PV: Một trong những yếu tố có thể gọi là "nút thắt" khiến việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) thời gian qua chậm trễ là định giá đất đai. Một số chuyên gia cho rằng, cần phải tách đất đai ra khỏi giá trị của DNNN khi CPH sẽ giúp gỡ nút thắt này. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Định giá đất cần theo cơ chế thị trường
TS. Nguyễn Quốc Việt

TS. Nguyễn Quốc Việt: Tôi cho rằng, điều này là không khách quan bởi đất và những giá trị gắn liền với đất là tài sản lớn nhất của một doanh nghiệp (DN) khi CPH. Ở đây, câu chuyện đặt ra là mục tiêu của CPH là gì? Mục tiêu là để chuyển đổi các DN đó sang hình thức có thể có sự tham gia một phần, hoặc thậm chí phần lớn của tư nhân, hoặc các nhà đầu tư nước ngoài, để các DN phát triển mạnh mẽ hơn, chứ không phải là giải thể DN đó, đặc biệt là những DNNN lớn có thương hiệu mà sản phẩm của họ còn cần thiết cho xã hội. CPH để duy trì được một cấu phần sản xuất trong nước, thay vì tất cả chúng ta phụ thuộc vào DN FDI. Làm sao duy trì được DN mới là vấn đề chứ không phải chúng ta bán đấu giá và hóa giá tài sản của Nhà nước.

Đất đai, nhà xưởng, hoặc trụ sở là những con số biết nói để nói lên tiềm lực của DN. Nếu như tách nó ra khỏi thương hiệu, tách ra khỏi vốn lưu động là không phù hợp với thông lệ quốc tế. Vấn đề tài sản không thể tách ra khỏi đánh giá về tiềm năng phát triển, đặc biệt là hiệu quả kinh doanh của DN. Nếu bỏ tài sản, đặc biệt tài sản quan trọng là tài sản cố định của họ thì rất khó để đánh giá được lợi nhuận, dòng vốn, dòng tiền của DN đó trong tương lai. Vấn đề tính đúng, tính đủ, tính làm sao để tất cả các bên đều cảm thấy thỏa mãn và tối ưu là điều quan trọng.

PV: Ông nghĩ thế nào về ý kiến cần phải phân giá trị quyền sử dụng đất của DN thành 2 nhóm. Trong đó nhóm một là nhóm có thể tính toán được ngay và đưa vào giá trị CPH DN; nhóm hai là những phần đã không tính được, hoặc sử dụng sai mục đích thì nên thu hồi để đưa ra những phương án đấu giá?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Sẽ rất khó nếu một DN có vấn đề sai phạm, vi phạm, trong đó có vi phạm về đất đai mà lại đưa ra CPH. Tôi cho rằng, mọi thứ phải rất minh bạch, khi đã CPH thì đó phải là một DN “sạch”, dù có kinh doanh thua lỗ hay ở trong tình trạng phá sản. Về cơ bản, DN đó phải được giải quyết hết tất cả các nghĩa vụ và làm rõ được các nghĩa vụ, kể cả nghĩa vụ về pháp lý lẫn nghĩa vụ về kinh tế. Khi đó, kể cả quá trình CPH diễn ra như thế nào, thực hiện thông qua các nhà đầu tư chiến lược hay tiến hành CPH, bán cổ phần ra công chúng thì tất cả những thông tin phải được rõ ràng và không thể có chuyện một DN có phần này sai phạm và chưa giải quyết được thì khoanh lại chờ giải quyết sau, còn phần đã minh bạch thì đem CPH, trừ khi đó là một DN, tổng công ty lớn, có cấu phần kinh doanh độc lập thì có thể bóc tách CPH từng DN trong tổng công ty đó. Nhưng mỗi một phần đã thông báo CPH, hoặc đưa vào đề án để xây dựng CPH thì cần phải sạch về mặt trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý và sạch cả về vấn đề tài sản và công bố về tình trạng sản xuất kinh doanh của DN.

Việc định giá đất của doanh nghiệp cổ phần hoá cần bám sát giá thị trường.
Việc định giá đất của doanh nghiệp cổ phần hoá cần bám sát giá thị trường.

PV: Vậy theo ông, cần gỡ nút thắt định giá đất như thế nào để có thể chuyển phần lợi tức địa tô từ tài sản đất đai của Nhà nước vào ngân sách nhà nước, tránh rơi vào túi của tư nhân, thưa ông?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Trước hết, cần phải thực hiện định giá đất theo cơ chế thị trường. Sử dụng các công cụ thị trường, có cơ chế để thực hiện định giá sát với giá thị trường, bất luận là tài sản nhà nước hay tài sản tư nhân cũng được dùng một cơ chế chung này. Nếu cơ chế đó giám sát được quá trình trục lợi thì tôi cho rằng, không có gì khó khăn trong việc kiểm soát tài sản của DNNN, không để tư nhân hay các nhóm lợi ích trục lợi.

