ông bùi sỹ lợi

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: TL.

PV: Ông đánh giá như thế nào về báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2011 - 2016 vừa được Đoàn giám sát báo cáo trước Quốc hội?

- Ông Bùi Sỹ Lợi: Trong 5 năm qua phải nói chúng ta đã có rất nhiều chủ trương, nghị quyết để cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Báo cáo giám sát do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra, tôi cho rằng đã phản ánh đầy đủ nhất về bức tranh tổ chức bộ máy hành chính của đất nước. Báo cáo đánh giá rất rõ thực trạng, nguyên nhân và đưa ra một số giải pháp.

Theo tôi, có hai điểm cần chú ý. Thứ nhất, tất cả các chủ trương của chúng ta đều có nghị quyết. Khi ban hành nghị quyết, thì tất cả các cơ quan ban ngành, từ Chính phủ, đến các bộ, ngành đều có chương trình hành động, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Thứ hai, mặc dù cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhưng bộ máy hành chính nhà nước của chúng ta vẫn cồng kềnh.

Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý, nhưng tính hiệu quả không cao. Trong báo cáo nói khá đầy đủ, nhưng với cá nhân tôi cho rằng, có mấy điểm có tính chất quyết định mà báo cáo chưa đề cập sâu sắc.

Thứ nhất, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức nhà nước từ trung ương đến địa phương là đưa ra các chủ trương, đường lối, chính sách (chúng ta đã quy định rất rõ trong các văn bản pháp luật, nhưng trong tổ chức thực hiện chúng ta không làm theo những quy định của pháp luật, cũng như của các văn bản đã ban hành); thứ hai là tổ chức triển khai thực hiện; thứ ba là thanh tra, kiểm tra xử lý.

Tôi cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những chức năng cơ bản, cốt lõi nhất của các đơn vị hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, nhưng rất ít thủ trưởng các cơ quan thực hiện chức năng này. Chính vì lẽ đó, chúng ta không đặt vấn đề quan trọng đối với công tác thanh tra, kiểm tra, cho nên chúng ta không kiểm tra, kiểm soát, nên không phát hiện và không điều chỉnh chính sách.

Nếu chúng ta thanh tra, kiểm tra, kiểm soát kịp thời, thì khi thấy bộ máy phình lên, chúng ta phải điều chỉnh ngay. Nhưng rõ ràng là chúng ta bỏ qua một công cụ hết sức quan trọng.

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này không. Để bộ máy không phình lên, thì phải tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức. Vậy chúng ta phải làm gì để nâng cao chất lượng cán bộ?

- Ông Bùi Sỹ Lợi: Chúng ta thấy rằng, chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước hiện nay không còn ý nghĩa trong việc khuyến khích người lao động phát huy hết công suất, hiệu quả, năng suất lao động; không có ý nghĩa đánh giá hiệu quả, năng lực của cán bộ. Đôi khi nâng lương lại không nâng cho người có chất lượng, làm việc hiệu quả, năng suất lao động cao, mà nâng cho người đủ thâm niên 3 năm.

Chúng ta đặt ra vị trí công tác, nhưng lại xuất phát từ tổ chức bộ máy cũ để sắp xếp, bố trí việc làm không đúng với chuyên môn của cán bộ.

Vị trí việc làm được xác định từ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, khối lượng công việc được nhà nước giao. Nhưng chúng ta lại dùng một lực lượng lao động cũ để sắp xếp lại, trên cơ sở dựa vào vị trí việc làm cho các cơ quan đặt ra, không có sự thẩm định xem cán bộ, công chức có phù hợp với vị trí công việc không. Do đó, khi các cơ quan sắp xếp cho các vị trí đó, thì biên chế lại tăng cao hơn so với biên chế hiện tại.

Vậy giải pháp để giải quyết vấn đề này là gì, trước hết là phải xác định các vị trí trong bộ máy, từ đó tuyển dụng, sắp xếp cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn phù hợp.

Ngoài ra, phải đảm bảo cho công chức, viên chức có mức lương đủ sống, vì tiền lương là đòn bẩy để thúc đẩy tăng năng suất lao động. Chúng ta trả lương là để thúc đẩy cho người lao động có động lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng thực tế hiện nay, chính sách tiền lương của chúng ta đang thực hiện theo bình quân chủ nghĩa, không tạo động lực cho người lao động cống hiến hết mình cho sự phát triển của đất nước.

PV: Theo ông, ngoài các việc sử dụng cán bộ đang có vấn đề như ông phân tích, thì yếu kém nhất trong bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay là gì và chúng ta cần khắc phục yếu kém đó như thế nào?

- Ông Bùi Sỹ Lợi: Yếu kém nhất của chúng ta hiện nay là chất lượng cán bộ, công chức. Khi chúng ta tuyển dụng, bố trí cán bộ đã không xuất phát từ yêu cầu của bộ máy hành chính nhà nước. Đào tạo ngành nghề gì, lĩnh vực gì, chuyên môn gì thì phải làm lĩnh vực và chuyên môn đó. “Nhân bất học bất tri lý”. Không có chuyện không học mà làm tốt được, nếu có thì chỉ là cá biệt. Tóm lại, dù có nói gì thì nói, phải học mới làm tốt được.

Để khắc phục vấn đề đó, chúng ta phải tạo ra động lực làm việc trong cơ quan, đơn vị để thúc đẩy, kích thích lẫn nhau, cạnh tranh lẫn nhau. Thi công chức, thi lãnh đạo là một trong những biện pháp để chọn người tài, người biết việc để đảm đương công việc. Hiện một số nơi, một số đơn vị đã tổ chức thi công chức, thi các vị trí lãnh đạo, nhưng đây mới là thí điểm, chưa phải làm đại trà.

Tôi cho rằng việc tuyển dụng phải thông qua thi tuyển. Thi tuyển là một trong những chỉ tiêu, yếu tố đánh giá đúng đắn nhất về con người. Chúng ta có thể khen người này, không khen người kia; hoặc nhận xét người này tốt, người kia chưa tốt, đó là yếu tố chủ quan. Còn cán bộ, công chức qua thi tuyển một cách công khai, minh bạch, đúng năng lực, trình độ, đúng chức danh, đúng chuyên môn đào tạo, thì chất lượng nguồn nhân lực sẽ đáp ứng được tiêu chí mà tổ chức đưa ra.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nhật Minh (ghi)