Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) nêu khó khăn trong hoạt động vận tải xuất khẩu hàng hóa qua biên giới với Trung Quốc. Ông Quyền bày tỏ, doanh nghiệp mong muốn nhận được sự quan tâm của cơ quan hải quan trong quá trình thông quan hàng hóa, hạn chế ách tắc tại cửa khẩu, nhất là vào cao điểm mùa vụ, lễ, tết.

Cơ quan hải quan tạo thuận lợi tối đa thông quan cho hàng xuất khẩu
Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2022 do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức thu hút được sự quan tâm, tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các chuyên gia kinh tế có uy tín. Ảnh: Hải Anh

Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho hay, ông vừa có chuyến công tác tại cửa khẩu Lạng Sơn có sự tham gia của Ban 389 quốc gia và đại diện các bộ, ngành liên quan để khảo sát, tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cơ quan hải quan tạo thuận lợi tối đa thông quan cho hàng xuất khẩu
Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng trả lời ý kiến của doanh nghiệp. Ảnh: Hải Anh

"Đúng như doanh nghiệp phản ánh có thực trạng dịp lễ, tết, hay vào mùa vụ hàng nông sản bị ách tắc kéo dài. Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới, đặc biệt là mặt hàng nông sản"- ông Lưu Mạnh Tưởng nói.

Về nguyên nhân ách tắc hàng hóa, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho hay, khảo sát của cơ quan hải quan vừa qua cho thấy có 2 vấn đề:

Thứ nhất, ách tắc này là do Trung Quốc áp dụng nghiêm ngặt chính sách zero Covid nên toàn bộ phương thức xuất khẩu bị thay đổi.

Trước đây thực hiện xong thủ tục là xe hàng được đưa qua biên giới, nhưng bây giờ xong thủ tục phải đổi đầu xe, đổi lái xe đưa hàng sang Trung Quốc, lái xe Việt Nam thực hiện kéo móc không hàng hóa về Việt Nam. Như vậy, tại cửa khẩu Tân Thanh nhiều nhất chỉ thông quan được 200 xe/ngày, nhưng khi mùa vụ và dịp lễ, tết nhu xuất khẩu cầu lớn đã xảy ra ách tắc.

Lý do thứ hai, với việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện zero Covid nên buộc hàng hóa lên cửa khẩu phải vào bãi tập trung để xét nghiệm Covid-19, nên vào dịp cao điểm xe hàng sẽ phải nằm bãi từ 5-7 ngày, thậm chí 10 ngày.

Cơ quan hải quan cũng kiến nghị các hiệp hội quan tâm hơn đến việc nắm bắt thông tin hoạt động xuất khẩu hàng hoá tại cửa khẩu để điều tiết; khuyến nghị doanh nghiệp có kế hoạch xuất khẩu hàng hóa hợp lý để tránh ách tắc.

Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông Lưu Mạnh Tưởng, hiện nay, cơ quan hải quan đã áp dụng hệ thống thông quan tự động rất thuận tiện cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tại Lạng Sơn qua khảo sát có đến 80-90% tờ khai hải quan là luồng xanh nên doanh nghiệp được thông quan ngay hàng hóa.

Cùng với cơ quan hải quan trong việc nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thông quan hàng hóa, nhiều tỉnh, thành phố có cửa khẩu trong đó có Lạng Sơn đã áp dụng cửa khẩu số để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo đó, chính quyền Lạng Sơn yêu cầu các ban, ngành phải thực hiện, giải quyết thủ tục vận tải trên hệ thống cửa khẩu số để thông quan cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, có những thời điểm mùa vụ, lễ, tết, doanh nghiệp đưa hàng lên nhiều vượt quá khả năng thông quan, nên xe hàng hóa phải nằm chờ gây khó khăn, thua lỗ, mất phí lưu kho, bãi.

"Về phía cơ quan chức năng và phía cơ quan hải quan, chúng tôi ưu tiên tuyệt đối cho hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là nông sản. Túc trực 24h/7 để kịp thời thông quan cho doanh nghiệp ngay khi cửa khẩu Trung Quốc đón hàng"- ông Lưu Mạnh Tưởng nhấn mạnh.

Theo ông Lưu Mạnh Tưởng, nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu cơ quan hải quan cũng đã làm việc với cơ quan chức năng Lạng Sơn để có thể cải tiến hơn đối với quy trình cửa khẩu số, rút ngắn thủ tục, thời gian thông quan hàng cho doanh nghiệp. Cơ quan chức năng đã thu xếp bãi tập kết cũng như đường giao thông được thuận lợi hơn và có thể bỏ trạm Dốc Quýt, để bớt một chốt kiểm tra để tránh ách tắc. Đề nghị, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có sự phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan hải quan và cơ quan chức năng để có giải pháp giải quyết tổng thể.