Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCO.

*PV: Thưa ông, ngày 20/4 hàng năm chính thức được chọn là “Ngày Thương hiệu Việt Nam”. Xin ông cho biết, ý nghĩa của ngày này và những tác động tới cộng đồng DN trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu hiện nay?

- Ông Vũ Bá Phú: Từ năm 2008, ngày 20/4 hàng năm trở thành ngày Thương hiệu Việt Nam, nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, năm 2018 đánh dấu 10 năm kỷ niệm ngày Thương hiệu Việt Nam và 15 năm Thủ tướng ra quyết định phê duyệt Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.

Vũ Bá Phú

Ông Vũ Bá Phú

Có thể thấy, qua 10 năm triển khai Thương hiệu Việt Nam, cộng đồng DN nước ta đã ngày càng ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu, coi thương hiệu như chìa khóa để giá tăng giá trị cho sản phẩm, sức cạnh tranh của sản phẩm cũng như giá trị của DN. Nhất là đối với DNNVV, từ việc không mặn mà với vấn đề xây dựng thương hiệu, đến nay, đa số DN này đã có chiến lược xây dựng thương hiệu cho mình.

Đây có thể nói là bước tiến bộ vượt bậc về ý thức cũng như sự chủ động tạo dựng giá trị cho bản thân của cộng đồng DN Việt. Từ đó có những bước đi đúng hướng trong việc xây dựng, phát triển và quản trị DN nhằm khẳng định vị trí của sản phẩm Việt, con người Việt trong thế giới hội nhập và hướng đến một nền xuất khẩu bền vững.

Nếu như năm 2008, chương trình này chỉ có 30 DN đạt THQG thì đến nay đã có 88 DN được vinh danh. Sự tăng đều của số lượng các DN có sản phẩm đạt THQG cho thấy nhận thức, năng lực cũng như mối quan tâm của DN về vấn đề phát triển và xây dựng thương hiệu ngày càng được cải thiện. DN từng bước tạo dựng thương hiệu cũng như khẳng định năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

*PV: Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, Chương trình THQG chỉ mới thực hiện được theo chiều rộng mà chưa có chiều sâu. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Ông Vũ Bá Phú: Bên cạnh những thành quả trên, cũng phải thừa nhận một thực tế, cho đến nay, vẫn có không ít DN chưa đánh giá đúng giá trị của thương hiệu và chưa chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển thương hiệu.

Theo kết quả một cuộc khảo sát của chúng tôi cho thấy, trong khoảng 500 DN được hỏi thì chỉ có 16% DN có bộ phận chuyên trách về marketing; 80% DN không có chức danh quản lý nhãn hiệu; đặc biệt, đa phần DN chưa có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn kinh doanh, thương hiệu.

Trong năm 2017, Forbes Việt Nam công bố danh sách 40 thương hiệu công ty có giá trị nhất tại Việt Nam, với tổng giá trị thương hiệu hơn 5,4 tỷ USD, tăng 20% so với danh sách công bố năm 2016. Trong số các doanh nghiệp này có tới hơn 50% là các doanh nghiệp đã đạt Thương hiệu Quốc gia như Vinamilk, Sabeco, Habeco, Thaco, Hòa Phát, BIDV, Vietcombank, Nhựa Bình Minh…

Bên cạnh đó, 90% DN có quy mô vừa và nhỏ, cơ bản còn thiếu năng lực phát triển thương hiệu và không coi đây là một công cụ kinh doanh đúng nghĩa. Chính điều này là rào cản rất lớn cản trở thương hiệu Việt Nam tìm chỗ đứng ngay trên thị trường nội địa, chứ chưa nói đến thị trường quốc tế, do đa số DN của nước ta có quy mô nhỏ nên đầu tư cho việc phát triển thương hiệu còn rất hạn hẹp.

*PV: Trước những bất cập đó, định hướng chiến lược sắp tới của Chương trình THQG là như thế nào, thưa ông?

- Ông Vũ Bá Phú: Chương trình THQG khởi động từ năm 2003 và những giá trị định vị cho đến thời điểm này không còn phù hợp, đã đến lúc phải thay đổi. Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng và kéo theo đó là sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt trong xu thế thương mại kiểu mới và chủ nghĩa bảo hộ thì thương hiệu ngày càng được khẳng định là tài sản quý giá của mỗi DN cũng như của mỗi quốc gia. Thương hiệu DN chính là một trong những yếu tố cấu thành và là nền tảng của THQG.

thuong hieu

Chương trình sẽ đồng hành cùng các DN chọn ra đại sứ thương hiệu có thể là một sản phẩm, DN... Ảnh: Tố Uyên

Dựa trên quan điểm đó, chiến lược xây dựng THQG thời gian tới sẽ có sự đồng hành chặt chẽ giữa Chính phủ, cụ thể là các bộ, ngành liên quan và DN. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong định hướng và dẫn dắt, bảo chứng cho các DN có sản phẩm chất lượng tốt, uy tín.

Sắp tới, chúng tôi có thể sẽ điều chỉnh bổ sung đối tượng tham gia, bởi hiện nay chương trình mới chỉ lựa chọn thương hiệu sản phẩm mà chưa có đối tượng là thương hiệu tập thể, nhất là thương hiệu gắn với vùng chỉ dẫn địa lý.

Cũng trong thời gian tới, Chương trình sẽ đồng hành cùng các DN chọn ra đại sứ thương hiệu có thể là một sản phẩm, DN, ngành công nghiệp để hỗ trợ sâu hơn nhằm định vị chắc chắn thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, Chương trình sẽ lựa chọn ngành hàng, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như thực phẩm, may mặc để xây dựng chiến lược cụ thể cho từng ngành. Kết hợp nhiều thương hiệu ngành tạo thành THQG dùng những đặc trưng riêng, xuyên suốt để tạo sự khác biệt.

Mặt khác sẽ tập trung vào công tác truyền thông về THQG, thông qua đó định hướng cho DN chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo không ngừng để nâng cao chất lượng sản phẩm và chủ động xây dựng, phát triển thương hiệu nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Đặc biệt, tuyền truyền đến mỗi công dân ủng hộ Chương trình Thương hiệu Quốc gia chính bằng cách ủng hộ hưởng ứng các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam; thực hiện hỗ trợ quảng bá tới cộng đồng những sản phẩm mang THQG để tăng cường sự nhận biết của xã hội đối với những sản phẩm này, qua đó giúp tăng thêm uy tín, niềm tự hào và sức hấp dẫn cho đất nước và con người Việt Nam, góp phần khuyến khích du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài.

*PV: Xin cảm ơn ông!

Tố Uyên