Đa dạng hóa thị trường, lấy lại đà cho xuất khẩu
Xuất khẩu tôm năm nay có thể đạt trên 3 tỷ USD, về bằng mức trước dịch Covid-19. Ảnh: TL

Xuất khẩu nông sản nhiều tín hiệu tích cực

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, với các biện pháp tích cực và đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nên hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 7/2023 đã có những tín hiệu tích cực.

Tính chung 7 tháng năm 2023, do những khó khăn chung của thị trường thế giới từ đầu năm nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 374,23 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điểm sáng trong bức tranh thương mại của cả nước là cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 16,5 tỷ USD, tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đa dạng hóa thị trường, lấy lại đà cho xuất khẩu

"Việc khai thác các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang có sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp, bởi số lượng hiệp định hiện nay đã bao trùm hầu khắp các thị trường lớn và vẫn còn dư địa tăng trưởng rất tốt".

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương

Trong tháng 7/2023, kim ngạch hàng hóa ước đạt 57,21 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước. Trong đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có những tín hiệu tích cực, khi tăng 0,8% so với tháng trước, ước đạt 29,68 tỷ USD, là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ hai kể từ tháng 11/2022 đến nay (chỉ thấp hơn kim ngạch xuất khẩu của tháng 3/2023, đạt 29,71 tỷ USD).

Đồng thuận với quan điểm nêu trên, trao đổi với phóng viên TBTCVN chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, hoạt động thương mại, xuất khẩu hàng hóa của nước ta bắt đầu khởi sắc. Xuất siêu là điểm sáng đáng ghi nhận trong bức tranh kinh tế từ đầu năm đến nay; qua đó giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế và ổn định tỷ giá.

Bình luận về hoạt động xuất khẩu hàng hóa hiện nay, ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng ghi nhận tín hiệu tích cực của mặt hàng nông sản.

Theo ông Nguyễn Việt Phong, từ đầu năm đến nay, Việt Nam có 4 nhóm hàng nông sản xuất khẩu đạt giá trị cao, tới hơn 10,5 tỷ USD và tăng trưởng tới gần 27% so với cùng kỳ. Đó là rau quả, hạt điều, cà phê và đặc biệt là gạo. Ở các nhóm hàng này, Việt Nam hầu hết đã chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước mà không cần nhập khẩu nên đã đóng góp đáng kể vào con số xuất siêu trong 7 tháng qua.

Những nhóm hàng xuất khẩu có thể tự chủ được nguồn nguyên liệu trong nước thì rõ ràng đây là điểm lợi thế trong tương lai mà chúng ta có thể nắm vững và phát triển trong thời gian tới, để làm sao xuất khẩu được nhiều, nhập khẩu ít, từ đó sẽ dẫn tới xuất siêu tốt hơn và thực chất hơn.

Tiếp tục tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại

Đề cập đến tình hình hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm 2023, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng còn nhiều khó khăn thách thức nhưng nhìn vào thực tế có nhiều điểm đáng mừng, tin tưởng cho sự tăng trưởng thương mại.

Điểm đáng mừng là khoảng 3 tháng trở lại đây, cả xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đều có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Đặc biệt, nhập khẩu hàng hóa cần thiết cho sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhu cầu nhập khẩu, trong khi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng, hàng xa xỉ giảm mạnh. Đây là tín hiệu cho thấy sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có thể khởi sắc hơn trong nửa cuối năm nay.

Sau thời gian đối diện với tình hình ảm đạm, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam đang dần hồi phục với lượng đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu tăng trở lại. Bên cạnh đó, các hợp đồng với giá trị lớn cũng được ký kết, chủ yếu từ các nhà nhập khẩu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trước tín hiệu tích cực từ thị trường, khả năng cung ứng ổn định của doanh nghiệp, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, tuy không đạt kim ngạch như năm trước, nhưng xuất khẩu tôm năm nay có thể đạt trên 3 tỷ USD, về bằng mức trước dịch Covid-19.

Đánh giá về thị trường xuất khẩu hiện nay, ông Trần Thanh Hải cho rằng, với các FTA (hiệp định thương mại tự do) mà Việt Nam đang có thì việc khai thác các FTA sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Bởi số lượng FTA hiện nay đã bao trùm hầu khắp các thị trường lớn và vẫn còn dư địa tăng trưởng rất tốt.

Để phát triển thị trường xuất khẩu, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định với Israel, ký kết các FTA với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định.

Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2023, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới… Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.