bo tai chinh cu ba

Chính quyền TP. Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm quản lý ngân sách nhà nước với đoàn công tác Bộ Tài Chính - Vật giá Cuba. Ảnh Đỗ Doãn

Tại buổi làm việc này, sau khi nghe ông Nguyễn Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Tài chính Vật giá TP. Hồ Chí Minh trình bày về việc quản lý ngân sách tại TP. Hồ Chí Minh, về tình hình thu chi ngân sách thành phố trong năm 2015; nghe ông Tất Thành Cang nêu một số đặc thù của ngân sách TP. Hồ Chí Minh trong phân cấp quản lý ngân sách và phương thức huy động nguồn vốn cho các công trình xã hội…, bà Lina Olinda Pedraza Rodriguez cho biết rất ấn tượng về những kết quả mà TP. Hồ Chí Minh đạt được.

Theo bà Bộ trưởng Tài chính - Vật giá Cuba, do đất nước Cuba đang có những thay đổi lớn về chính trị, kinh tế…, nên những vấn đề trên đối với bà đều rất quan trọng. Việc TP. Hồ Chí Minh có mức vay nợ cao cho đầu tư phát triển cũng khiến bà ngạc nhiên bởi chính quyền Cuba hiện vẫn chưa cho bất kỳ cấp ngân sách địa phương nào thực hiện cơ chế này.

“Tại Cuba, tất cả các khoản vay đều do chính quyền Trung ương vay và chịu trách nhiệm trả nợ, sau đó phân bổ lại cho ngân sách địa phương. Chính phủ Việt Nam đang thực hiện một cơ chế rất đúng. Chính vì thế, chúng tôi đang nghiên cứu để thay đổi trong phân cấp quản lý ngân sách. Tôi cũng sẽ tìm hiểu và nghiên cứu thêm về cơ chế đặc thù của quản lý ngân sách nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh để có thể áp dụng”, bà Lina Olinda Pedraza Rodriguez nói.

Đối với việc tận dụng các nguồn vốn xã hội để đầu tư vào các công trình hạ tầng, giao thông, bà Bộ trưởng Tài chính - Vật giá Cuba nêu thắc mắc là cơ chế nào cho phép đầu tư vào hạ tầng giao thông, công trình xã hội, vùng xâu và cách thu hồi vốn bởi tại Cuba, những công trình này đều được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước.

Chia sẻ vấn đề này, ông Tất Thành Cang nêu 3 phương thức huy động vốn cho đầu tư hạ tầng mà TP. Hồ Chí Minh đang áp dụng.

Thứ nhất là đầu tư hoàn toàn từ vốn ngân sách và tùy công trình mà thành phố bỏ vốn ra để làm. Cụ thể, những công trình có quy mô lớn thì vay của các tổ chức nước ngoài và ngân sách sẽ trả lại sau (kênh Lò gốm Tân hóa vay của WB; tuyến metro số 1, metro số 2 vay vốn của ADB và ngân hàng tái thiết của Đức…). Công trình có quy mô vừa thì bỏ vốn ngân sách ra đầu tư, hoặc để DN bỏ tiền ra làm trước và ngân sách trả lại sau.

“Thứ hai là nhà nước và người dân cùng đầu tư (những công trình nhỏ) và phương thức thứ ba là DN bỏ tiền ra đầu tư, sau đó cho họ kinh doanh thu tiền để thu hồi vốn đầu tư”, ông Cang nói.

Bên cạnh 3 phương thức huy động vốn cho các công trình hạ tầng giao thông, ông Cang cũng giới thiệu với bà Lina Olinda Pedraza Rodriguez cơ chế đầu tư kinh doanh vốn nhà nước của TP. Hồ Chí Minh, cổ phần hóa các DN nhà nước để có nguồn vốn tích lũy cho đầu tư, phương thức huy động các nguồn tiền cho đầu tư các công trình công ích, công trình xã hội, cách thức hỗ trợ các DN tham gia…

“Là địa phương luôn hoàn thành và vượt kế hoạch nhiệm vụ ngân sách được trung ương giao hàng năm, TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng tạo mọi điều kiện trong việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành ngân sách với đoàn công tác của Bộ Tài chính - Vật giá Cuba”, ông Cang khẳng định./.

Đỗ Doãn