Số hoá từ bảo trì đến duy tu kết cấu hạ tầng

Giao thông vận tải (GTVT) là 1 trong 8 lĩnh vực mà Chính phủ xác định ưu tiên phát triển chuyển đổi số. Trong đó, Bộ GTVT sẽ tập trung vào chính phủ số, kinh tế số và sẽ triển khai theo hướng chiến lược ngành, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý doanh nghiệp hoạt động vận tải, phương tiện và người điều khiển phương tiện. Hướng tới số hóa từ trung ương đến địa phương từ bảo trì đến duy tu, đăng kiểm, đào tạo sát hạch, thu phí không dừng.

Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu trên, ngành GTVT sẽ duy trì cổng dịch vụ công GTVT cung cấp 240 dịch vụ công. Đồng thời, ngành GTVT còn tập trung xây dựng và hoàn thiện 4 bộ cơ sở dữ liệu (CSDL) nền tảng dùng chung, gồm: CSDL kết cấu hạ tầng giao thông, CSDL phương tiện, CSDL người điều khiển phương tiện và CSDL doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT, từ đó phát triển các ứng dụng khai thác nhằm mục tiêu quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số.

Đổi mới mô hình quản lý khai thác và bảo trì theo hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Minh Lê
Đổi mới mô hình quản lý khai thác và bảo trì theo hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Minh Lê

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng sẽ rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số; thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số, sẵn sàng thử nghiệm và áp dụng cái mới trong ngành GTVT. Đồng thời, nghiên cứu đổi mới, ban hành các quy trình nghiệp vụ được số hóa và vận hành dựa trên dữ liệu để nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành. Bên cạnh phát triển chính phủ số, các giải pháp tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm là phục vụ người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động trên môi trường số của các cơ quan, đơn vị Bộ GTVT; đổi mới phương thức quản lý, ra quyết định được dẫn hướng bởi dữ liệu số.

Với mục tiêu cơ bản ngành cần đạt được trong giai đoạn đến năm 2025, sẽ hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành GTVT trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối, tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành GTVT tới được người ra quyết định đầy đủ, kịp thời và chính xác.

Về phát triển kinh tế số, Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS); hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc trung ương và địa phương có nhu cầu. Phát triển hạ tầng Logictics với nền tảng kết nối đa phương thức giữa các phương thức vận tải với nhau nhanh nhất và rẻ nhất.

Khuyến khích huy động nguồn lực xã hội

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ 4.0 mà trọng tâm là chuyển đổi số là chủ trương lớn của Đảng, là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược phát triển đất nước được nêu ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chính phủ đã thể chế chủ trương này bằng nhiều nghị quyết và chương trình hành động. Bộ GTVT đã và đang rốt ráo triển khai thực hiện. "Nhiệm vụ của ngành GTVT trong những năm tới để cụ thể hóa chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 là hết sức nặng nề và thách thức. Để hoàn thành được các mục tiêu phát triển ngành, ngoài nguồn lực tài chính và nhân lực thì vai trò khoa học công nghệ là cực kỳ quan trọng.

Cơ sở pháp lý để công tác chuyển đổi số ngành GTVT tiếp tục đẩy mạnh là mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã ký ban hành Quyết định số 877/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng và Quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Mục tiêu 100% tuyến đường bộ cao tốc lắp đặt hệ thống điều hành giao thông thông minh

Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS); hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương có nhu cầu. Phát triển hạ tầng Logictics với nền tảng kết nối đa phương thức giữa các phương thức vận tải với nhau nhanh nhất và rẻ nhất.

Mục tiêu tổng quát của đề án nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm trong công tác xây dựng và quản lý khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông qua việc chủ động, nắm bắt kịp thời và ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Điểm đáng chú ý nhất là đề án đã đề ra giải pháp rà soát, hoàn thiện cơ chế khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội hóa theo phương thức đối tác công - tư cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, đầu tư, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chú trọng đến các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ trong nước. Hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức tư vấn thiết kế, đầu tư và các nhà thầu xây dựng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng BIM và các ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị. Đồng thời nghiên cứu đổi mới mô hình quản lý khai thác và bảo trì theo hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo các hư hỏng công trình…