Tiếp đó, phải xây dựng được một cơ chế công khai giá, xác định giá đấu thầu mua bán một cách công khai minh bạch, đảm bảo sự tiếp cận và tham gia của các bên có nhu cầu liên quan. Đồng thời, Nhà nước vẫn phải có sự giám sát và can thiệp để tránh các hành vi trục lợi. Vấn đề ở đây là phải qua sàn giao dịch, sử dụng giao dịch không tiền mặt, thậm chí, tất cả những giao dịch đó cần phải chứng minh được tính hợp lệ của tiền bỏ ra để đầu tư.

Trong trường hợp ưu tiên thì cần có cơ chế ưu tiên cho những đối tượng có lịch sử lâu dài gắn với mảnh đất đó, hoặc những người đã bị thu hồi, hoặc những DN ở địa phương có quyền ưu tiên mua. Bên cạnh đó, làm sao phải có những khung giá để tránh định giá đất cao quá, hoặc thấp quá, có cơ chế để so sánh được cùng một vị trí đất, thể loại đất, cùng một mục đích sử dụng đất làm sao không quá chênh lệch. Đó là cơ chế chung về định giá đất, không phải chỉ riêng loại hình DNNN thuộc CPH.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, trong đề án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phải tối ưu được câu chuyện định giá tài sản cố định, trong đó đất đai và những tài sản trên đất là câu chuyện rất quan trọng cần phải giải quyết bằng thể chế mới, bằng việc đưa cơ chế thị trường, các công cụ thị trường vào. Điều này sẽ vừa giải quyết được bài toán tránh trục lợi, những vướng mắc trước nay, cũng như tránh được tham nhũng chính sách trong việc thực hiện cơ chế cổ phần hóa.

Đồng thời, Nhà nước cần có cơ chế can thiệp nếu như tài sản đất đai của DNNN bị bán với giá thỏa thuận dưới giá thị trường. Nếu như cơ quan nhà nước thấy rằng, giá giao dịch đó thấp hơn so với giá sàn theo barem chung được đánh giá ở khu vực xung quanh với 1 mảnh đất có giá trị tương tự, thậm chí nhà nước có thể can thiệp bằng việc tham gia mua lại. Tức là sử dụng quyền ưu tiên mua của nhà nước nếu như nhà nước thấy cần phải can thiệp khi mảnh đất bị hạ giá xuống và dùng nó để xây dựng các cơ sở công cộng, hoặc thu hồi và bán lại, tránh tình trạng trục lợi, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Khi nhà nước muốn mua, thì DN không có quyền từ chối. Đó là kinh nghiệm mà trên thế giới đã có cơ chế để giải quyết, bởi vì hầu hết các nước đều có một phần đất dịch vụ xã hội dùng để xây các trụ sở dịch vụ công, hoặc cơ quan nhà nước công để phục vụ cho dịch vụ công cộng và công ích.

Nghị quyết 18 của nghị Trung ương V khóa XIII mới đây đã nhấn mạnh việc định giá đất theo thị trường. Tôi cho rằng, nếu như chúng ta làm được việc đó theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18, thì sẽ giải quyết được cơ bản bài toán nút thắt định giá đất trong CPH DNNN. Còn sau đó, việc tiền đó chuyển về cho ai quản lý, như ban quản lý vốn nhà nước, hay bộ chủ quản thì điều đó tùy thuộc vào từng cơ chế đã được phê duyệt theo từng đề án.

PV: Xin cảm ơn ông!

Không nên có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khi thực hiện cổ phần hóa

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, khi thực hiện cơ chế công khai minh bạch, dùng công cụ thị trường, theo cơ chế thị trường trong CPH DNNN, thì không nên có sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế, nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, khi muốn tham gia làm ăn đầu tư ở Việt Nam thì họ đã phải tuân thủ các quy định về đầu tư kinh doanh ở Việt Nam và Nhà nước phải bảo hộ cho quyền được tham gia đầu tư kinh doanh của họ theo pháp luật, trên cơ sở các hiệp định về mặt đầu tư, hoặc thương mại quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Nếu như nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến những hoạt động sản xuất kinh doanh đã có sẵn, những thương hiệu truyền thống của Việt Nam và có một chiến lược để duy trì thương hiệu, cũng như sản phẩm Việt, thì điều đó cần hoan nghênh và khuyến khích chứ không thể có sự phân biệt đối xử, định kiến trong việc ưu tiên người Việt hơn trong việc CPH.

Tuy nhiên, trong trường hợp nếu DN tư nhân Việt Nam có đủ lực, thì Nhà nước cũng cần có chính sách làm sao tạo điều kiện khuyến khích và tạo những cơ chế thuận lợi hơn để thúc đẩy các DN này tham gia mạnh mẽ hơn, sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như tham gia vào hoạt động sản xuất, mang lại những giá trị gia tăng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh và từ đó cạnh tranh một cách sòng phẳng với các DN FDI.