Sáng 7/5, Quốc hội đã nghe các báo cáo, tờ trình về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời”
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức hiện hành để thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với yêu cầu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển để đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình |
Với mục tiêu đó, dự thảo Luật bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm thực hiện chủ trương xây dựng một nền công vụ thống nhất, liên thông, đồng bộ từ Trung ương đến cấp xã. Luật có quy định chuyển tiếp để cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được chuyển thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính của địa phương nơi cán bộ, công chức công tác để sắp xếp, bố trí vào vị trí việc làm ở cấp xã mới theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền khi thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Để hoàn thiện cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, dự thảo quy định rõ việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và năng lực, kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Đồng thời, bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bố trí vào vị trí việc làm nào thì xếp vào ngạch công chức tương ứng, gắn với năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ, qua đó giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo động lực phấn đấu thực chất cho cán bộ, công chức.
Dự thảo cũng đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm trúng tuyển và không phải thực hiện chế độ tập sự.
Dự thảo bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức, đồng thời tăng cường cơ chế hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, đảm bảo phân quyền đi đôi với kiểm soát quyền lực hiệu quả. |
Các phương thức tuyển dụng được quy định linh hoạt. Ngoài thi tuyển, xét tuyển truyền thống còn bổ sung hình thức tiếp nhận đối với những người có tài năng, kinh nghiệm từ khu vực ngoài công lập, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước… hoặc thực hiện ký hợp đồng có thời hạn đối với chuyên gia, nhà khoa học, người đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện để thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức chuyên môn, nghiệp vụ.
Nhằm nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức, dự thảo quy định việc đánh giá cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm công việc cụ thể theo yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhiệm, thay vì dựa trên các tiêu chí chung, hình thức hay cảm tính; bổ sung cơ chế để xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời” và nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá và sử dụng công chức đúng năng lực, đúng vị trí việc làm.
“Các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, hiện đại hóa công tác quản lý công chức theo hướng năng động, minh bạch, hiệu quả. Đảm bảo nguyên tắc sử dụng đúng người, đúng việc, phát huy tối đa năng lực của cán bộ, công chức, đồng thời sàng lọc những trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có trách nhiệm, đạo đức công vụ, phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp” - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ.
![]() |
Phiên họp sáng 7/5. |
Bổ sung tiêu chí xác định "người tài"
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức với các lý do được nêu.
Về các nội dung cụ thể, Ủy ban tán thành việc sửa đổi các quy định để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã. Việc liên thông tại thời điểm hiện nay, theo Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng, đã đủ độ chín và là yêu cầu cấp thiết để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Cơ quan thẩm tra cũng cơ bản tán thành việc tiếp tục quy định nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là “kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế”, đồng thời hoàn thiện quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức làm căn cứ tiếp tục đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức; sửa đổi các quy định về đánh giá công chức để có cơ chế sàng lọc trên cơ sở kết quả, sản phẩm cụ thể và xử lý đối với các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản thống nhất với quy định của dự thảo Luật về một số nội dung mang tính nguyên tắc về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ và giao Chính phủ quy định khung chính sách; người đứng đầu Bộ, ngành, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định khung tiêu chí xác định “người có tài năng” để tránh việc áp dụng không thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương./.
Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, cơ quan thẩm tra nhận thấy việc quy định cụ thể thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức như trong dự thảo Luật là cần thiết. Bởi, thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật là vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức có hành vi vi phạm, làm cơ sở cho việc xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định có liên quan về xếp loại, đánh giá và kỷ luật cán bộ, công chức để bảo đảm sự phù hợp, công bằng. |