Doanh thu 6 tháng đạt 75% kế hoạch

Mới đây tại Đồng Hới (Quảng Bình), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã tổ chức Hội nghị đánh giá, quán triệt và tạo động lực công tác năm 2022. Hội nghị được tổ chức nhằm nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, toàn diện, thực chất kết quả thực hiện các nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm; dự báo xu thế, tình hình thị trường để định hướng hoạt động trong 6 tháng cuối năm và các năm tiếp theo. Đồng thời, quán triệt một số quan điểm, nguyên tắc trong công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động của DATC và việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ công tác đối với cán bộ công nhân viên trong toàn công ty.

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện công tác 6 tháng đầu năm được trình bày tại Hội nghị cho thấy, DATC triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc, cùng sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể người lao động, DATC đã chủ động bám sát tình hình thực tế để có những giải pháp và quyết định phù hợp, mang lại kết quả tốt nhất.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Yến
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Yến

Kết quả là, tổng doanh thu 6 tháng ước thực hiện trên 1.242 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế ước thực hiện gần 200 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch năm. Nộp ngân sách nhà nước ước thực hiện gần 100 tỷ đồng, đạt 42% kế hoạch. Năm 2022, bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, DATC đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 320 tỷ đồng, bằng 143% số thực hiện năm 2021.

Bên cạnh đó, công ty đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan tới tái cơ cấu nợ của Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC); tiếp tục triển khai phương án xử lý nợ tại Vinalines và các đơn vị thành viên theo Nghị quyết 107/NQ-CP ngày 10/10/2017 của Chính phủ về một số biện pháp tái cơ cấu tài chính của Vinalines giai đoạn 2016 - 2021; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu Công ty cổ phần Thực phẩm Miền Bắc thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam theo Nghị quyết đã phê duyệt. Qua đó đã góp phần nâng cao năng lực tài chính, từng bước phục hồi hoạt động của các đơn vị để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu theo đề án được Chính phủ phê duyệt gắn với việc thu hồi các khoản nợ của Chính phủ. Bám sát các nhiệm vụ chính trị được giao, DATC đã chủ động, tích cực, kịp thời báo cáo, kiến nghị giải pháp xử lý đối với các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

“Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường”

Trong 6 tháng đầu năm, DATC đã thực hiện 8 phương án mua, xử lý nợ mới, trong đó có nhiều phương án có giá trị khoản nợ lớn, doanh số mua nợ cao. DATC đã ký hợp đồng mua và xử lý 2.045 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. Doanh thu từ hoạt động mua bán xử lý nợ và tài sản ước đạt 1.114 tỷ đồng. Cũng trong 6 tháng đầu năm, công ty đã phân giao 110 khoản nợ nhận từ các ngân hàng tới các đơn vị nghiệp vụ thuộc công ty để các đơn vị triển khai khảo sát, nghiên cứu xây dựng phương án xử lý nợ.

Kế hoạch lợi nhuận năm 2022 bằng 146% thực hiện năm 2021

6 tháng cuối năm, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam đặt mục tiêu tổng doanh thu ước đạt 410 tỷ đồng, cả năm 2022 ước đạt 1.650 tỷ đồng đạt 100% kế hoạch năm 2022 và bằng 108% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận trước thuế ước 6 tháng cuối năm đạt 146 tỷ đồng, cả năm 2022 ước đạt 320 tỷ đồng, đạt 100% so với kế hoạch năm 2022 và bằng 146% so với ước thực hiện năm 2021. Nộp ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm ước đạt 132 tỷ đồng, cả năm 2022 ước nộp 228 tỷ đồng, bằng 144% so với thực hiện 2021.

Với tinh thần nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng thực tiễn công tác, tại hội nghị các đại biểu đã tập trung nghiên cứu thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc. Đồng thời, nhận định, phân tích, bám sát thực tiễn, những thời cơ, thuận lợi, khó khăn đặt ra đối với công tác mua bán, xử lý nợ. Từ đó kiến nghị, đề xuất giải pháp thích ứng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2022 và tạo đà cho những năm tiếp theo.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Phạm Mạnh Thường nhấn mạnh, để hướng tới quy mô hoạt động phát triển hơn nữa trong thị trường mang tính cạnh tranh cao hiện nay, DATC cần phát huy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, sự đồng lòng, quyết tâm cao, dám nghĩ dám làm, không sợ việc khó, dấn thân làm việc bằng nghị lực và tư duy tích cực với tinh thần tôn trọng sự khác biệt để cống hiến vì nhiệm vụ chung của tập thể Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên.

