bộ trưởng vũ huy hoàng

Có buôn lậu và kinh tế ngầm nhưng chưa đủ cơ sở đánh giá

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nguyên nhân của tình trạng ùn tắc dưa hấu trong nhiều năm qua và đặc biệt trong năm 2015 là do dưa hấu được trồng ở nhiều nơi, trong khi xuất khẩu tập trung tại một cửa khẩu là cửa khẩu Tân Thanh. Cửa khẩu Tân Thanh một ngày đáp ứng thông quan được 350 xe, cao điểm mùa thu hoạch có ngày lên tới 1.000 xe có nhu cầu thông quan, điều này dẫn tới ách tắc tạm thời.

Khắc phụ tình trạng trên, Bộ Công Thương cùng Bộ NN&PTNT có kiến nghị Chính phủ xây khu trung chuyển đủ sức chứa 1.000 xe, vừa tập kết vừa phân loại sản phẩm.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng trao đổi với phía Trung Quốc về thỏa thuận đã ký vào đầu năm 2014 tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc.

Một biện pháp nữa là công tác thông tin đến người dân cần đẩy mạnh để tránh việc tập trung thu hoạch và vận chuyển dồn dập trong thời gian ngắn, như vậy ách tắc mới chấm dứt.

Trước câu hỏi của đại biểu Ngô Văn Minh liệu có hoạt động kinh tế ngầm không khi mà chênh lệch về con số xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc quá lớn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết việc chênh lệch số liệu thống kê giữa các nước không chỉ đang diễn ra giữa Việt Nam và Trung Quốc mà kể cả giữa Việt Nam với các nước khác như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Bộ trưởng Công Thương cũng nhận trách nhiệm có buôn lậu và kinh tế ngầm nhưng chưa có cơ sở để đánh giá chính xác và đầy đủ. Theo Bộ trưởng, trong đó có một phần trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường trong đội hình Ban chỉ đạo 389, Bộ sẽ kiên quyết xử lý nghiêm nếu có dấu hiệu vi phạm của lực lượng này.

Liên quan đến việc vẫn còn có hộ gia đình chưa có điện lưới quốc gia cũng như việc chuyển giao quản lý điện tại 2000 xã, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết hiện 97% hộ dân đã có điện, tuy nhiên điện còn chưa đến được với 55 xã và 1000 thôn bản.

Hiện ngành điện đang tập trung tiếp nhận hơn 2000 xã đang duy trì mô hình quản lý điện HTX, mục tiêu đến hết năm 2016 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, công tác đánh giá tài sản của 2000 xã do HTX quản lý gặp khó do đầu tư ghi chép không đầy đủ, hiện liên Bộ Công Thương-Tài chính đang bàn để sớm tháo gỡ vấn đề này.

Tận dụng hội nhập để tái cơ cấu thị trường

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ Bộ Công Thương và các ngành liên quan cần tham mưu để tổ chức tái cơ cấu lại thị trường trên tinh thần thấy hết được cơ hội và khó khăn.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng gợi mở, nước ta đã mở cửa hội nhập và đang mở cửa hội nhập sâu hơn, đây là dịp để xốc lại thị trường theo định hướng XHCN; tổ chức, cơ cấu lại thị trường, làm cho từng người dân, từng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải nắm chắc vận hội và khó khăn…

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần làm cho thị trường thông suốt từ sản xuất đến lưu thông, phân phối tới tiêu dùng; thị trường phải khoa học, linh hoạt, nhanh nhạy, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, có sản phẩm đủ sức cạnh tranh đến được người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, cũng cần phân tích thị trường trong nước, thị trường ngoài nước, thị trường sản phẩm, thị trường lĩnh vực để từ đó có mô hình khác nhau trong việc sản xuất lưu thông sản phẩm.

Về công nghiệp hỗ trợ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Quốc hội đã có chủ trương, do vậy cần tạo sự chuyển biến mạnh trong phát triển công nghiệp hỗ trợ với sự tham gia của Nhà nước, nếu cần thiết có thể ban hành Nghị đinh về công nghiệp hỗ trợ hoặc lâu dài hơn có thể ban hành Luật thay thế.

Nhấn mạnh về điều hành giá điện, xăng dầu, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là hai mặt hàng cốt yếu của nền kinh tế nên trong điều hành giá phải tạo sự minh bạch, minh bạch các yếu tố chi phí và giá bán.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã hoàn thành phần trả lời chất vấn với tinh thần nắm sâu và có những giải pháp sát sao./.

Theo VPG