Chi đầu tư công cơ bản dành cho phát triển kết cấu hạ tầng.
* PV: Báo cáo chi tiêu công Việt Nam vừa công bố cho thấy, thời gian qua chi thường xuyên tăng cao, cao hơn mức tăng thu. Đã có nhiều giải pháp đưa ra để giảm chi thường xuyên, cốt lõi là tinh giản, cơ cấu lại bộ máy của khu vực công. Song, đến nay vấn đề này vẫn chưa cải thiện được nhiều, ông nghĩ sao về điều này?
- TS. Võ Trí Thành: Đối với các quốc gia, bội chi ngân sách không có gì ghê gớm, nước nào cũng có thâm hụt ngân sách và vay nợ cho phát triển. Một trong những nguyên tắc vàng của ngân sách là tổng thu phải lớn hơn chi thường xuyên. Tức là, Chính phủ phải có tiết kiệm, phần tiết kiệm ấy để chi đầu tư phát triển. Điều này để đảm bảo rằng, có thể có bội chi ngân sách, nhưng ở mức không gây bất ổn vĩ mô, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ và an ninh tài chính quốc gia.
Người ta hay nói đến các con số (dù số liệu vẫn chỉ là tương đối), bội chi ngân sách chỉ từ 3% - 4% GDP. Trước đây, chúng ta đã từng đạt được con số này, nhưng thời gian gần đây, do áp lực đối với chi thường xuyên, chi cho an sinh xã hội, chi đầu tư lớn nên vẫn phải bội chi ngân sách lớn hơn.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, áp lực thu đang rất căng khi vẫn đảm bảo đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chi cho an sinh xã hội, thì quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới dẫn đến nhiều nguồn thu giảm, như thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.
|
Chi thường xuyên tăng do bộ máy cồng kềnh; do nhiều đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ về cơ chế tài chính; hay chi hỗ trợ cho an sinh xã hội lớn.
Bài toán này rất khó nhưng không phải không giải được. Việc cắt giảm bộ máy biên chế cồng kềnh phải đi vào thực chất và hiệu quả.
Hội nghị Trung ương 6 hiện đang họp bàn xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, trong đó sẽ bàn đến việc đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đây là minh chứng rõ nhất thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong thực hiện tinh giảm bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động.
* PV: Như ông vừa nói, cần thiết đổi mới cơ chế, đẩy nhanh tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đây là một trong những biện pháp để tiết giảm chi thường xuyên?
- TS. Võ Trí Thành: Đúng vậy, nhưng để thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công, vẫn phải dựa trên việc phân loại, gắn vai trò của cung ứng dịch vụ công. Điều ấy không có nghĩa là Nhà nước đứng ra thực hiện, mà phải gắn với câu chuyện xã hội hóa.
Cùng với đó là nâng cao trách nhiệm và xem xét khả năng cung ứng dịch vụ công của những đơn vị này, cũng như làm sao để quá trình chuyển đổi phải giảm tối đa phí tổn, song vẫn đảm bảo ổn định xã hội. Tức là phải có bước đi, lộ trình cụ thể chứ không thể ào ào được.
* PV: Một con số được dư luận chú ý vừa qua đó là, giai đoạn 2011 - 2015 chi đầu tư của địa phương chiếm khoảng 70% tổng chi đầu tư công. Ông đánh giá thế nào khi có ý kiến cho rằng, tỷ trọng đầu tư cao này có thể dẫn đến rủi ro như đầu tư dàn trải, giảm hiệu quả?
- TS. Võ Trí Thành: Những con số thống kê mặc dù quan trọng nhưng không hẳn nói lên tất cả. Chi đầu tư công cơ bản dành cho phát triển kết cấu hạ tầng. Nói đến chi đầu tư công phải đánh giá trên nhiều góc độ, như: Hiệu quả của dự án; sức lan tỏa và đánh giá tổng thể (ổn định kinh tế vĩ mô, nợ công…).
Do đó, tôi muốn nói rằng, mức chi cao hay thấp phải phụ thuộc vào hiệu quả của dự án và tính ưu tiên trong lựa chọn thực hiện. Con số cũng quan trọng, nhưng đánh giá hiệu quả của đầu tư mới là điều quan trọng nhất.
* PV: Tái cơ cấu chi tiêu công trong bối cảnh hiện nay gặp nhiều thách thức khi thu ngân sách dần hẹp lại, trong khi nguồn chi vẫn phải đảm bảo cho an sinh xã hội, đầu tư phát triển… Vậy, chúng ta phải thực hiện ra sao để hướng tới đảm bảo an toàn, bền vững tài khóa quốc gia, thưa ông?
- TS. Võ Trí Thành: Có thể nói, thời điểm này cần cải tổ tổng thể về chi tiêu công, trong đó có chi thường xuyên, chi đầu tư và quản lý nợ công. Đối với chi thường xuyên phải thực hiện cải tổ bộ máy, giảm chi tiêu công.
Chi đầu tư, chúng ta phải gắn vai trò, chức năng đầu tư công của Nhà nước có sự tham gia của tư nhân; trong đó quan trọng nhất là tính đến nguồn lực và hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục siết lại chi tiêu, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính.
* PV: Chi tiêu công không phải “muốn làm gì thì làm”, đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện các khuyến nghị trong Báo cáo chi tiêu công Việt Nam vừa phát hành và 6 tháng phải báo cáo về Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng. Ông nghĩ gì về điều này?
- TS. Võ Trí Thành: Tôi rất đồng tình. Bởi vì, đây chính là biện pháp để thực hiện có hiệu quả đối với các quyết sách. Như vậy nghĩa là có làm, có minh bạch, giám sát và thực hiện trách nhiệm giải trình.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Minh Anh (thực hiện)