Nhiều ổ nhóm, đường dây xuyên quốc gia

Đại diện Phòng Kiểm soát ma túy (Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) chia sẻ, trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, lợi dụng dịch Covid-19 bùng phát, các băng nhóm tội phạm ma túy gia tăng hoạt động cả về quy mô, tính chất, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới.

“Điểm nóng” về tội phạm ma túy
Hai đối tượng người Campuchia vận chuyển 24kg ma túy qua biên giới bị bắt giữ ngày 11/11

Trên thực tế, nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy đã được hình thành từ Campuchia hoạt động xuyên tuyến biên giới Tây Nam, trong thời gian qua. Tội phạm ma túy trên tuyến này gồm các đối tượng trong và ngoài nước, chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan, Tây Phi, Việt Nam và Campuchia. Các đối tượng lợi dụng địa bàn rộng, đường biên giới dài, có nhiều đường tiểu ngạch để thực hiện hành vi phạm tội.

Trong đó, ở các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Long An, Đồng Tháp…, tội phạm ma túy hoạt động mạnh nhất. Các đối tượng thường dùng thủ đoạn cất giấu, ngụy trang ma túy trong bao bì, vật phẩm hoặc để lẫn trong các loại hàng hóa, hoặc tạo ra các ngăn chứa bí mật trong các phương tiện, các vật dụng thông thường; sau đó thuê người ở khu vực biên giới thông thuộc đường mòn, lối tắt đưa ma túy qua biên giới, với số lượng ngày càng nhiều. Chúng còn sử dụng nhiều số điện thoại di động khác nhau, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Wechat... để liên lạc, phối hợp thực hiện hành vi phạm tội.

Những năm gần đây, ma túy sau khi được vận chuyển trái phép qua biên giới vào Việt Nam sẽ được vận chuyển về TP. Hồ Chí Minh - trung tâm tiêu thụ chính, hoặc tập kết sau đó phân tán thành nhiều đường dây vận chuyển ma túy bất hợp pháp đi các tỉnh phía Nam và ra nước ngoài tiêu thụ.

Số lượng ma túy bị bắt giữ
ngày càng “khủng”

Việt Nam nằm gần khu vực “Tam giác vàng” - một trong những trung tâm sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy lớn nhất, nhì thế giới. Chính vì thế, các đối tượng tội phạm ma túy đã cấu kết với các băng nhóm tội phạm liên khu vực, liên lục địa, hình thành các đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy khép kín, xuyên quốc gia, từ khu vực “Tam giác vàng” sang Lào, Campuchia, sau đó vận chuyển vào Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục trung chuyển đi nước thứ ba.

Đáng chú ý, các tổ chức tội phạm về ma túy ngày càng sử dụng công nghệ mới để tăng sản lượng, hạ giá thành và đẩy mạnh hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy ở khu vực biên giới nước ta. Theo đó, lượng ma túy mua bán, vận chuyển trái phép vào nước ta ngày càng lớn. Nếu như trước đây, tang vật ma túy bị thu giữ có thể chỉ gồm vài bánh heroin, vài kg ma túy tổng hợp, thì hiện nay, số lượng tang vật lên tới hàng trăm bánh heroin, hàng trăm kg ma túy các loại. Cùng với đó, các đối tượng phạm tội cũng ngày càng trở nên liều lĩnh, manh động với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng.

Một số vụ điển hình: Mới đây nhất ngày 27/11, lực lượng chức năng phòng, chống ma túy tỉnh An Giang đã phát hiện nhóm đối tượng vận chuyển 35kg cần sa qua biên giới Campuchia. Cũng trong tháng 11, tại Long An, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (Cục Hải quan Long An) đã phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện một đường dây vận chuyển ma túy thông qua phương tiện xuất nhập khẩu hàng hoá qua cửa khẩu này. Hai đối tượng người Campuchia đã điều khiển phương tiện, vận chuyển xoài nhập khẩu từ Cửa khẩu quốc tế Pray Vo sang Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, trong đó cất giấu 30 bánh heroin (10,481 kg) và 13,485 kg ma túy tổng hợp các loại.

