Tại hội nghị, bà Tạ Thanh Tú - Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch tài chính của Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 114/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 30/10/2024 có nhiều quy định mới, thay đổi so với quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP với những nội dung có liên quan đến thẩm quyền, đến phương thức khai thác tài sản tại cơ quan, đơn vị, đến Đề án cho thuê, liên doanh liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập, đến mua sắm tập trung... Đây là những nội dung liên quan trực tiếp đến các đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản của Bộ, nên cần kịp thời phổ biến, quán triệt triển khai trong nội bộ ngành Tài chính.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách về tài sản công
Quang cảnh hội nghị.

“Tôi mong rằng, sau hội nghị này, các đại biểu sẽ nắm bắt được các nội dung cơ bản tại Nghị định số 114/2024/NĐ-CP và một số nội dung cần triển khai thực hiện trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công để báo cáo thủ trưởng đơn vị kịp thời chỉ đạo triển khai tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị mình” - bà Tạ Thanh Tú cho hay.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã được nghe bà Lê Thị Ngọc Lan - Phó Chánh văn phòng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), giới thiệu một số điểm mới của Nghị định số 114 và một số nội dung cần triển khai thực hiện trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công hiện nay.

Theo bà Lê Thị Ngọc Lan, Nghị định số 114 sửa đổi khá nhiều với 52 điều; bổ sung 15 điều; bãi bỏ 2 điều của Nghị định số 151; bãi bỏ Khoản 5, Điều 12 Nghị định 152/2017/NĐ-CP. Trong đó, tại Nghị định 114 đã bổ sung nhiều nội dung mới quy định vòng đời của một tài sản từ lúc hình thành sử dụng đến lúc kết thúc, đều được sửa đổi, cập nhật để đáp ứng tình hình thực tiễn.

Nghị định 114 đã làm rõ những tài sản không thuộc phạm vi điều chỉnh tại nghị định như: tài sản kết cấu hạ tầng; tài sản hình thành thông qua triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng vốn nhà nước; tài nguyên; việc sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án; việc chuyển giao tài sản công là công trình điện sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)...

Đồng thời, nghị định cũng bổ sung quy định để phân định các trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; trường hợp khai thác tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập đối với tài sản phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; trường hợp sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải lập đề án.

Phát biểu kết luận hội nghị, bà Tạ Thanh Tú đề nghị các đơn vị tiếp tục chủ động nghiên cứu, phổ biến, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để đảm bảo thực hiện đúng quy định. Trong quá trình triển khai thực hiện trường hợp có khó khăn vướng mắc, cần kịp thời trao đổi với Cục Kế hoạch tài chính, Cục Quản lý công sản để được hướng dẫn thống nhất thực hiện.