da giày xuất khẩu

Hội nghị là cơ hội để Hiệp hội và Ngành Da - Giầy - Túi xách Việt Nam quảng bá, nâng cao uy tín, vị thế và ảnh hưởng trong Khu vực Châu Á và trên thế giới. Ảnh minh họa

Được sự hỗ trợ của Chương trình Xúc tiến Thương mại trọng điểm Quốc gia năm 2015 thông qua Cục Xúc Tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Hiệp Hội Da giầy-Túi xách Việt nam (Lefaso) sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến Xuất khẩu Da giày với chủ đề nâng cao năng lực kinh doanh, xuất khẩu cho các DN da giày Việt Nam vào ngày 15/07/2015 tại TP. Hồ Chí Minh.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCO trước thềm hội nghị về những cơ hội hợp tác xuất khẩu với các đối tác nước ngoài.

Cơ hội lớn xúc tiến xuất khẩu cho ngành da giày Việt Nam
Chúng tôi kỳ vọng, Hội nghị sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho các DN trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, thu hút đầu tư mở rộng sản xuất, tăng đơn hàng và phát triển xuất khẩu. Bà Phan Thị Thanh Xuân

P.V: Bà đánh giá như thế nào về sự phát triển của ngành da giày Việt Nam hiện nay?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Ngành Da Giầy Việt Nam là một trong những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn, góp phần tăng trưởng GDP của quốc gia. Mặc dù giá trị gia tăng của ngành da giầy không lớn nhưng với trên 800 DN, 1 triệu lao động, ngành da giầy đã mang lại công việc cho một số lượng lớn lao động phổ thông, trong đó số lao động nữ chiếm tới 85%.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam nằm trong top 4 nước sản xuất giầy dép lớn nhất thế giới về số lượng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá, sau Trung Quốc và Italia. Sản phẩm giầy dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước, tại Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, giầy dép Việt Nam tiếp tục tăng thị phần và đứng vị trí thứ hai sau Trung Quốc. Sản phẩm túi xách có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh, hiện đã có mặt tại trên 40 nước.

Còn theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2015 tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 5,84 tỷ USD tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 9,18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó xuất khẩu giày dép đạt 4,6 tỷ USD, tăng 19,5% và túi xách các loại đạt 1,21 tỷ USD, tăng 18,2%.

Căn cứ năng lực xuất khẩu hàng tháng, ước tính 6 tháng đầu năm 2015 toàn ngành xuất khẩu đạt trên 7,1 tỷ USD tăng 18%, trong đó giầy dép ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 16% và túi xách các loại đạt 1,45 tỷ USD tăng 27%.

P.V: Không chỉ có tiềm lực, ngành cũng đứng trước nhiều cơ hội hợp tác tăng cường xuất khẩu khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực trong vòng 1-2 năm tới, thưa bà?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã và đang được Chính phủ tích cực đàm phán với các nước sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành. Trong đó, nổi bật vẫn là Hiệp định với Khối 12 nước Châu Á Thái bình dương (gọi tắt là TPP), với Liên minh Châu Âu (gọi tắt là FTAEV), với Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, với các Hiệp định của Khối ASEAN sẽ có hiệu lực trong 2015…

Khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định TPP thì lợi thế trước tiên là xóa bỏ mức thuế hiện tại từ 3,5 - 57,4% để hưởng ưu đãi các dòng sản phẩm da giày về mức 0%, từ đó giúp DN ngành da giày tăng trưởng xuất khẩu. Đây không chỉ được coi là cú huých mà còn là là cơ hội "vàng" cho ngành da giày phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Hiện khối ASEAN đã có Hiệp định FTA riêng với từng nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand. ASEAN cũng đang đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chung giữa ASEAN với cả 6 nước nói trên (ASEAN+6), hình thành một khu vực FTA lớn gồm 16 nước với dân số hơn 3 tỷ người. Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Đông Á, Ấn Độ và Australia.

Đặc biệt, ngày 5/5/2015 vừa qua, Việt Nam đã ký Hiệp định FTA với Hàn Quốc và ngày 29/5/2015 đã ký Hiệp định FTA với Khu vực kinh tế Á- Âu (Liên minh Hải quan), hiện Chính phủ các nước đang thực hiện thủ tục phê chuẩn để các hiệp định này sớm có hiệu lực. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam cũng đã có các cuộc đàm phán để hoàn tất FTA Việt Nam – EU và Hiệp định TPP, dự kiến ký kết trong năm 2015.

Các FTA sẽ có hiệu lực trong 1-2 năm tới, nên năm 2015 chưa có tác động trực tiếp tăng kim ngạch xuất khẩu, nhưng đã tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài để sản xuất nguyên phụ liệu và sản phẩm xuất khẩu tại Việt Nam.

Từ 31/12/2015 các nước ASEAN sẽ hình thành cộng đồng kinh tế AEC, đưa ASEAN trở thành một thị trường quan trọng với trên 625 triệu dân. Tuy nhiên, xuất khẩu giày dép và túi xách của Việt Nam sang các nước ASEAN sẽ không tăng nhiều, do nhiều nước ASEAN cũng là đối thủ mạnh sản xuất và xuất khẩu giầy dép, túi xách. Trong khi đó, sức ép cạnh tranh tại thị trường trong nước sẽ tăng lên do các nước ASEAN tìm cách xuất khẩu giầy dép sang Việt Nam khi thuế nhập khẩu về 0%.

