Đón ‘‘sóng’’ đầu tư từ doanh nghiệp Nhật Bản

Chia sẻ tại một sự kiện liên quan đến ngành công nghiệp phụ trợ và các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vừa diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, ông Matsumoto - Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt là đối với ngành sản xuất, khi chuỗi cung ứng toàn cầu được xây dựng trước đây bị gián đoạn, dẫn đến hoạt động sản xuất bị đình trệ. Thực tế này cho thấy tầm quan trọng của việc cần phải xây dựng lại một chuỗi cung ứng ổn định và không phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia cố định. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam nhận được rất nhiều sự quan tâm từ DN Nhật Bản. Điều này được thể hiện rõ trong một khảo sát do JETRO thực hiện trong năm 2021 về tình hình thực tế của các DN Nhật Bản đã đầu tư ra nước ngoài.

Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 55,3% trong tổng số DN đã trả lời “sẽ mở rộng” và phát triển kinh doanh tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1 - 2 năm tới. Đây là tỷ lệ cao nhất trong quy mô khu vực Đông Nam Á. Còn nếu xét ở quy mô toàn khu vực châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau Ấn Độ,

Bangladesh và Pakistan. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, chỉ có 2,2% DN trả lời là “sẽ thu hẹp” hoạt động phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Tỷ lệ này là thấp nhất khu vực Đông Nam Á, trong khi nếu xét trên quy mô toàn châu Á thì chỉ thấp sau Pakistan.

Nhà máy sản xuất điều hòa của thương hiệu Nhật Bản tại Việt Nam.
Nhà máy sản xuất điều hòa của thương hiệu Nhật Bản tại Việt Nam.

‘‘Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản từ năm 2021 đã thực hiện chính sách viện trợ DN Nhật Bản trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại nước ngoài. Qua 5 đợt tuyển chọn dự án viện trợ, nếu tính số lượng dự án theo từng quốc gia thì trong 103 dự án được chọn, Việt Nam chiếm số lượng nhiều nhất với 41 dự án. Điều này đã thể hiện được mức độ quan tâm của DN Nhật Bản đến Việt Nam cao thế nào’’ - ông Matsumoto nói.

Theo khuyến nghị của ông Matsumoto, để tận dụng cơ hội đầu tư và mở rộng nhà máy tại Việt Nam của các DN Nhật Bản cũng như của các tập đoàn quốc tế, tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, DN sản xuất Việt Nam cần nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng việc cập nhật máy móc, công nghệ mới, tăng năng suất, giảm tiêu hao, nâng cao trình độ nhân lực, cũng như liên kết hợp tác tốt hơn theo chuỗi.

Dựa trên nhu cầu của các công ty Nhật Bản, JETRO sẽ tổ chức buổi triển lãm về ngành công nghiệp phụ trợ, vào tháng 10/2022 tại TP. Hồ Chí Minh. Khác với những triển lãm thông thường (các công ty thường trưng bày các sản phẩm của công ty mình), ở buổi triển lãm này, các công ty Nhật Bản sẽ triển lãm những linh kiện, nguyên vật liệu mà DN Nhật Bản có nhu cầu thu mua, hoặc ủy thác sản xuất tại Việt Nam. Mục đích nhằm tìm kiếm cơ hội kết nối với các công ty Việt Nam có khả năng sản xuất, cung ứng được những sản phẩm đó.

Theo dự kiến, sẽ có khoảng 20 công ty Nhật Bản và khoảng 25 công ty Việt Nam tham gia triển lãm. Ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn khu vực để các DN có thể tận dụng hội trường thực hiện việc kết nối giao thương.

Nhanh chóng số hóa, tối ưu hóa quy trình sản xuất

Theo ông Nguyễn Văn Đức - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cơ khí công nghệ cao SIBA (SIBA Group), DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tối ưu quy trình vận hành, áp dụng công nghệ hiện đại và hệ thống quản trị thông minh vào sản xuất. Có rất nhiều vấn đề cần thực hiện để đưa DN tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó có 2 vấn đề quan trọng mang yếu tố quyết định.

Thứ nhất, đó là đầu tư dây chuyền sản xuất và tối ưu quy trình vận hành để nâng cao chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của một DN. Sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu của thị trường, chinh phục sự hài lòng của khách hàng một cách tuyệt đối.

