Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương 2024: Phát triển kinh tế bền vững qua hợp tác kế toán, kiểm toán
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng (thứ 7 từ trái qua) cùng các thành viên tham gia diễn đàn chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Đức Minh

Công cụ đắc lực làm minh bạch thị trường tài chính

Chia sẻ thông tin bên lề Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương, do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức, với chủ đề Thúc đẩy tăng trưởng thông qua hợp tác quốc tế và phát triển bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, dịch vụ kế toán, kiểm toán độc lập ở Việt Nam có hơn 30 năm hoạt động và đã có những bước phát triển đáng kể, đạt được những kết quả quan trọng và đáng khích lệ. Kế toán, kiểm toán được Bộ Tài chính xác định là một trong những công cụ đắc lực, góp phần làm minh bạch thị trường tài chính, tăng niềm tin của công chúng và thu hút đầu tư.

ACCA có ảnh hưởng tích cực trong nhiều lĩnh vực

ACCA là một trong những hội nghề nghiệp kế toán – kiểm toán quốc tế lớn nhất và phát triển nhanh nhất thế giới trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán với gần 542.000 học viên và hơn 241.000 hội viên tại 178 quốc gia. Số lượng kế toán viên ACCA tại Việt Nam và trên khắp châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục tăng, mang lại ảnh hưởng tích cực trong nhiều lĩnh vực, đóng vai trò là chuyên gia kinh doanh có động cơ đạo đức; những người quản lý khôn ngoan về liêm chính tài chính; là những người bảo vệ sự minh bạch được mọi người tin cậy.

Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã tập trung tạo lập khuôn khổ pháp lý khá cơ bản cho hoạt động kế toán, kiểm toán tại Việt Nam, trong đó, Việt Nam đã xây dựng Luật Kế toán (năm 2023) và Luật Kế toán sửa đổi (năm 2015), Luật Kiểm toán độc lập (năm 2011).

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Việt Nam cũng đã ban hành hệ thống các chuẩn mực nghề nghiệp gồm 26 chuẩn mực kế toán và 47 chuẩn mực Việt Nam về dịch vụ kế toán, dịch vụ soát xét, dịch vụ đảm bảo khác, các dịch vụ có liên quan và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Các chuẩn mực này được Bộ Tài chính xây dựng trên cơ sở các quy định của chuẩn mực quốc tế.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã đào tạo và hình thành đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn tốt, trong đó có nhiều kiểm toán viên đạt trình độ quốc tế, được các tổ chức quốc tế công nhận là hội viên, trong đó có ACCA.

Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho rằng, tài chính, kế toán và kiểm toán là những cột trụ quan trọng định hình và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và khu vực. Việc xây dựng một nền tảng vững chắc cho hợp tác kinh tế và phát triển bền vững đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực chung từ các quốc gia trong khu vực.

Trong bối cảnh hiện nay, việc hợp tác nghiên cứu và phát triển các giải pháp tài chính sáng tạo sẽ giúp giải quyết những thách thức chung mà các quốc gia trong khu vực đang đối mặt và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

“Chính vì thế, tôi tin rằng việc thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực tài chính, kế toán và kiểm toán không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, chia sẻ nguồn lực và thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế bền vững” - Thứ trưởng Võ Thành Hưng nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nâng cao năng lực nhân lực về kế toán, kiểm toán trên cơ sở thông lệ quốc tế là một yêu cầu thiết yếu trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho rằng, cần hỗ trợ nhau, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ nhau để đảm bảo rằng chúng ta đều đạt được tiêu chuẩn quốc tế và có thể cùng nhau xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch.

Đồng thời, cần xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động, đảm bảo các kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề được trang bị kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành cần thiết; khuyến khích hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi những phương pháp đào tạo tiên tiến.

