Phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, các đường dây, tổ chức buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thường có tổ chức rất chặt chẽ, bí mật, khép kín, nhiều mắt xích, nhiều đối tượng tham gia với vị trí, vai trò khác nhau. Các đường dây, tổ chức này hoạt động trên nhiều địa bàn khu vực biên giới, cửa khẩu, các vùng biển, địa bàn nội địa, ở nước ngoài; lợi dụng thời tiết, đêm tối, đặc điểm địa hình phức tạp trên biên giới, cửa khẩu, vùng biển, sử dụng trang thiết bị, công nghệ hiện đại để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đáng chú ý, việc vận chuyển các chất ma túy qua đường hàng không có chiều hướng tăng đột biến cả về số lượng vụ việc, khối lượng tang vật vi phạm. Đối với một số mặt hàng ma túy tổng hợp, trong quý I/2023 cơ quan hải quan đã bắt giữ bằng số lượng tang vật năm 2022 như mặt hàng MDMA (thuốc lắc). Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn vừa thông qua cất giấu¸ ngụy trang ma tuý thành hàng hóa, hành lý ký gửi thông thường, thậm chí các đối tượng liều lĩnh giấu trong hành lý xách tay…

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Văn Chung

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, trước thực tế nêu trên, từ sự chỉ đạo quyết liệt, bám sát thực tiễn diễn biến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều vụ việc vi phạm về thuế và pháp luật hải quan. Đây là kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, riêng trong quý I/2023, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng bắt giữ 3.657 vụ việc vi phạm pháp luật, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.005 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 5 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 3 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 179 tỷ đồng.

Kết quả đấu tranh phòng, chống ma tuý, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng phát hiện, bắt giữ: 38 vụ/55 đối tượng, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 20 vụ. Tang vật thu được gồm: 30,4 kg heroin; 4,5 kg cần sa, 11 kg cocain, 72,7 kg ketamin...

Đẩy mạnh kiểm tra chéo, nâng hiệu quả trong chống buôn lậu

Nhận diện tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế đã và đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có nhiều chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị Tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lưu ý, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong nước vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tới đây phải hết sức quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm.

Các lực lượng chức năng cần chủ động nắm bắt tình hình, đánh giá đúng thực trạng, nhận diện những vấn đề nổi cộm, phức tạp, phương thức hoạt động, xác định tuyến địa bàn, mặt hàng trọng điểm, kịp thời tham mưu đề xuất có phương án phối hợp đánh trúng đối tượng, tụ điểm phức tạp để răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm.

Bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm về thuế và pháp luật hải quan

Từ sự chỉ đạo quyết liệt, bám sát thực tiễn diễn biến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều vụ việc vi phạm về thuế và pháp luật hải quan. Đây là kết quả đáng khích lệ.

Riêng trong quý I/2023, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng bắt giữ 3.657 vụ việc vi phạm pháp luật, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.005 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 5 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 3 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 179 tỷ đồng.

Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế đạt hiệu quả, thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời giữa các đơn vị liên ngành, đặc biệt là dữ liệu về thuế - hải quan.

Bên cạnh đó, các lực lượng thực hiện kiểm tra chéo lẫn nhau để không bỏ lọt tội phạm. Thường trực Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức một số cuộc kiểm tra đột xuất, kiểm tra vào những nội dung, vụ việc theo diện hẹp, có dấu hiệu nhạy cảm, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, để từ đó, nâng cao trách nhiệm của các đơn vị chức năng…

Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác chống buôn lậu của ngành Tài chính, theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục Hải quan bám sát chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại hội nghị tổng kết vừa qua. Theo đó, ngành Hải quan tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các đơn vị và các cục hải quan địa phương đẩy mạnh các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, cảng hàng không, vùng biên và địa bàn nội địa.

Đồng thời, cơ quan hải quan tiếp tục phát huy tốt vai trò cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính trong xây dựng chương trình, kế hoạch, cảnh báo trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, công tác phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm.

Thành lập các tổ công tác liên ngành để chống buôn lậu, gian lận thương mại

Nhằm đôn đốc công tác chống buôn lậu chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng giả, cuối quý I/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đã ký quyết định thành lập 2 tổ công tác liên ngành.

Cụ thể, các tổ công tác có nhiệm vụ chủ động, thường xuyên theo dõi, nắm diễn biến tình hình, phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng và địa phương các cấp tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tại Kế hoạch số 92/KH-BCĐ389 (ngày 13/9/2022) và Kế hoạch số 111/KH-BCĐ389 (ngày 22/11/2022).

Đặc biệt, các tổ tổng hợp, thông báo thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động mới về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kết quả triển khai; tham mưu lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu; chỉ đạo xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê hoặc tham gia hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Một nhiệm vụ quan trọng của 2 tổ công tác là thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tổ chức phổ biến các quy định của pháp luật liên quan, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.