Để đưa con thuyền DATC trở thành một định chế tài chính quan trọng trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, con người DATC không chỉ dừng ở việc học hỏi các kiến thức chuyên môn, tiếp thu tri thức mới, cách làm mới, mà phải cố gắng, quyết tâm, kiên nhẫn vượt qua khó khăn, không ngại thử sức với những việc chưa từng làm, không ngừng dấn thân để chiến thắng thử thách. “Ở đâu có ý chí, ở đâu có dấn thân, ở đó có con đường!” - Tổng Giám đốc Phạm Mạnh Thường khẳng định.

Xây dựng văn hóa dấn thân thành sức mạnh của doanh nghiệp

Tinh thần dấn thân trong công việc sẽ được DATC xây dựng thành một giá trị cốt lõi trong nét văn hóa doanh nghiệp, đưa văn hóa dấn thân trở thành sức mạnh nội lực để phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh trên thị trường.

Đây là thông điệp của Tổng Giám đốc DATC Phạm Mạnh Thường chia sẻ tại Chương trình Đối thoại 2022 với chủ đề “DATC với văn hóa dấn thân” được tổ chức mới đây nhân dịp kỷ niệm 19 năm hình thành và phát triển công ty (5/6/2003 - 5/6/2022).

Trải qua 19 năm hình thành và phát triển, DATC đã gặt hái được nhiều thành quả tích cực, được Đảng, Nhà nước cùng cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận vai trò và đóng góp trong công tác xử lý nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp nhờ những nỗ lực, cống hiến và sự dấn thân của các thế hệ lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ nhân viên trong công ty.

Theo Tổng giám đốc Phạm Mạnh Thường, thành quả ấy có bị lãng quên, hay được tiếp tục phát huy, kế thừa phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm của thế hệ DATC hiện tại. Trách nhiệm đó không thể thành hiện thực nếu chỉ bước đi bằng lối mòn, kinh nghiệm và cách làm có sẵn. Ngược lại, nó được bắt đầu bằng việc phải luôn nghĩ khác, sáng tạo hơn, thoát ra khỏi những khuôn mẫu cũ với sự tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong tâm thế và hành trang mới.

Dấn thân trong công việc là một phần vốn có tại DATC. Thực tế, nhiều phương án xử lý nợ gặp khó khăn do tính chất phức tạp của khoản nợ, của tài sản đảm bảo hay thủ tục bán nợ nhưng nhờ tinh thần cầu thị học tập, đổi mới cách làm, chấp nhận rủi ro và không sợ việc khó, DATC vẫn đàm phán thành công để xử lý các giao dịch giá trị hàng trăm tỷ hay cả nghìn tỷ đồng tại các ngân hàng trong nước và nước ngoài.

Trên tinh thần dấn thân trong công việc ấy, DATC xây dựng thành một giá trị cốt lõi trong nét văn hóa doanh nghiệp, đưa văn hóa dấn thân trở thành sức mạnh từ bên trong tập thể, bên trong mỗi cá nhân. Qua đó định hướng, khích lệ cán bộ nhân viên đặt niềm tin vào tiềm lực không giới hạn của bản thân để học hỏi, sáng tạo, vượt ra khỏi vỏ bọc an toàn của chính mình, đương đầu với thử thách bằng nghị lực và tư duy tích cực.

Như Tổng Giám đốc Phạm Mạnh Thường đã chia sẻ trong buổi đối thoại: “Dấn thân là sự đẩy mình có chủ đích trong công việc. Chỉ có dấn thân mới có thể hòa nhập vào thời kỳ phát triển mới với sự cạnh tranh không ngừng trên thị trường, cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số. Nếu không thay đổi cách nghĩ, cách làm, không chủ động dấn thân tạo giá trị, thì dù cá nhân hay tổ chức có to lớn đến đâu cũng có thể “biến mất” khỏi thị trường”.