Tạo tăng trưởng đột phá cho khu vực

Ông Pulkit Abrol - Giám đốc ACCA khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: “Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương cung cấp cơ hội không giới hạn cho cộng đồng doanh nghiệp và tài chính trong khu vực nhằm chia sẻ kiến thức và khám phá các giải pháp sáng tạo cho những thách thức đương đại. Bằng cách tạo điều kiện cho những cuộc thảo luận quan trọng này, chúng tôi trang bị cho các chuyên gia khả năng thúc đẩy sự thay đổi tích cực, tăng cường bền vững và chấp nhận biến đổi số, từ đó góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương”.

Bà Helen Brand OBE - Giám đốc điều hành của ACCA, cho rằng hoạt động kế toán, kiểm toán mang lại tài sản vô giá cho hoạt động kinh doanh mà mọi nền kinh tế lành mạnh đều cần. Đó là cách tiếp cận có đạo đức nhằm đảm bảo rằng thị trường vốn hoạt động mạnh mẽ và trên hết là công bằng.

Trong diễn đàn, chúng ta trao đổi, thảo luận nhiều lĩnh vực cùng quan tâm và cách chúng ta cùng nhau hợp tác với tư cách là các nhà hoạch định chính sách và công chức, người sử dụng lao động, lãnh đạo doanh nghiệp và kế toán để ứng phó với sự thay đổi - dẫn đầu sự thay đổi; thúc đẩy đổi mới và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Đây cũng là cơ hội hoàn hảo để tôn vinh những tác động mà các thành viên ACCA đã và đang tiếp tục tạo ra tại Việt Nam và trên toàn châu Á - Thái Bình Dương, bà Helen Brand OBE phát biểu.

Theo ban tổ chức, Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương 2024 đặt mục tiêu lấy những yếu tố phát triển nguồn nhân lực, hợp tác thúc đẩy kinh tế và phát triển bền vững làm nền tảng, từ đó dựng xây nên chiến lược gắn kết toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng chung trong tương lai.

Trước nhiều biến động kinh tế - chính trị - xã hội khó lường hiện nay trên toàn cầu, Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương 2024 tập trung vào việc củng cố khả năng phục hồi và tạo ra những tăng trưởng mũi nhọn đột phá cho khu vực; đồng thời đóng vai trò là trung tâm kết nối giữa tri thức, tinh thần hợp tác và chiến lược hàng đầu, góp phần không nhỏ vào việc tối ưu hóa sức mạnh của các nhà lãnh đạo và chuyên gia giáo dục trên toàn khu vực. Thông qua việc tạo nên những cơ hội để trao đổi tri thức và ươm mầm các mối quan hệ chiến lược, sự kiện hứa hẹn sẽ thay đổi quan niệm truyền thống về vai trò của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên sân khấu toàn cầu.

Chủ đề thảo luận chính của diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương

Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra trong hai ngày 28 - 29/5, tập trung vào một số cuộc thảo luận nhóm và các phiên tương tác, bao gồm các nội dung cụ thể:

Tài chính bền vững và Tích hợp ESG: Khi bền vững trở thành ưu tiên quan trọng, phiên thảo luận sẽ tìm hiểu cách doanh nghiệp có thể tích hợp hiệu quả các nguyên tắc ESG vào hoạt động và thực hành báo cáo của họ; chuyển đổi số trong ngành Tài chính: Với sự tiến triển nhanh chóng của công nghệ, cuộc thảo luận này sẽ tập trung vào các công cụ số và chiến lược đang làm thay đổi ngành tài chính, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy sự đổi mới;

Xu hướng quy định và tuân thủ: Phiên thảo luận sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về các phát triển quy định mới nhất trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh vào các thực hành tốt nhất cho tuân thủ và quản lý rủi ro.

Tương lai công việc trong ngành Tài chính: Đề cập đến sự biến đổi của động lực lao động, phiên thảo luận sẽ tập trung vào các kỹ năng và năng lực cần thiết cho các chuyên gia tài chính trong tương lai, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc học liên tục và tính linh hoạt.