Tiếp đó, lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh đã triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy số lượng lớn có nguồn gốc từ nước ngoài qua tỉnh này đi TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ; bắt giữ 2 đối tượng, thu giữ tổng cộng 40kg ma túy tổng hợp.

Trước đó, hồi tháng 6/2021, với Chuyên án A521p, Tổng cục Hải quan phối hợp với lực lượng chức năng đã bắt 4 đối tượng cùng trú tại Đồng Tháp, vận chuyển trái phép ma túy từ Campuchia vào Việt Nam qua khu vực biên giới Đồng Tháp để đưa về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ, thu giữ 20 kg ma túy tổng hợp...

Kiểm soát chặt những địa bàn trọng điểm về ma túy

Dự báo, tội phạm ma túy sẽ tiếp tục dịch chuyển về các tỉnh biên giới phía Nam tiếp giáp Campuchia, đặc biệt tại Tây Ninh, An Giang, Long An để hoạt động. Vì vậy, tình trạng vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào các tỉnh biên giới phía Nam rồi trung chuyển về TP. Hồ Chí Minh, tiếp đó vận chuyển đi cả nước và ra nước ngoài tiêu thụ tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, theo Cục Điều tra chống buôn lậu, lực lượng hải quan chuyên trách kiểm soát, phòng, chống ma túy sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt các công tác nghiệp vụ cơ bản nhằm xác định các đối tượng, địa bàn trọng điểm; tăng cường các kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn kịp thời dòng ma túy vào nội địa.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan sẽ tiếp tục cải cách, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị, kỹ thuật nghiệp vụ và ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; phối hợp với các lực lượng chức năng (như: bộ đội biên phòng, công an nhân dân, cảnh sát biển) và chính quyền địa phương nhằm phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý kịp thời, hiệu quả đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, trái phép ma túy qua biên giới.

Cùng với đó, ngành Hải quan cũng sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế trong phòng, chống và kiểm soát ma túy với cơ quan hải quan các nước, đặc biệt là nước có chung biên giới như Vương quốc Campuchia; phối hợp tiến hành các hoạt động tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường bộ, đường mòn, đường sông; xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá tận gốc các đường dây tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia về ma túy nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa nguồn ma túy thẩm lậu vào Việt Nam.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy qua biên giới, lực lượng hải quan sẽ phối hợp với bộ, ngành, cơ quan và địa phương thực hiện có hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm ma túy.

Tây Ninh: Nhiều băng nhóm tội phạm ma túy xuyên quốc gia

Tây Ninh với 240 km đường biên giới với Campuchia, có 2 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu quốc gia và rất nhiều đường tiểu ngạch, đường ngang, lối mở - trở thành mảnh đất màu mỡ cho tội phạm về ma túy hoạt động.

Thời gian qua, tại địa bàn tỉnh này nổi lên tình trạng người Trung Quốc, Campuchia và người Việt Nam định cư ở nước ngoài cấu kết với một số đối tượng trong nước lập nhiều đường dây vận chuyển trái phép ma túy từ Phnom Penh thẩm lậu vào Việt Nam qua địa bàn và sau đó đưa về các tỉnh, thành phía Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba.

Thậm chí, khi bị siết chặt kiểm soát tại địa bàn tỉnh Tây Ninh, tội phạm ma túy có xu hướng chuyển hướng hoạt động vận chuyển vào Việt Nam qua khu vực các cửa khẩu thuộc tỉnh Long An, sau đó mới trung chuyển qua địa bàn tỉnh Tây Ninh để về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Trước tình hình đó, thời gian tới, Hải quan Tây Ninh sẽ phối chặt chẽ với cơ quan chức năng các tỉnh Pray Veng, Tboung Khmum, Svay Rieng (Campuchia) trong việc trao đổi thông tin và xây dựng, triển khai các kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các băng nhóm, đường dây mua bán, vận chuyển mặt hàng cấm này qua địa bàn.