HVC

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội).

Tiết kiệm chi thường xuyên cho chi đầu tư

Theo đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Hà Nội), qua 3 năm thực hiện Nghị định 63 về một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội, đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, các cơ chế chính sách tài chính cho thành phố chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển.

Trong quá trình phát triển, Hà Nội đứng trước nhiều thách thức, như tăng trưởng chưa thực sự bền vững, quá tải hệ thống hạ tầng cơ sở, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông…. Trong khi đó, quyền hạn, nguồn lực chưa tương đồng với vai trò trách nhiệm nặng nề của Thủ đô. Do vậy, đại biểu ủng hộ việc xem xét, bổ sung cơ chế về tài chính ngân sách cho Thủ đô theo hướng tăng tính chủ động cho thành phố phù hợp mục tiêu phát triển.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị không dùng từ "cơ chế đặc thù" cho các chính sách được đề xuất cho Hà Nội, bởi mỗi địa phương đều cần có cơ chế, quy định phù hợp.

Về một số vấn đề cụ thể, đại biểu cho rằng việc giao cho Hội đồng nhân dân (HĐND)  thành  phố quyết định một số mức phí, loại phí mà không quy định trần là phù hợp và nhiều nước đã thực hiện, chẳng hạn như phí đỗ xe. Ở nhiều khu đô thị lớn, mức phí được đưa lên rất cao, còn các địa phương lân cận, xa trung tâm thì mức phí thấp.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô cho kịp thời, phù hợp với điều kiện phát triển trong tình hình tới.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, trong 9 cơ chế Hà Nội đề xuất tại dự thảo nghị quyết thì có 7 nội dung tương tự Nghị quyết 54 đã ban hành cho TP.  Hồ  Chí Minh. Có hai nội dung khác là việc Hà Nội xin sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dư để đầu tư cho những công trình cấp bách. Thực tế đây là việc tiết kiệm chi thường xuyên cho chi đầu tư, đang rất được khuyến khích, ủng hộ. Nội dung thứ hai là Hà Nội xin sử dụng ngân sách thành phố để hỗ trợ những địa phương khác gặp khó khăn. Điều này thể hiện rõ tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội".

Liên quan đến việc Hà Nội được quyết định các mức phí, lệ phí, đại biểu cho rằng việc này là rất đúng, phụ thuộc vào nhu cầu phát triển dịch vụ công và khả năng chi trả của mỗi khu vực. Ngay tại Việt Nam, phí của nhiều khu đô thị hiện đại cũng cao hơn như là khu Phú Mỹ Hưng, Ciputra… với chi phí cho an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cảnh quan tốt hơn. Nếu Hà Nội có mức phí phù hợp với các khu vực thì hoàn toàn có điều kiện phát triển các dịch vụ tốt hơn ở một số khu vực phù hợp.

Nâng trần vay nợ không ảnh hưởng lớn đến nợ công

Phân tích một số cơ chế, đại biểu cho biết Hà Nội xin được hưởng 50% khoản tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Thực chất, trong khoản tiền này có khoảng 70% dành cho chi phí di dời, chuyển đổi, nên chỉ còn lại 30% cho ngân sách. Việc để lại một nửa khoản này cho địa phương cũng không phải nhiều, và sẽ có tác động thúc đẩy chuyển dịch các cơ sở sử dụng tài sản đất đai không hiệu quả.

Về việc nâng trần nợ vay của  thành   phố lên 90% tổng thu ngân sách, đại biểu cũng chỉ ra rằng, thực chất đây là trần tính trên số ngân sách điều tiết để lại. Với tỷ lệ để lại 35% thì mức trần nợ vay cũng chỉ khoảng 30% tổng thu ngân sách thực của TP. Hà Nội. Như vậy, điều này không ảnh hưởng nhiều đến nợ công hay rủi ro. Nhất là hiện nay, nhu cầu đầu tư của thành phố rất lớn. Trong khi đó, thành phố không còn được cấp vốn ODA mà phải thực hiện cơ chế vay lại nên phải nâng mức trần nợ.

Trong dự thảo này, Hà Nội cũng đề xuất cơ chế cho tạm ứng không quá 50% quỹ dự trữ tài chính để thanh toán cho các dự án đầu tư công đã được phê duyệt. Hiện tại, TP.  Hồ  Chí Minh được phê duyệt cơ chế vay từ nhiều nguồn khác nhau để thanh toán cho các dự án. Còn luật hiện hành đã cho phép sử dụng quỹ tài chính này để đầu tư, tuy nhiên thời hạn chỉ 12 tháng, còn Hà Nội đề xuất là 36 tháng. Như vậy, việc kéo dài thời hạn cho vay sẽ khiến việc sử dụng quỹ được linh hoạt, hiệu quả hơn.

Đánh giá các cơ chế Hà Nội đề xuất lần này "hẹp" hơn các cơ chế tại Nghị quyết 54 của TP.  Hồ  Chí Minh, song đại biểu cũng cho rằng vì Hà Nội còn có Luật Thủ đô, nên trong khi chờ sửa Luật Thủ đô thì cũng cần các cơ chế giải quyết các vấn đề cấp bách, góp phần tạo cơ sở tới đây sẽ đánh giá, sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô.

Phát biểu cuối cùng, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhấn mạnh, Hà Nội có vị thế giống như "mặt tiền" của quốc gia, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, là trái tim của cả nước, "trái tim không khoẻ thì cơ thể không thể khoẻ", đại biểu nói.

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý việc xin cơ chế phải khác với xin nguồn lực. Hà Nội cần tiếp tục phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, phát huy sự phấn đấu của toàn bộ người dân. Ngoài ra, đại biểu cũng băn khoăn về việc Hà Nội được tăng thêm một số khoản phí, lệ phí sẽ tác động thế nào đến người dân và doanh nghiệp, có ảnh hưởng đến tính hấp dẫn trong thu hút doanh nghiệp hay không.

Trước đó, trả lời PV TBTCVN bên hành lang Quốc hội, Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội đề xuất một số vấn đề về cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là về phân cấp, phân quyền cho  thành  phố.

"Về tiền nong, Chính phủ có hạn, ở đâu cũng thế, quan trọng nhất là tăng thẩm quyền cho Hà Nội trong một số vấn đề" - Bí thư Vương Đình Huệ nói.

Đồng thời, Hà Nội cũng đề xuất một số chính sách thành phố có thể làm được mà không phát sinh thêm nguồn lực nào ở trung ương. Ví dụ như Hà Nội muốn sử dụng kết dư ngân sách của một số quận, huyện nội đô phát triển để giúp đỡ, ủng hộ các địa phương khác, trước mắt là cho chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo của một số địa phương của thành phố.

Về lâu dài, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, quan trọng là phải trình Quốc hội xem xét, chỉnh sửa Luật Thủ đô. Theo đó, sửa đổi, bổ sung các thể chế, chính sách để quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, tăng cường phân cấp phân quyền cho những đô thị đặc biệt.

H.Y