Du lịch ngoại thành: "mỏ vàng" bỏ ngỏ
Khách du lịch quốc tế tại làng gốm Bát Tràng. Ảnh: TL

Các huyện ngoại thành vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có

Hà Nội có 18 huyện, thị xã ở khu vực ngoại thành. Mỗi địa phương đều có những tiềm năng, lợi thế riêng cho khai thác du lịch như: làng gốm Bát Tràng; Chùa Hương; làng cổ Đường Lâm, Vườn Quốc gia Ba Vì... Ngoài ra, các huyện, thị xã của Hà Nội cũng có thế mạnh riêng để tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn. Về giá trị văn hóa, lịch sử, Hà Nội có những điểm đến tiêu biểu như: đền thờ Nguyễn Trãi (Thường Tín), làng cổ Cự Đà, Ước Lễ (Thanh Oai)... Các huyện ngoại thành còn có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), thêu Quất Động (Thường Tín), tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ (Phú Xuyên)...

Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, khách du lịch đến với vùng ngoại thành này chưa nhiều. Ngoại trừ khu vực vùng núi Ba Vì và thị xã Sơn Tây đã thu hút một lượng khách nhất định do nơi này hình thành nhiều khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, các địa phương còn lại thu hút lượng khách thấp.

Năm 2023, du lịch Hà Nội đã phục hồi mạnh mẽ, với nhiều kết quả vượt chỉ tiêu ban đầu. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt, tăng 27% so với năm 2022, tăng 9,1% so với kế hoạch. Trong số này, có 4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 266,7% so với năm 2022, tăng 33,3% so với kế hoạch, tương đương 57% kết quả năm 2019.

Mặc dù được xem là "mỏ vàng" của du lịch Thủ đô nhưng hiện các huyện ngoại thành vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Theo lý giải của Sở Du lịch Hà Nội, du lịch ngoại thành chưa tạo được mạng lưới mang tính hệ thống.

Các địa phương chưa xác định được đối tượng khách cần thu hút nên chưa có quy hoạch sản phẩm, chiến lược phát triển rõ ràng. Bên cạnh đó, dịch vụ du lịch còn thiếu, hướng dẫn viên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hơn nữa, hoạt động xúc tiến chưa mang tính chuyên nghiệp khiến lượng khách đến các huyện ngoại thành chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Du lịch ngoại thành: "mỏ vàng" bỏ ngỏ
Khách du lịch đến tham quan làng cổ Đường Lâm. Ảnh: TL

Đầu tư vào hạ tầng, quảng bá điểm đến

Để đánh thức những tiềm năng, lợi thế nhằm hấp dẫn du khách, theo các chuyên gia cùng nhiều doanh nghiệp lữ hành, các huyện cần có giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn, đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo môi trường du lịch lành mạnh, đẩy mạnh sự kết nối với ngành du lịch.

Ông Emmanuel Cerise - Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Paris (Pháp) tại Việt Nam, cho rằng với khách nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Âu họ rất thích tìm hiểu di sản văn hóa của các nước châu Á. Không ít khách du lịch châu Âu khi đến Việt Nam thấy thích thú khi di sản vẫn giữ được hồn cốt truyền thống. Vì thế, theo ông Emmanuel Cerise, Hà Nội cần quan tâm nhiều hơn vấn đề bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch ở các địa phương.

Hiến kế để du lịch ngoại thành phát triển, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng đề xuất, thời gian tới ngành du lịch Thủ đô và các huyện ngoại thành nên liên kết xây dựng 2 tuyến du lịch gồm: Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên và tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức. Đây là tuyến du lịch nhiều tiềm năng để các đơn vị lữ hành khai thác cho cả dòng khách nội địa và quốc tế muốn tìm hiểu văn hóa, làng nghề Hà Nội, qua đó nâng cao hình ảnh du lịch khu vực ngoại thành, làm cơ sở để các địa phương tăng cường bảo tồn, giá trị văn hóa, kích thích phát triển các dịch vụ, thúc đẩy phát triển hạ tầng, đồng thời phân phối khách ở điểm đông khách sang các điểm có ít du khách.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, việc xây dựng điểm đến du lịch khu vực ngoại thành phải làm từng bước và có sự đầu tư dài hạn. Để trở thành điểm đến thu hút đông du khách hay trở thành một tour du lịch hoàn chỉnh, các huyện cần có sự kết nối thường xuyên với doanh nghiệp lữ hành. Bước đầu, các huyện có thể xác định là một trong chuỗi điểm đến của hành trình tour thăm làng nghề - văn hóa - lịch sử của Thủ đô Hà Nội, được các doanh nghiệp chào bán cho du khách.

Một điều quan trọng khác, địa phương cần quan tâm hơn đến cảnh quan môi trường, lắp đặt biển chỉ dẫn cho khách tham quan. Địa phương cũng cần có kế hoạch cụ thể, quy hoạch các phân khu chức năng đón tiếp, phục vụ khách, dịch vụ bổ trợ...

Giám đốc sở Đặng Hương Giang cho biết, Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng hệ thống biển, bảng chỉ dẫn, chuẩn hóa bài thuyết minh, hỗ trợ huyện đào tạo chuyên môn đối với đội ngũ cán bộ, người làm du lịch trên địa bàn, tạo điều kiện tốt nhất cho địa phương phát triển du lịch.

Du lịch Thủ đô đang được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Năm 2024, ngành du lịch Thủ đô đặt mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 đạt khoảng 26,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với ước năm 2023. Trong đó, có 5 triệu lượt khách quốc tế (3,2 triệu khách có lưu trú), tăng 25% so với ước thực hiện năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với ước thực hiện năm 2023.