Chuyển đổi số giúp tăng hiệu quả kinh doanh

Việc xây dựng quy trình là yếu tố cốt lõi, là nền tảng cơ bản để doanh nghiệp vận hành thuận lợi, phát triển bền vững. Hiện nay, một trong những cách định hướng xây dựng quy trình một cách hiệu quả nhất là thực hiện giải pháp chuyển đổi số. Việc ứng dụng công nghệ số, tích hợp tất cả dữ liệu về chung một hệ thống giúp doanh nghiệp vận hành một cách thông minh, nâng cao năng lực sản xuất, từ đó gia tăng hiệu quả kinh doanh.

‘‘Khi đã có sản phẩm chất lượng, chúng ta tự tin quảng bá trên mọi nền tảng, tiếp cận đến thị trường mục tiêu, đủ cơ sở để khách hàng tin tưởng hợp tác. Dây chuyền sản xuất hiện đại cũng là yếu tố quan trọng thể hiện năng lực sản xuất của một DN, là điều kiện cần để DN đủ tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu’’ - ông Đức nhấn mạnh.

Vấn đề thứ 2, đó là khẩn trương thực hiện chuyển đổi số. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống con người, từ công việc cho đến di chuyển, ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe… Đại dịch Covid-19 vừa qua là hồi chuông cảnh báo DN cần quyết liệt hơn trong chuyển đổi số. Trong những tháng ngày cả thế giới thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta chỉ có thể kết nối bằng các nền tảng online: làm việc trực tuyến, họp trực tuyến, khai báo y tế... Hiện tại, khi đại dịch đã đi qua, chúng ta vẫn sử dụng công nghệ số mỗi ngày như: đặt xe di chuyển, đặt đồ ăn online, đặt lịch khám bệnh online, mua sắm online và ngay cả những thủ tục hành chính cũng đang dần được triển khai trên nền tảng online.

‘‘Với tư cách là một người tiêu dùng, chúng ta nhận thấy rõ công nghệ số giúp cuộc sống con người trở nên thuận tiện hơn. Khách hàng ưu tiên sử dụng sản phẩm/dịch vụ có triển khai trên các nền tảng số. Vậy nên để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, DN cũng cần phải triển khai thực hiện việc chuyển đổi số để gia tăng hiệu quả kinh doanh’’ - Tổng giám đốc SIBA Group Nguyễn Văn Đức nói.

Xúc tiến hợp tác, kết nối doanh nghiệp chuyên ngành cơ khí, chế tạo

Theo Ban Tổ chức Triển lãm quốc tế về máy công cụ và giải pháp gia công kim loại (METALEX Vietnam 2022), với chủ đề “Định hình nền sản xuất tương lai” sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 6 đến 8/10 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (quận 7, TP. Hồ Chí Minh). Triển lãm dự kiến quy tụ 250 thương hiệu đến từ 20 quốc gia, cùng 7 nhóm gian hàng quốc tế đến từ Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan. Tại triển lãm, các nhà gia công cơ khí của Việt Nam cũng có cơ hội gặp gỡ đại diện thương nhân nước ngoài để tìm hiểu cơ hội sản xuất hàng cơ khí xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ.

Ngoài hoạt động trưng bày giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới, triển lãm còn có các hội nghị, hội thảo chuyên ngành như: “Ứng dụng của sản xuất bồi đắp trong gia công cơ khí - in 3D kim loại”; chuyên đề đào tạo “Engineer Master Class” của Hội doanh nghiệp cơ khí - điện TP. Hồ Chí Minh; chung kết cuộc thi tay nghề thợ hàn; trình diễn công nghệ và các hoạt động kết nối giao thương… Triển lãm sẽ giúp khách tham dự có thêm những góc nhìn toàn diện định hướng sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, triển lãm cũng giúp thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ mới và tăng cường kết nối giao thương giữa các DN Nhật Bản và DN Việt Nam. Đây là yếu tố quan trọng để gia tăng sự cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ, mở ra những cơ hội mới cho các DN trong nước kết nối sâu rộng hơn ra thế giới.

Theo ông Vũ Trọng Tài - Trưởng Ban tổ chức triển lãm, với khoảng 250 thương hiệu đến từ 20 quốc gia, cùng 7 nhóm gian hàng quốc tế, Triển lãm quốc tế về máy công cụ và giải pháp gia công kim loại - METALEX Vietnam 2022 được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội hơn cho DN sản xuất trong nước tiếp cận công nghệ mới, hiện đại và tiên tiến.