẽ trải qua hành trình tương tự?
Ông Đặng Vũ Hùng: Là một doanh nghiệp xuất phát sớm trong chuyển đổi kép, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, chi phí của chuyển đổi kép là rất lớn, nhưng cái giá của việc không hoặc chậm chuyển đổi thậm chí còn lớn hơn gấp nhiều lần.
PV: Xin cảm ơn ông!
Chuyển đổi kép để kiến tạo nền kinh tế mớiTheo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để kiến tạo được nền kinh tế có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đang thực hiện hai cuộc chuyển đổi lớn. Một là, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với hội nhập quốc tế. Hai là, chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh, hay còn gọi là chuyển đổi kép. Điều đặc biệt là cả hai quá trình chuyển đổi này đều mang tính cách mạng. Cả hai quá trình chuyển đổi này đều chưa có tiền lệ, còn nhiều điều ở phía trước cần phải tiếp tục nghiên cứu, vừa làm, vừa hoàn thiện. Do vậy, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, đòi hỏi đầu tiên của cả hai quá trình chuyển đổi này là đổi mới về tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, dám nghĩ, dám làm. Tiếp theo là đổi mới về thể chế, cơ chế, chính sách; về quản lý, quản trị và điều hành ở cả tầm vĩ mô (Chính phủ) và vi mô (doanh nghiệp), trong đó người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, nhà nước đóng vai trò kiến tạo và dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhìn lại giai đoạn vừa qua, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho rằng, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực “số hóa”, “xanh hóa” trong cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là ở góc độ ban hành các chính sách cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Mặc dù vậy, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, cộng đồng doanh nghiệp chưa hiểu nhiều, chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều và chưa hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. |