Tạo cơ hội cho nhiều người được hưởng lương hưu

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 quy định, điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí phải đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người lao động do có thời gian tham gia BHXH ngắn, khi hết tuổi lao động không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), điều kiện 20 năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng hiện là khá dài, không phù hợp, đặc biệt là những người tham gia thị trường lao động muộn, hoặc làm công việc không ổn định. Điều kiện để hưởng chế độ hưu trí này cùng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã khiến nhiều người lao động phải quan tâm đến những nhu cầu trước mắt, nản lòng trong quá trình theo đuổi đóng góp cho hệ thống BHXH để được hưởng hưu trí trong tương lai khi về già.

Chi trả lương hưu tại nhà ở Hà Nội. Ảnh: BHXH VN
Chi trả lương hưu tại nhà ở Hà Nội. Ảnh: BHXH VN

Số liệu thống kê cho thấy, số người đang tham gia BHXH rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu là khá lớn. Theo Bộ LĐTBXH, sau 5 năm thực hiện Luật BHXH, tổng số người hưởng BHXH một lần là khoảng 3,7 triệu người. Về cơ bản, số người hưởng BHXH một lần năm sau cao hơn năm trước, với mức tăng bình quân 6,5% năm. Điều này khiến nỗ lực mở rộng diện bao phủ, phát triển đối tượng tham gia BHXH bị hạn chế và gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới chính sách an sinh xã hội và mục tiêu BHXH toàn dân.

Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách BHXH, Bộ Chính trị yêu cầu: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống còn 15 năm; có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần”. Thể chế hóa chủ trương này, trong Điều 71, dự thảo Luật BHXH sửa đổi, điều kiện hưởng chế độ hưu trí được Bộ LĐTBXH đề xuất sửa đổi theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm, nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn, hoặc quá trình tham gia không liên tục nên có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu.

“Níu chân” người lao động ở lại hệ thống an sinh

Theo các chuyên gia, việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu xuống còn 15 năm để được hưởng chế độ hưu trí sẽ đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động mong muốn được đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, được hưởng chế độ hưu trí khi về già. Theo một nghiên cứu của Bộ LĐTBXH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2018, các trường hợp hưởng BHXH một lần thường là những người có số năm đóng BHXH thấp, dưới 15 năm. Vì vậy, giảm số năm đóng BHXH xuống còn 15 năm theo đề xuất của Bộ LĐTBXH sẽ có thể “níu chân” người lao động ở lại hệ thống an sinh khi họ có ý định rút BHXH một lần, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH hướng tới hưởng lương hưu hàng tháng.

Bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của Bộ LĐTBXH, anh Bùi Đình Tưởng (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Tôi đã nghỉ việc tại công ty một thời gian, đang tính rút BHXH một lần để lấy 1 khoản tiền cho chắc vì thời gian đóng để được hưởng lương hưu tận 20 năm, dài quá. Nay được rút xuống 15 năm tham gia là được hưởng lương hưu nên tôi để lại, không rút nữa, chờ sắp tới xin việc mới sẽ tham gia tiếp hoặc đóng BHXH tự nguyện để sau về già có lương hưu”.

Hưởng lương hưu tối đa 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội

Mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 71 của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa là 75%. Đồng thời, dự thảo luật cũng quy định, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì sẽ bị giảm trừ 2% mức lương hưu.

Cho ý kiến về đề xuất này, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhận định: “Việc rút ngắn xuống 15 năm là chính sách tốt, tạo thuận lợi cho người lao động, giúp mở rộng đối tượng được thụ hưởng lương hưu. Đồng thời, điều này có thể góp phần giảm thiểu tình trạng rút BHXH một lần, lí do là nhiều người khi không đủ điều kiện hưởng hưu trí, phải rời khỏi hệ thống bằng cách rút BHXH một lần”.

Cũng tại dự thảo Luật BHXH, về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Bộ LĐTBXH đề xuất, người lao động sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.