Cổ phiếu trụ đổi vai

VN30-Index kết phiên hôm nay chỉ tăng 0,54%, trong khi VN-Index tăng 1,01%. Diễn biến khác biệt này cho thấy, thứ nhất, các trụ của VN-Index tăng tốt hơn trụ của VN30-Index. Thứ hai, độ rộng khẳng định nhóm vốn hóa vừa và nhỏ mạnh, trong khi blue-chips giằng co.

Số cổ phiếu tăng giá trong nhóm VN30 hôm nay ít hơn số giảm, chỉ 10/13 mã. FPT giảm 2,01%, ACB giảm 1,03%, TPB giảm 2,42%, VJC giảm 1,8%, SSI giảm 1,72% là 5 cổ phiếu khiến VN30-Index mất nhiều điểm nhất. Ngược lại, số trụ giảm kéo VN-Index xuống là VCB giảm 0,79%, SAB giảm 2,42%, FPT, TPB, VJC.

Cổ phiếu lớn phân hóa, VN-Index tiếp tục đi lên
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Có thể thấy sự khác biệt về vai trò của cổ phiếu lớn là tương đối. Thậm chí ngay cả việc các trụ không giảm như VIC, VHM cũng đóng vai trò quan trọng, vì trong buổi sáng các mã này giảm thì nhóm ngân hàng nhiều mã tăng. Ngược lại, cổ phiếu ngân hàng suy yếu về chiều thì hai trụ nói trên phục hồi lại tham chiếu. GAS, MSN, VNM là những trụ tăng ổn định phiên này.

Hiện tượng phân hóa ở các blue-chips một phần nguyên nhân đến từ việc nhóm này có nhiều cổ phiếu tạo đáy trước chỉ số. Đơn cử như SSI tạo đáy hôm 13/5, tức là phiên này đúng T+3, ngay cả khi chốt lời giá thấp nhất hôm nay thì nhà đầu tư vẫn lãi trên 11%. Cả nhà đầu tư trong nước và ngoài nước cùng xả SSI, khiến cổ phiếu này ban đầu tăng 2,74% nhưng đóng cửa giảm 1,72%. HPG, VPB, ACB, MBB... cũng bị xả tương tự.

Tuy vậy mặt bằng giá cổ phiếu điều chỉnh giảm không nhiều phiên này. Rổ VN30 có 10 mã giảm trên 1%, ảnh hưởng tới diễn biến chung là không đáng kể. Độ rộng sàn HoSE cơ bản vẫn chiếm ưu thế ở bên tăng giá (272 mã/177 mã). Sự đổi vai kịp thời của các cổ phiếu vốn hóa lớn tạo điều kiện tốt cho các cổ phiếu còn lại giao dịch tích cực.

Thực vậy, nhóm cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu vừa và nhỏ mới là những mã tăng tốt nhất phiên này. Chỉ số VNMidcap tăng tới 2,03% và chỉ số VNSmall tăng 1,32%. Nhóm Midcap có DCM, DGW, VGC, VCI, DIG tăng kịch trần. Khoảng 70 cổ phiếu ở HoSE tăng trên 3% phiên này thì blue-chips VN30 chỉ đóng góp 4 cổ phiếu. Tuy vậy thanh khoản của Midcap và Smallcap là vấn đề, khi giảm nhẹ so với hôm qua, dù phiên này không đến nỗi mất thanh khoản.

Giảm sốc thì tăng mạnh?

Hai phiên tăng liền nhau, VN-Index lấy lại gần 69 điểm. Tuy vậy so với mức giảm 353 điểm từ đầu tháng 4 thì mức hồi còn quá nhỏ.

Điểm tốt là rất nhiều cổ phiếu gần như rơi tự do trong nhịp giảm vừa rồi, khiến mức định giá về cơ bản cũng xuống thấp. Do đó lực cầu bắt đáy khi mua được, sẽ có xu hướng chưa chốt lời ngay. Hôm nay một số cổ phiếu T3 giá rẻ nhất về tài khoản, nhưng mức giảm giá nhẹ và thanh khoản thấp.

Cho đến lúc này thì lý do vì sao thị trường lao dốc mạnh như những tuần qua vẫn còn không rõ ràng, vì mọi thứ xấu hầu như đã biết hết từ trước. Tuy nhiên điều đó không quan trọng, mà cổ phiếu giảm nhiều sẽ khiến lòng tham nổi lên. Khả năng bắt đáy và nắm giữ thường mạnh hơn ở các nhà đầu tư dài hạn. Ngược lại, các nhà đầu cơ lại chấp nhận mua giá cao và dứt khoát, vì thông thường cổ phiếu bất kể cơ bản hay đầu cơ, giảm quá mạnh thì cũng dễ tăng cực mạnh.

Nguyên nhân khiến các cổ phiếu đầu cơ hôm nay tăng mạnh hơn phần còn lại, là do nhà đầu cơ có xu hướng kiếm lời nhanh để bù lỗ. Một phần tiền sẽ giao dịch nhanh ở các mã không cần cơ bản tốt, nhưng độ nảy giá cao. Các giao dịch dạng này thường ngắn hạn, nhưng bù lại sức mạnh giá sẽ lớn. Các cổ phiếu blue-chips chỉ làm nền và giữ nhịp chung cho chỉ số.

Tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết hôm nay giảm không đáng kể so với hôm qua, đạt gần 14.658 tỷ đồng, tuy nhiên giảm tới 28% so với phiên bắt đáy T3 trước đó. Cổ phiếu tăng giá khá nhiều trong 4 phiên vừa qua nên mức giảm thanh khoản tới 30% nếu tính theo khối lượng. Điều này nghĩa là một lượng lớn cổ phiếu vẫn đang được giữ lại, thay vì chốt lời ngay.

Cổ phiếu lớn phân hóa, VN-Index tiếp tục đi lên

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

12.968 đồng (-2%)

514,5 triệu (-5%)

1.690 tỷ đồng (+15%)

78 triệu (+11%)