8

Các cán bộ Cục Thuế TP. Hà Nội (giữa) hướng dẫn quyết toán thuế cho người lao động tại Công ty TNHH Canon Việt Nam (ảnh chụp trước dịch Covid-19 bùng phát).

Để mô hình mới hoạt động hiệu quả, các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới cho rằng, cán bộ thuế cần phải tinh nhuệ, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế thì mới có thể quản lý hiệu quả các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đa quốc gia.

Như thế nào được gọi là doanh nghiệp lớn?

Qua nghiên cứu của các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), căn cứ vào quy mô (doanh thu, quy mô tài sản, tổng số thuế phải nộp và số người lao động) sẽ là tiêu chí để xác định đối tượng quản lý của Cục Thuế doanh nghiệp lớn. Tại một số quốc gia, các tập đoàn báo cáo kết quả hoạt động trên cơ sở tổng hợp, do đó, các tiêu chí này được áp dụng ở cấp tập đoàn. Đây cũng là cách thức nhiều quốc gia áp dụng, vì thông lệ tốt là tập trung vào “người nộp thuế một cách tổng thể” khi xác định và xử lý các rủi ro tuân thủ.

Thông thường, các ngưỡng quy mô này được áp dụng trên cơ sở bất kỳ tổ chức kinh tế, hoặc tập đoàn nào vượt quá một trong các tiêu chí nêu trên sẽ được đưa vào diện quản lý. Không nên áp dụng tiêu chí số thuế đã nộp một cách đơn lẻ để lựa chọn đối tượng quản lý, bởi vì việc nộp thuế thấp, hoặc không nộp thuế có thể là kết quả của việc chuyển lợi nhuận. Đây là dấu hiệu mà Cục Thuế doanh nghiệp lớn cần phải lưu ý và có giải pháp quản lý rủi ro với trường hợp này.

Ngoài các tiêu chí trên đây, hai tiêu chí khác là: Các lĩnh vực được coi là đặc biệt phức tạp và rủi ro cao (ví dụ như ngân hàng, bảo hiểm, hóa dầu và dược phẩm) và các doanh nghiệp có các hoạt động xuyên quốc gia, hoặc các doanh nghiệp bị nước ngoài kiểm soát cũng cần giao cho Cục Thuế doanh nghiệp lớn theo dõi, quản lý.

Các chuyên gia của WB cho rằng, nhóm doanh nghiệp lớn dù chiếm số lượng ít trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng lại đóng góp số thuế lớn vào ngân sách (từ 40 - 60%). Đối với các yếu tố định lượng còn lại về doanh thu, tổng tài sản, tổng số thuế nộp, số lượng lao động, cần căn cứ vào quy mô nền kinh tế, thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam để đặt ra ngưỡng giá trị lựa chọn đối tượng người nộp thuế lớn.

Một số các tiêu chí khác để xác định đối tượng quản lý của Cục Thuế doanh nghiệp lớn, đó là người nộp thuế lớn đóng góp trên 60% số thu nội địa (không bao gồm thu từ dầu thô và tiền sử dụng đất). Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo rằng, để xác định đối tượng quản lý thì trước hết cần lập một danh sách các tập đoàn với các tiêu chí số lượng công ty con, chi nhánh; địa điểm kinh doanh; doanh thu, tài sản (vốn), số lao động; số thuế thu nộp; số thuế thu nhập doanh nghiệp. Trên cơ sở biểu thống kê này, tùy mức độ quản lý mà đưa ra ngưỡng doanh thu, tài sản, lao động phù hợp. Ngưỡng xác định này sẽ ổn định trong 3 - 5 năm.

Nên phân công cán bộ chuyên trách làm đầu mối

Nghiên cứu cũng cho thấy, các nước có Cục Thuế doanh nghiệp lớn ở trung ương thì trách nhiệm của Cục Thuế doanh nghiệp lớn thường quản lý cả thuế trực thu và thuế gián thu, cho phép tập trung vào “toàn bộ người nộp thuế” để quản lý các vấn đề thuế của nhóm đối tượng này. Thuế tiền lương cũng thường nằm trong phạm vi quản lý, vì những khoản thuế này là một nguồn thu đáng kể tại các doanh nghiệp lớn. Đồng thời, thực hiện cả hai chức năng cung cấp dịch vụ và hành thu.

Thông thường, đối với mỗi doanh nghiệp lớn, sẽ có một cán bộ chuyên quản là đầu mối làm việc và chịu trách nhiệm quản lý doanh nghiệp. Cán bộ này có trách nhiệm phát triển kiến thức chuyên môn ngành, lĩnh vực được phân công quản lý. Việc quản lý sự tuân thủ của người nộp thuế thông qua việc theo dõi, quản lý từng khâu, từ đăng ký thuế, kê khai thuế đến báo cáo và nộp thuế.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, có nhiều mô hình tổ chức khác nhau và có thể quản lý các chức năng khác nhau một cách riêng biệt. Tuy nhiên, đối với Cục Thuế doanh nghiệp lớn, cơ cấu tổ chức được xây dựng trên nguyên tắc tập trung vào người nộp thuế. Từ đó, tổ chức một đầu mối liên hệ duy nhất dành cho người nộp thuế. Sau đó, một nhóm có chức năng chéo, có thể quản lý tất cả các tương tác giữa cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế, bao gồm các biện pháp can thiệp tuân thủ, cung cấp dịch vụ và quản lý nợ.

Vụ doanh nghiệp lớn trước đây đã xác định các lĩnh vực chính ở Việt Nam, vì vậy những lĩnh vực này có thể đóng vai trò là điểm khởi đầu cho mô hình tổ chức của Cục Thuế doanh nghiệp lớn. Trong trường hợp một tập đoàn lớn có các ngành nghề kinh doanh khác nhau, tập đoàn này có thể được giao về cho lĩnh vực chiếm ưu thế quản lý, nhưng các chuyên gia ngành có thể tham gia vào việc đánh giá rủi ro và thanh tra các ngành nghề kinh doanh trong các lĩnh vực khác.

Dựa trên quy mô đối tượng quản lý, tính toán nhu cầu nguồn lực có thể có cả về nhân viên và các nhu cầu hoạt động khác (không gian văn phòng, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin…). Bên cạnh đó, kế hoạch nhân sự cũng sẽ cần tính toán sự kết hợp của các kỹ năng và những năng lực sẽ cần trong tổ chức bộ máy mới.

Quy trình để đưa Cục Thuế doanh nghiệp lớn vào hoạt động

Các chuyên gia WB đưa ra 5 bước cần thực hiện để chuẩn bị cho Cục Thuế doanh nghiệp lớn đi vào hoạt động:
Bước 1: Xác định đối tượng quản lý. Đây là nền tảng và cơ sở cho hoạt động của Cục Thuế doanh nghiệp lớn.
Bước 2: Xác định quy mô doanh nghiệp để quản lý.
Bước 3: Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp lớn. Dữ liệu này được cập nhật thường xuyên và tự động vào hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế.
Bước 4: Chuẩn bị về nhân sự.
Bước 5: Trang bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về tiếp nhận, xử lý tờ khai thuế, thực hiện các chức năng kế toán thuế, quản lý nợ thuế, quản lý rủi ro.

Nhật Minh - Thu Hằng