Tuy nhiên, thời gian tới, ngành Da Giày Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối đầu với nhiều thách thức vốn có trong nội tại của ngành và bản thân từng doanh nghiệp như vấn đề nguyên phụ liệu, nguồn nhân lực, công tác phát triển sản phẩm, quản trị DN…Bên cạnh đó, sẽ phải chuẩn bị đối phó với những thách thức mới, phát sinh từ yêu cầu của những Hiệp định nêu trên.

xuất khẩu da giày
N gành da giầy đã mang lại công việc cho một số lượng lớn lao động phổ thông, trong đó số lao động nữ chiếm tới 85%.

P.V: Có nhiều lợi thế xuất khẩu nhưng thực tế ngành da giày Việt Nam lại đang khá lận đận trong việc tìm hướng xuất khẩu, thưa bà?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Có nhiều nguyên nhân khiến cho ngành da giầy Việt Nam vẫn còn lận đận trong việc tìm hướng xuất khẩu chủ yếu là gia công xuất khẩu, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu (NPL) do nước ngoài chỉ định, năng lực thiết kế mẫu mã còn yếu, thiếu đồng bộ trong phát triển sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu. Một số loại nguyên phụ liệu chưa có hoặc có rất ít cơ sở sản xuất: giả da, vải không dệt, vải kỹ thuật, cactoong (texon làm đế trong), vật liệu làm pho, phụ liệu, phụ kiện (bằng kim loại, chất dẻo), keo dán và hóa chất. Các loại này hiện nay cung cấp dưới 20%.

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm (nguyên phụ liệu) của một số doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu (các chỉ tiêu cơ lý, thẩm mỹ như độ đều màu, bền màu ..., các yêu cầu về an toàn sinh thái). Các doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nhưng chưa đáp ứng được tiến độ giao hàng (do sự thay đổi mẫu mã nhanh chóng và thời gian cung cấp ngắn).

Ngoài ra, trình độ công nghệ, nhân lực cho ngành da giầy ở Việt Nam còn nhiều hạn chế nên sản xuất nguyên phụ liệu sẽ gặp khó khăn, đặc biệt hiện nay công nghệ sản xuất nguyên phụ liệu đã ở mức rất cao. Đặc biệt, Việt Nam chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất nguyên vật liệu ngành da giầy: da nguyên liệu, xơ bông, xơ nhân tạo, hóa chất ...

P.V: Hội nghị xúc tiến xuất khẩu ngành da giày tiếp tục được tổ chức lần thứ 3 nhằm thảo luận những giải pháp tháo gỡ khó khăn nội tại, tìm hướng đi cho xuất khẩu da giày Việt Nam thưa bà?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Hội nghị là cơ hội để Hiệp hội và Ngành Da - Giầy - Túi xách Việt Nam quảng bá hình ảnh, sự lớn mạnh của Ngành trong những năm qua, sẽ nâng cao uy tín, vị thế và ảnh hưởng của Ngành và Hiệp hội trong Khu vực Châu Á và trên thế giới. Đồng thời là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, giao lưu, tiếp thu sự chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tiếp xúc với các nhà nhập khẩu, các bạn hàng và đồng nghiệp trên thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác xuất khẩu, giới thiệu năng lực và khả năng của doanh nghiệp.

Tại hội nghị, hơn 200 doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu giày, nguyên phụ liệu tại Việt Nam và nước ngoài sẽ cùng nhau thảo luận một số nội dung hội thảo như: Tiềm năng xuất khẩu của ngành Da - Giầy - Túi xách Việt Nam, đánh giá nhu cầu thị trường, những thuận lợi khó khăn, cơ hội thách thức trong xuất khẩu ; Các rào cản trong thương mại quốc tế liên quan tới sản phẩm xuất khẩu của toàn ngành… ; Nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu của ngành Da - Giầy - Túi xách Việt Nam trong giai đoạn tới (Đến năm 2020).

Chúng tôi kỳ vọng, Hội nghị sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho các DN trong và ngoài và toàn ngành nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, thu hút đầu tư mở rộng sản xuất, tăng đơn hàng và phát triển xuất khẩu. Thông qua Hội nghị thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác và mở rộng xuất khẩu, chia sẻ thông tin về thuận lợi, khó khăn, cơ hội thách thức đối với mỗi nước trong khu vực và trên thế giới để có các giải pháp thích hợp, tranh thủ các cơ hội khai thác và mở rộng thị trường, lựa chọn chiến lược phát triển các sản phẩm.

Không chỉ vậy, Lefaso cũng mong muốn thông qua Hội nghị quảng bá hình ảnh ngành công nghiệp, giới thiệu tới các đại biểu từ các nước thành viên trong khu vực và trên thế giới tham dự Hội nghị và diễn đàn về tiềm năng xuất khẩu, uy tín của các doanh nghiệp, chất lượng các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam và khả năng đáp ứng những yêu cầu đa dạng phức tạp của các bạn hàng, các nhà nhập khẩu.

Lefaso đặt ra kỳ vọng là các DN của ngành sẽ hiểu rõ hơn những cơ hội thách thức cũng như thảo luận, đề ra được các giải pháp hiệu quả cho ngành và doanh nghiệp. Cũng qua Hội nghị này, Lefaso mong muốn có sự góp phần tích cực từ các nhà điều hành vĩ mô nhằm tạo điều kiện nhiều hơn nữa thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành Da giày Việt Nam trong thời kỳ mới.

P.V: Xin cảm ơn bà!


Thu Huyền (thực hiện)