Giới thiệu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thu nhập, tính toán các chỉ tiêu thống kê cũng như cơ sở pháp lý để biên soạn tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) và đánh giá lại quy mô GDP; từ đó nâng cao chất lượng thống kê và hội nhập quốc tế.

Theo đó, Luật bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP, chỉ tiêu GRDP tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương định kỳ 5 năm, rà soát quy mô GDP báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô GDP.

Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định thẩm quyền công bố thông tin thống kê của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Luật thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia kèm theo Luật Thống kê 2015; gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Công bố lệnh của Chủ tịch nước về 2 luật vừa được thông qua
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì họp báo

Giới thiệu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết quan điểm xây dựng Luật là bảo đảm thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP đối với Việt Nam, giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Luật bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã (tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn, đồn công an); bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án…

Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Trường hợp công an xã, phường, thị trấn, đồn công an phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt lên cơ quan công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Đồng thời, để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, tránh lạm dụng, tạo thuận lợi cho việc hợp nhất Luật và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật cũng quy định giao cho Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết việc tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Trên cơ sở đó, các cơ quan tố tụng sẽ phải cân nhắc, xem xét thận trọng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2021.