Tổng cục Thuế tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức thuế Ngành Tài chính thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ Chuyển đổi số quản lý thuế và những "con số biết nói" Chuyển đổi số ngành Hải quan đã có những bước tiến dài Ngành Thuế tiên phong trong chương trình chuyển đổi số quốc gia
Chuyển đổi số giúp tiết giảm chi phí, tiết kiệm thời gian
Ngành Thuế, Hải quan là những ngành tiên phong áp dụng bộ công cụ quản lý hiện đại vào công tác hỗ trợ người nộp thuế. Ảnh: TL

PV: Ông đánh giá như thế nào về công tác chuyển đổi số của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế, Hải quan nói riêng trong thời gian qua?

Ông Hoàng Quang Phòng: Chúng tôi đánh giá rất cao tính chủ động của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế, Hải quan nói riêng trong công tác chuyển đổi số.

Có thể nói, ngành Tài chính, Thuế, Hải quan là những ngành tiên phong áp dụng bộ công cụ quản lý hiện đại vào công việc của mình và công tác tuyên truyền hỗ trợ đối với người nộp thuế. Những động thái này của ngành quản lý nhà nước đã giúp cho người dân, người nộp thuế hiểu đúng, hiểu trúng để tương tác với cơ quan thuế, hải quan để thực hiện tốt nghĩa vụ của mình và giải quyết những khúc mắc gặp phải trong sản xuất kinh doanh, cũng như trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước. Tương tác đó là rất cần thiết, được cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế đánh giá rất tích cực.

Một trong những điểm sáng quan trọng nhất là ngành Thuế đã triển khai thành công hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) đến 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên cả nước. Với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, việc áp dụng HĐĐT góp phần làm giảm chi phí quản lý, sử dụng hóa đơn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giảm thiểu nhiều rủi ro so với sử dụng hóa đơn giấy.

Chuyển đổi số giúp tiết giảm chi phí, tiết kiệm thời gian
Ông Hoàng Quang Phòng

PV: Trong thời gian tới, để công tác chuyển đổi số đạt được mục tiêu đề ra, ngành Tài chính, mà ở đây cụ thể là ngành Thuế và Hải quan cần phải triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Hoàng Quang Phòng: Chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, ngành Tài chính nói chung, ngành Thuế, Hải quan nói riêng cũng cần phải tập trung hơn nữa trong công tác nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo việc vận hành hệ thống được trơn tru hơn phục vụ doanh nghiệp và người nộp thuế được tốt hơn nữa.

Cùng đó, hai ngành Thuế và Hải quan cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát công chức, viên chức thuế trong thực thi công vụ; chú trọng hơn nữa đến công tác nâng cao trình độ thực hành công vụ của cán bộ trực tiếp thực thi, cũng như việc có được sự tương tác hữu ích với cộng đồng doanh nghiệp, công đồng người nộp thuế để làm sao khi doanh nghiệp, người nộp thuế thực thi chính sách; cần phải có sự hiểu trúng, hiểu đúng, tuân thủ và thực hành đúng chính sách pháp luật thuế, hải quan, tránh gây khó khăn, phiền nhiễu cho doanh nghiệp.

Còn đối với những vấn đề được cho là điểm nghẽn, thì phải được chỉnh sửa kịp thời, để đảm bảo những điểm nghẽn đó không gây cản trở cho việc thực hành pháp luật của người nộp thuế cũng như là cơ quan quản lý.

Tôi cho rằng, những vấn đề thuộc về thủ tục hành chính thì cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ kịp thời. Tôi cũng rất mừng là tổ công tác cải cách của Thủ tướng Chính phủ đã đi vào vận hành và kiện toàn, trong đó có sự góp mặt của các cơ quan ban ngành và đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Những vận hành đó có được sự đồng bộ cao thì kết quả đạt được như mong muốn, có điều chúng ta phải tuân thủ với những điều chúng ta đã, đang cam kết cũng như chúng ta đang vận hành các điều luật chưa có thì cần phải kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thông qua những văn bản nghị định về công tác này chưa hoàn thiện.

Ví dụ như, công tác kiểm tra chuyên ngành của cơ quan hải quan chẳng hạn, cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan có liên quan và cấp có thẩm quyền thông qua để cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý gặp nhau ở một điểm để thực hiện tốt công việc mà chúng ta đã và đang triển khai.

PV: Theo ông cộng đồng doanh nghiệp sẽ kỳ vọng điều gì ở cơ quan thuế và cơ quan hải quan trong thời gian tới?

Ông Hoàng Quang Phòng: Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng rất cao ở cơ quan thuế và cơ quan hải quan với những việc mà hai cơ quan này đã, đang làm trong thời gian tới.

Chúng ta áp dụng bộ công cụ quản lý hiện đại, ứng dụng cao công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành công tác quản lý cũng như công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát động viên hướng dẫn và nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế phải tuân thủ, tôi cho rằng đó là điều doanh nghiệp kỳ vọng và mong rằng cơ quan thuế, cơ quan hải quan kiên trì với động thái mà chúng ta đã và đang làm.

Đặc biệt, việc tăng cường tương tác chặt chẽ hơn với cộng đồng người nộp thuế, hướng dẫn họ phát hiện cho họ những điểm nghẽn có thể có trong quá trình vận hành để chúng ta có thể phòng ngừa từ sớm, từ xa những sai xót có thể có và dẫn đến những khúc mắc, những hệ lụy không như mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng người nộp thuế.

Tôi cho rằng, bản chất của doanh nghiệp Việt Nam chúng ta hiện nay là cộng đồng kinh doanh có trách nhiệm, hiện đại, hội nhập, tinh thần tự tôn tự hào dân tộc rất cao. Tính văn hóa trong kinh doanh cũng rất cao, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm với quốc gia, với đất nước của mình. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong ngành Thuế, ngành Hải quan cũng đồng hành với họ trong bước đường sắp tới, để làm sao họ hoàn thành nhiệm vụ của mình cũng là giúp cho ngành Thuế, ngành Hải quan hoàn thành nhiệm vụ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cần tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho công chức

“Ứng dụng công nghệ sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành, theo đó thời gian tới, ngoài việc đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin hoạt động ổn định, thông suốt và an toàn, ngành Thuế, Hải quan cũng cần tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho công chức, phục vụ hiệu quả công tác quản lý thu ngân sách, phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn” - ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.